(ĐCSVN) – Ngày 24/10, đại diện giới kinh doanh Nhật Bản đã lên tiếng bày tỏ hy vọng, quan hệ căng thẳng giữa Nhật Bản và Trung Quốc sớm hạ nhiệt, tạo điều kiện thuận lợi cho quan hệ kinh doanh giữa giới doanh nhân hai nước phát triển.
|
Chủ tịch Liên đoàn Doanh nghiệp Nhật Bản, ông Hiromasa Yonekura (Ảnh: NHK) |
Trong bối cảnh quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc đang có nhiều dấu hiệu đi xuống, gây ảnh hưởng tới nhiều mặt, đặc biệt là lĩnh vực hợp tác đầu tư, kinh doanh giữa hai nước, Chủ tịch Liên đoàn Doanh nghiệp Nhật Bản (Keidanren), ông Hiromasa Yonekura, đã lên tiếng kêu gọi chính quyền Tokyo và Bắc Kinh cải thiện mối quan hệ thông qua các nỗ lực ngoại giao và các vòng đối thoại “bình tĩnh”.
Trong bài phát biểu tại thành phố Sapporo thuộc phía Bắc Nhật Bản, ngày 24/10, ông Yonekura nhấn mạnh, những biến động trong mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản – hai nền kinh tế đứng hàng thứ 2 và thứ 3 trên thế giới sẽ gây ra những tác động không nhỏ đối với các hoạt động trên quy mô toàn cầu. Ông Yonekura cho biết, kể từ khi chính phủ Nhật Bản mua lại và quốc hữu hóa 3 trong số 5 hòn đảo đang tranh chấp với Trung Quốc hồi tháng 9/2012, mối quan hệ giữa Tokyo và Bắc Kinh đã lâm vào tình trạng “khủng hoảng nghiêm trọng” và điều đó đã bắt đầu tạo ra những ảnh hưởng tiêu cực đối với các hoạt động kinh tế và kinh doanh của hai nước. Ông Yonekura đã bày tỏ thái độ tiếc nuối trước thực tế rằng, chính phủ Nhật Bản và Trung Quốc đã “thiếu các mối liên hệ cần thiết” để giải quyết những bất đồng đang còn tồn tại.
Tuyên bố trên được ông Yonekura đưa ra trong bối cảnh nhật báo kinh tế Nikkei của Nhật Bản, ngày 23/10 đưa tin hãng sản xuất ô tô danh tiếng Toyota sẽ buộc phải từ bỏ chỉ tiêu kỷ lục sản xuất 10 triệu chiếc xe trong năm nay, sau khi doanh số của hãng này tại Trung Quốc sụt giảm đáng kể, do căng thẳng trong quan hệ giữa hai nước, liên quan tới tranh chấp chủ quyền tại quần đảo trên biển Hoa Đông mà Tokyo gọi là Senkaku, trong khi Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư.
Theo báo Nikkei, Toyota từng hy vọng bán được 1 triệu ô tô tại Trung Quốc trong năm 2012, song với tình hình hiện nay, tập đoàn này nhận thấy khó thể đạt nổi mức tiêu thụ 900.000 chiếc của năm 2011. Doanh thu của Toyota tại Trung Quốc đã giảm gần 50% trong tháng 9/2012 so với cùng kỳ năm 2011. Nguyên nhân bắt nguồn từ phong trào bài Nhật đã bùng lên dữ dội sau khi Nhật Bản tuyên bố quốc hữu hóa một phần quần đảo tranh chấp.
Báo chí Nhật Bản còn cho biết kể từ ngày 22/10, Toyota đã phải ngừng sản xuất tại nhà máy lắp ráp của hãng này ở Thiên Tân (gần Bắc Kinh). Đây là nhà máy lớn nhất trong số 9 nhà máy của hãng ở Trung Quốc, sử dụng khoảng 13.000 nhân công và chiếm khoảng 60% sản lượng của Toyota ở thị trường này. Toyota dự báo công việc sản xuất của hãng này tại Trung Quốc sẽ bị chậm lại cho đến cuối năm nay.
