Hành động đúng với Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền

Thứ hai, 12/12/2011 22:07

Ngày 10/12 cũng chính thức được lấy làm Ngày Quốc tế về Nhân quyền để nhắc nhở mọi người hãy tôn trọng những quyền thiêng liêng của con người.

Ngày 10/12/1948, Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền đã chính thức được Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua với những tuyên ngôn về các quyền cơ bản của con người.

Được xây dựng trên cơ sở các thỏa ước quốc tế, thỏa ước nhân quyền khu vực, hiến pháp và luật pháp quốc gia… Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền là một khuôn mẫu chung để mọi quốc gia và mọi dân tộc thực thi. Tinh thần của bản Tuyên ngôn, đúng như ở điều đầu tiên trong tổng số 30 điều, đã ghi là: “Mọi người sinh ra đều được tự do và bình đẳng về nhân phẩm và quyền. Mọi người đều được phú bẩm về lý trí và lương tâm và vì thế phải đối xử với nhau trên tinh thần bác ái”.

Thế giới rộng lớn với nhiều quốc gia, nhiều dân tộc cùng tồn tại rất cần sự tuân thủ nghiêm ngặt những điều ghi trong Tuyên Ngôn Quốc tế về Nhân quyền. Nếu những điều ấy được thực thi, được tuân thủ ở mọi quốc gia và giữa mọi quốc gia đã không nảy sinh những xung đột, chém giết những đói khổ, nguy nan… Con người đã thực sự được hưởng cái quyền của chính mình. Thế nhưng, người ta chưa hiểu đúng hay hiểu mà vẫn cố tình làm sai khi một dân tộc, một quốc gia này tự cho mình cái quyền đi xâm lược nước khác, áp bức dân tộc khác?!

Người ta không tuân thủ hay chỉ vì đặt lợi ích cá nhân mình cao hơn mà sẵn sàng vi phạm cả luật pháp quốc tế khi áp đặt những chuẩn mực phi lý đối với một dân tộc, một quốc gia có chủ quyền khác.

Từ những cuộc chiến tranh liên miên trong lịch sử xa xưa đến những xung đột mới nảy sinh giữa các quốc gia, sắc tộc, tôn giáo… đều có nguyên nhân từ chính những hành vi vi phạm quyền con người. Và cũng có những hành vi núp dưới chiêu bài “bảo vệ nhân quyền” nhưng trên thực tế lại đang chà đạp lên nhân quyền hay tước đoạt quyền của con người.

Đâu là tôn trọng quyền con người khi lấy cớ “bảo vệ người dân vô tội” nhiều tấn bom, đạn lại dội xuống một quốc gia có chủ quyền, để rồi những mạng người bị tiêu diệt lại chính là người dân vô tội! Đâu là bảo vệ quyền con người khi lấy cớ trừng phạt quốc gia này, dân tộc kia vi phạm nhân quyền người ta lại áp đặt những biện pháp hà khắc mà cuối cùng người bị hại cũng lại chính là những dân tộc, những con người với đầy đủ quyền được sống an toàn!

Nhiều quốc gia đã tự cho mình cái quyền này, quyền kia để di “răn dạy” các quốc gia khác bằng những báo cáo nhân quyền, báo cáo tôn giáo mà trên thực tế đó mới chính là những hành vi vi phạm nghiêm trọng Tuyên ngôn Nhân quyền.

Ở trong một quốc gia cũng vậy, nếu quyền con người được tôn trọng, luật pháp về quyền con người được bảo đảm thì những hành vi vi phạm kiểu tham nhũng, lạm quyền không thể có chỗ tồn tại. Người ta không thể vẫn tồn tại theo danh nghĩa bình đẳng mà một số ít người thì hưởng quá nhiều quyền lợi, trong khi số nhiều người khác lại phải chịu thiệt thòi. Không thể bảo đảm nhân quyền khi có những người được no nê, phè phỡn trong khi nhiều người khác lại nghèo đói, thất học và vô gia cư.

Cũng chính bởi những điều đó mà ở bất cứ đâu trên trái đất này, khi một quốc gia, một thể chế, một chính phủ thực hiện tốt hoặc đang nỗ lực thực sự cho những mục tiêu tốt đẹp là bảo đảm nhân quyền, quốc gia ấy, thể chế ấy phải được công nhận, được đánh giá cao. Ngược lại, mọi quốc gia, mọi dân tộc không thể lợi dụng “Tuyên ngôn nhân quyền” mà có những việc làm đi ngược với tinh thần chung nhất được nêu trong tuyên ngôn là “vì con người”./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực