(ĐCSVN) - Chỉ cách nhau có 2 ngày (21 - 23/4), cả Tổng thống Mỹ Barack Obama và Phó Tổng thống Joe Biden đều đã xuất hành, chỉ khác nhau ở hướng đi. Mục tiêu của từng chuyến công du đã được giới chức ngoại giao Mỹ công bố rõ ràng. Tuy nhiên, giới nghiên cứu cho rằng, cả hai chuyến đi nói trên đều nhằm “cân bằng chiến lược” Đông - Tây.
Từ đẩy mạnh “Đông tiến”…
Ngày 21/4, Phó Tổng thống Mỹ Biden đã tới Kiev trong chuyến thăm 2 ngày tại đây, nhằm thể hiện sự ủng hộ của Mỹ đối với chính phủ tạm quyền thân phương Tây. Ông Biden đã có các cuộc gặp với các nghị sĩ quốc hội Ukraine, bao gồm các chính đảng và các khu vực, cũng như đại diện các tổ chức phi chính phủ tại nước này.
Chuyến đi của ông Biden diễn ra trong bối cảnh bất ổn ở Ukraine tiếp tục gia tăng do các bên hữu quan đã không tuân thủ thỏa thuận 6 điểm của Hội nghị 4 bên ngày 17/4 tại Geneva. Chính phủ ở Kiev đã tái khởi động chiến dịch quân sự nhằm vào những người biểu tình ở các tỉnh phía Đông. Còn Mỹ, phương Tây, Nga đều đổ lỗi cho nhau là đã thiếu trách nhiệm đối với tình hình Ukraine.
Mỹ tuyên bố tiếp tục xem xét khả năng áp đặt thêm các lệnh trừng phạt sâu rộng hơn với Nga và đe dọa: “Nga có thể phải chịu sự cô lập của cộng đồng quốc tế nếu không ngừng ngay việc hỗ trợ cho những người biểu tình ‘quá khích’ thân Nga ở miền Đông Ukraine”.
Về kinh tế, trong chuyến thăm, ông Biden đã thảo luận với chính phủ tạm quyền Kiev “về những nỗ lực của cộng đồng quốc tế" giúp Ukraine ổn định lại nền kinh tế. Ông Biden cũng công bố gói hỗ trợ kỹ thuật (50 triệu USD) cho Ukraine liên quan đến lĩnh vực năng lượng, cải cách kinh tế và an ninh.
Hai bên cũng “bàn bạc những bước đi tiếp theo liên quan đến quá trình cải cách Hiến pháp, phân cấp quản lý, phòng chống tham nhũng và các bước chuẩn bị cho cuộc bầu cử Tổng thống dự kiến diễn ra vào ngày 25/5 tới”.
Nhận định về chuyến đi này của Phó Tổng thống Mỹ Biden đã có những ý kiến rất khác nhau. Chuyên gia Heather Conley, tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và các vấn đề Quốc tế ở Washington cho rằng: “Chính phủ lâm thời Ukraine cần sự trấn an của Mỹ rằng, Mỹ sẽ hậu thuẫn họ dài hạn”
Một quan chức Mỹ đi cùng đoàn cho hay: “Chuyến đi của ông Biden nhằm mục đích cho thấy Mỹ ủng hộ nền dân chủ, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine”.
Ông Rostislav Ishchenko, Giám đốc Trung tâm Phân tích và Dự báo chiến lược ở Kiev cho rằng, chuyến đi của ông Biden nhằm xem xét các khả năng thoái lui để giữ thể diện của Mỹ. Ông nói: “Tôi nghĩ rằng, ông Biden đến Ukraine để tìm hiểu xem liệu Mỹ còn có khả năng thoái lui mà vẫn giữ được thể diện hay không”.
Còn giới nghiên cứu cho rằng, chuyến đi của Phó Tổng thống Mỹ Biden đến Ukraine là tiếp tục đẩy mạnh chiến lược “Đông tiến” của NATO và thực hiện mục tiêu “Phục hưng quan hệ Mỹ - châu Âu” – chính sách của Mỹ mà Bộ trưởng Ngoại giao John Kerry công bố mới đây.