Ngoài Toyota, các hãng xe hơi khác của Nhật Bản trong đó có Honda và Nissan cũng đã cắt giảm sản lượng ở Trung Quốc do doanh thu sụt giảm, một phần bị ảnh hưởng của tình trạng leo thang căng thẳng giữa hai nước liên quan đến quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Từ tháng 9, một số nhà máy của Nhật Bản ở Trung Quốc cũng đã đóng cửa hoặc điều chỉnh sản xuất.
Theo số liệu thống kê của chính phủ Nhật Bản, kể từ năm 1900, các công ty Nhật Bản, đặc biệt là các hãng sản xuất điện tử như tập đoàn Panasonic, hãng sản xuất ô tô Nissan và Toyota…đã đổ khoảng 1 nghìn tỷ USD đầu tư vào các công ty của Trung Quốc. Số liệu thống kê cũng cho biết, các hoạt động đầu tư của Nhật Bản tại Trung Quốc không những giúp tạo thêm 1,6 triệu việc làm cho người lao động mà còn giúp Nhật Bản tận dụng được những lợi thế cạnh tranh của Trung Quốc như chi phí sản xuất thấp, có nhiều tiềm năng để phát triển thị phần, từ mặt hàng xe ô tô cho đến đồ mỹ phẩm.
Tuy nhiên, tình hình hiện nay đã thay đổi và những quan hệ căng thẳng giữa hai nền kinh tế thuộc top đầu trên thế giới đã có tác động không nhỏ đối với tâm lý của các nhà kinh doanh. Kết quả một cuộc khảo sát mới được công bố cho thấy, có đến 37% các công ty Nhật Bản cho biết, họ đang ngày càng tỏ ra lo lắng về tình hình đầu tư làm ăn tại Trung Quốc. Trong khi đó, có đến hơn một nửa số các hãng lắp ráp tại Nhật Bản cho biết, họ đã vạch trước kịch bản doanh thu bán hàng tại Trung Quốc sẽ sụt giảm đáng kể trong năm tài khóa 2012-2013. Bên cạnh đó, có đến 24% số doanh nghiệp được hỏi cho biết, họ đang cân nhắc tới phương án trì hoãn hoặc cắt giảm các kế hoạch đầu tư vào Trung Quốc; 8% số doanh nghiệp được hỏi cho biết, họ đang xem xét tới các kế hoạch chuyển đầu tư sản xuất từ Trung Quốc sang các nước khác.
Trước bối cảnh trên, chính phủ Nhật Bản và Trung Quốc đang nỗ lực xúc tiến các cuộc đối thoại song phương để có thể thu hẹp được những bất đồng, giúp cải thiện lòng tin của giới kinh doanh hai nước. Hãng thông tấn NHK của Nhật Bản, ngày 23/10 đưa tin, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trương Chí Quân và người đồng cấp Nhật Bản Chikao Kawai cuối tuần qua có buổi đối thoại kín tại Thượng Hải (Trung Quốc) nhằm tìm ra các biện pháp giúp hàn gắn các mối quan hệ song phương vốn đã trở nên căng thẳng do những tranh chấp về chủ quyền biển đảo trên biển Hoa Đông. Tuy chi tiết cụ thể của buổi đối thoại trên không được tiết lộ cụ thể, song báo chí Nhật Bản cho biết, nhân sự kiện này, hai đại diện ngoại giao của Nhật Bản và Trung Quốc đã nhất trí tiếp tục duy trì các cơ chế đối thoại song phương. Ông Chikao Kawai và ông Trương Chí Quân cũng cho biết, chính quyền Tokyo và Bắc Kinh đang tiếp tục theo đuổi các cơ hội có thể giúp cải thiện các mối quan hệ giữa hai bên.
Được biết, trước cuộc đối thoại trực tiếp tại Thượng Hải, một số đại diện cấp cao của Trung Quốc và Nhật Bản cũng đã có buổi gặp gỡ tại Tokyo (Nhật Bản) vào ngày 11/10 vừa qua nhằm xoa dịu mối quan hệ giữa hai nước vốn đang bị đẩy xuống mức thấp nhất kể từ sau Thế chiến thứ II do tranh chấp chủ quyền biển đảo trên biển Hoa Đông./.