(ĐCSVN) - Ngày 12/7, tại Phnom Penh đã diễn ra Hội nghị Ngoại trưởng Đông Á (EAS) lần thứ 2 và Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) lần thứ 19 gồm 10 nước ASEAN và các đối tác quan trọng của Hiệp hội. Tại cả hai sự kiện này, nhiều nước đã bày tỏ quan ngại trước những diễn biến phức tạp gần đây ở Biển Đông ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở khu vực.
|
Ngoại trưởng các nước tham dự Diễn đàn ARF tại Phnom Penh (Campuchia), ngày 12/7. (Ảnh: AFP) |
Tại Hội nghị EAS và ARF, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình diễn biến phức tạp xảy ra gần đây trên Biển Đông; những vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, trái với luật pháp quốc tế và Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS) cũng như các nguyên tắc của Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002, gây phương hại đến hòa bình, ổn định, an ninh an toàn hàng hải ở khu vực. Bộ trưởng nhấn mạnh các nguyên tắc về tôn trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ven biển đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa theo quy định của UNCLOS; giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực, tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về UNCLOS, và tinh thần của DOC, sớm xây dựng Bộ Quy tắc về ứng xử ở Biển Đông (COC).
Trong khi đó, tại ARF ngày 12/7, Mỹ, Nhật Bản cùng một số nước khác cũng đã yêu cầu Trung Quốc giải quyết các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông dựa trên luật pháp quốc tế, thay vì đe dọa hay đưa ra các tuyên bố liên quan đến lịch sử.
Phát biểu sau khi kết thúc ARF, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nói: "Không một quốc gia nào không lo ngại về sự gia tăng căng thẳng, những lời lẽ đối đầu gay gắt và các bất đồng về khai thác tài nguyên". Đại diện ngoại giao cấp cao của Mỹ kêu gọi các nước trong khu vực nên làm việc phối hợp với nhau và thông qua kênh ngoại giao để giải quyết các tranh chấp mà “không cần sự ép buộc, không đe dọa sử dụng vũ lực và chắc chắn là không sử dụng vũ lực"
Chia sẻ quan điểm với nhiều Ngoại trưởng khác trong khu vực khi nhấn mạnh vai trò quan trọng của COC trong việc ngăn chặn cũng như giải quyết những tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, Ngoại trưởng Mỹ kêu gọi tất cả các bên có liên quan cần tỏ ra kiềm chế, không đe doạ lẫn nhau. Bà H. Clinton bày tỏ tán thành chủ trương đối thoại đa phương nhằm giải quyết những bất đồng về chủ quyền tại Biển Đông.
Chia sẻ quan điểm với Ngoại trưởng Mỹ Clinton, Ngoại trưởng Nhật Bản Koichiro Gemba đã bày tỏ rõ ràng, "những tuyên bố hợp pháp về Biển Đông phải căn cứ vào luật pháp quốc tế và không thể nói căn cứ vào lịch sử".
Một số nhà ngoại giao Nhật Bản cho biết, tại các buổi gặp riêng rẽ với các nhà lãnh đạo Campuchia, Lào và Indonesia ngày 11/7, ông Gemba cũng đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc giải quyết những tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông một cách “hòa bình”.
Trong khi đó, Ấn Độ ngày 12/7 cũng kêu gọi tất cả các bên có liên quan tới tranh chấp lãnh thổ trên biển Đông cần tôn trọng luật pháp quốc tế về tự do hàng hải và tiếp cận các nguồn tài nguyên trên biển.
Phát biểu tại Hội nghị Ngoại trưởng EAS, Ngoại trưởng Ấn Độ S.M Krishna nhấn mạnh: “Chúng tôi luôn theo sát những diễn biến về tình hình trên Biển Đông. Như chúng tôi đã từng tuyên bố trước đó, New Delhi ủng hộ tự do hàng hải và tiếp cận các nguồn tài nguyên trên biển dựa trên nguyên tắc luật pháp quốc tế. Và những nguyên tắc này cần được tất cả các bên tôn trọng. Chúng tôi hoan nghênh việc tất cả các bên có liên quan tới tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông đã tham gia đối thoại và đề cập thẳng tới vấn đề này. Chúng tôi hy vọng tiến trình này sẽ mang lại kết quả phù hợp, dựa trên tinh thần của DOC”.
Với vị trí nằm trên một trong những đường giao thông hàng hải lớn trên thế giới, có nguồn thủy sản và tiềm năng dầu khí dồi dào, những tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông hiện không chỉ gây cản trở trong quan hệ giữa các nước trong khu vực mà còn trở thành một vấn đề quan tâm hàng đầu của nhiều nước đối tác của ASEAN. Việc tìm ra một tiếng nói chung phù hợp, mang tính chất ràng buộc về mặt pháp lý để điều chỉnh các hành vi của các nước có liên quan tại Biển Đông là mong muốn của tất cả các nước và điều này có đóng góp không nhỏ nhằm đảm bảo an ninh, hòa bình, ổn định trong khu vực./.