… Đến khẳng định “trục xoay”
Chuyến công du kéo dài một tuần tới bốn nước châu Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Phillippines) của Tổng thống Mỹ Obama cũng được giới chức ngoại giao Mỹ công bố là nhằm tái khẳng định chính sách “xoay trục” của Mỹ sang khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, dư luận lại cho rằng, kể từ khi tuyên bố “Kỷ nguyên Thái Bình Dương” (11-2011) đến nay, Mỹ chỉ “nói nhiều hơn làm”. Việc cơ cấu lại lực lượng toàn cầu “60/40” giữa châu Á và châu Âu vẫn không được thể hiện. Số lính thủy đánh bộ Mỹ điều chuyển đến Australia mới chỉ là 250/2.500. Vũ khí trang bị như: Máy bay trinh sát không người lái Global Hawk, hệ thống radar X-band mới, máy bay tuần tra biển P-8… cũng phải đến cuối năm 2014.
Tại Nhật Bản, hai bên đã thảo luận các biện pháp tăng cường quan hệ đồng minh và đẩy mạnh tiến trình đàm phán TPP. Mỹ tiếp tục khẳng định, “coi quan hệ đồng minh với Nhật là hòn đá tảng trong chiến lược châu Á của Washington và cam kết hiện đại hóa mối quan hệ này”.
Tại Hàn Quốc, Mỹ tuyên bố hỗ trợ vụ chìm phà Sewol, tăng cường quan hệ đồng minh, hợp tác an ninh, thảo luận vấn đề Triều Tiên và bàn thực hiện AFTA Mỹ - Hàn. Đến Malaysia, ông Obama sẽ tập trung thảo luận về các vấn đề đàm phán TPP, hợp tác an ninh, quốc phòng, tranh chấp trên Biển Đông và tìm một thỏa ước hợp tác quân sự mới. Tổng thống Obama cũng quan tâm đến COC giữa ASEAN và Trung Quốc.
Giám đốc cao cấp phụ trách các vấn đề châu Á của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, Evan Medeiros khẳng định: “Chuyến thăm của Tổng thống Obama là một minh chứng cho thấy, Mỹ không hề bị phân tâm trước những biến động tại Ukraine hay Trung Đông mà hoàn toàn có khả năng xử lý nhiều vấn đề cùng một lúc”.
Và cân bằng Đông - Tây
Mặc dù giới chức ngoại giao Mỹ luôn khẳng định: Washington đang “ngày càng coi trọng mối ưu tiên hàng đầu nhằm tăng cường quan hệ với các nước châu Á…, bảo vệ các lợi ích an ninh, cũng như tăng cường các giá trị cốt lõi mà Mỹ đang theo đuổi”, nhưng giới phân tích lại cho rằng, Mỹ đang phải điều chỉnh chính sách theo hướng cân bằng Đông - Tây.
Những động thái của Mỹ gần đây, nhất là trong cuộc khủng hoảng Ukraine, với sự sốt sắng ủng hộ phe đối lập, cùng EU gia tăng trừng phạt Nga, đưa quân và tàu chiến đến sát biên giới phía Đông EU, tìm cách giành lại thị trường năng lượng tại châu Âu vốn đang phụ thuộc vào Nga... khiến dư luận không thể không quan tâm đến sự điều chỉnh chính sách Đông – Tây của Mỹ.
Trong bối cảnh đó, bài phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry với tiêu đề “Về sự phục hưng quan hệ Mỹ - châu Âu” mới đây đã được giới nghiên cứu đặc biệt quan tâm. Nhìn lại quan hệ Mỹ với Châu Á - Thái Bình Dương so với quan hệ Mỹ với EU, có thể thấy, trong nhiệm kỳ đầu của ông Obama, Mỹ đã có sự “thiên vị” đối với khu vực này, nhưng sau một thời gian, Mỹ cũng đã nhận ra, Châu Á - Thái Bình Dương tuy rất quan trọng về mặt chiến lược, nhưng đó là tầm của thời tương lai. Còn quan hệ Mỹ - Châu Âu vẫn là nơi mà Mỹ có nhiều đồng minh chiến lược “chí cốt” hơn bất kỳ nơi nào trên thế giới.
Như vậy, việc Mỹ “nói nhiều hơn làm” ở châu Á và sự sốt sắng ở châu Âu, nhất là can thiệp mạnh mẽ vào Ukraine, khiến dư luận cho rằng, Mỹ đang theo đuổi chính sách “cân bằng chiến lược” Đông - Tây trên cơ sở ưu tiên “xoay trục” chiến lược về Châu Á - Thái Bình Dương trong dài hạn./.