Hành trình tìm lại sức mạnh kinh tế của "lục địa già"

Thứ sáu, 04/01/2013 17:22

(ĐCSVN)Người dân châu Âu vừa bước sang năm mới 2013 với những tin tưởng mạnh mẽ và một quyết tâm cao độ nhằm vực dậy tiếng tăm của một khu vực vốn được xem là đầu tàu của “sự thịnh vượng và phát triển trên thế giới”. Tuy nhiên, chặng đường tìm lại “sức mạnh kinh tế của châu Âu” được dự báo là sẽ kéo dài và cần nhiều nỗ lực cụ thể .

 

 Khủng hoảng kinh tế đang thử thách tinh thần đoàn kết của các nước châu Âu (Ảnh: frumforum.com)

Năm 2012, kinh tế khu vực châu Âu là một bức tranh không đồng nhất, trong khu vực Nga-SNG duy trì tăng trưởng nhẹ, triển vọng trong 2013 tương đối ổn định thì khu vực EU lại bước vào suy thoái lần thứ 2 trong 4 năm kể từ 2009 do ảnh hưởng nặng nề của cuộc khủng hoảng nợ công. Khu vực đồng euro và EU tiếp tục khó khăn, chưa có dấu hiệu ra khỏi khủng hoảng trong ngắn hạn.

Kinh tế Nga và các nước SNG duy trì đà tăng trưởng nhẹ, GDP của Nga cả năm dự kiến tăng 3,5%, các nước Trung Á từ 5-7%, riêng Ukraine, Moldova suy thoái nhẹ (tăng trưởng khoảng 0-2%). Theo Eurostat, dự báo GDP của EU năm 2012 là -0,3%, của Eurozone là -0,4%. Đức và các nước Bắc Âu với nền tài chính công ổn định, vốn được coi là có khả năng chống chọi với tác động của khủng hoảng đã bắt đầu chịu ảnh hưởng, kinh tế giảm sút trong nửa cuối năm 2012. Kinh tế các nước Tây Nam Âu ngày càng trì trệ, là tâm điểm của khủng hoảng và chưa tìm ra lối thoát (năm 2012 Tây Ban Nha, Italia, Síp, Bỉ đều có mức tăng trưởng âm, Hy Lạp và Bồ Đào Nha suy thoái sâu -6% và -3%, GDP của Pháp chỉ tăng khoảng 0,2%). Kinh tế suy thoái, nợ công cao, khiến tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực đồng euro cao kỷ lục (11,6%). Điểm sáng yếu ớt trong khu vực là tốc độ tăng trưởng 5-7% của 3 nước Baltic với nền kinh tế nhỏ, linh hoạt, dựa vào công nghệ và các sản phẩm có giá trị gia tăng cao.

Các nhà lãnh đạo châu Âu đang nỗ lực nhằm ngăn chặn cuộc khủng hoảng nợ công lan rộng. Tháng 10/2012, các nhà lãnh đạo Eurozone đã đạt được đồng thuận và cho ra mắt Quỹ bình ổn châu Âu (ESM) trị giá 500 tỷ euro để hỗ trợ tài chính cho các nước đang gặp nhiều khó khăn trong khu vực đồng euro. Đổi lại các nước này phải tiến hành cải cách tài chính và cấu trúc để thúc đẩy nền kinh tế. Quyết tâm vượt qua khủng hoảng được thể hiện qua hàng loạt biện pháp: Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) quyết định mua trái phiếu chính phủ của các nước khủng hoảng, Kế hoạch liên minh ngân hàng (dự kiến sẽ đi vào vận hành từ năm 2013 với sự giám sát của ECB); thành lập Cơ chế giám sát thống nhất, Tòa Hiến pháp Đức cho phép phê chuẩn quỹ cứu trợ ESM…Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng nợ công khu vực đồng euro vẫn diễn biến phức tạp: Hy Lạp đang chênh vênh bên bờ vực phá sản, Tây Ban Nha có khả năng phải yêu cầu cứu trợ, suy thoái lan sang Italia, Bồ Đào Nha, Síp, Slovenia, Hungari, Séc….Để kiểm soát được nợ công, lấy lại tốc độ tăng trưởng, EU còn mất nhiều thời gian và nhiều nỗ lực.

Dự báo trong năm 2013 nền kinh tế khu vực EU vẫn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nhiều nhà hoạch định chính sách ở châu Âu đã đề xuất những quyết sách, biện pháp cụ thể với hy vọng sẽ cải thiện được tình hình kinh tế trong năm 2013.

Trong thông điệp năm mới, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng, những biện pháp cải cách của các nhà lãnh đạo châu Âu đang bắt đầu phát huy hiệu quả. Theo quan điểm của nữ Thủ tướng Đức, cuộc khủng hoảng nợ công ở khu vực Eurozone “còn lâu mới kết thúc” và môi trường kinh tế trong năm 2013 còn được dự báo là sẽ gặp phải nhiều khó khăn. Tuy nhiên, bà Merkel cũng cho rằng, đây không phải là một yếu tố làm “nhụt chí” các nhà lãnh đạo châu Âu mà trái lại, cần được xem là một động lực để họ tiếp tục đưa lục địa này thoát khỏi suy thoái và khôi phục lại thịnh vượng. Bà Merkel nhấn mạnh, cuộc khủng hoảng nợ công hoành hành tại châu Âu trong suốt 3 năm qua đã cho thấy tầm quan trọng của các nỗ lực giúp cân bằng giữa một bên là “sự thịnh vượng” và một bên là “tinh thần gắn kết”.  Thủ tướng Đức kêu gọi “một sự kiên nhẫn tối đa” từ phía những người dân châu Âu. Theo bà Merkel, cộng đồng thế giới cần tích cực hành động hơn nữa để giám sát các động thái của thị trường tài chính và áp dụng triệt để những bài học rút ra được sau cuộc đại suy thoái năm 2008.

Về các chính sách trong nước, bà Merkel nhấn mạnh đến công tác nghiên cứu và đầu tư cho giáo dục, xây dựng nước Đức trở thành một trong những nhà sản xuất năng lượng hiện đại trên thế giới, chuẩn bị sẵn tiền đề cho những thay đổi về nhân khẩu học và đưa nền tài chính công trở về đúng trật tự.

Từ Pháp – một nền kinh tế lớn thứ hai tại eurozone, Tổng thống Francois Hollande – người hiện đang vấp phải nhiều chỉ trích từ phía dư luận về cách thức điều hành kinh tế, xã hội cũng phải thừa nhận rằng “những yêu cầu của người dân Pháp là hoàn toàn chính đáng và những khó khăn mà quốc gia này đang gặp phải thực sự là một vấn đề nghiêm trọng”. Tuy nhiên, những nhận xét thẳng thắn về thực trạng nền kinh tế Pháp cũng không thể tước đi niềm hy vọng và lại càng thôi thúc ông Hollande đưa ra những dự báo sáng sủa trước thềm năm mới.

Trong thông điệp năm mới phát đi từ điện Elysee, ông Hollande tuyên bố, Pháp sẽ thoát khỏi khủng hoảng một cách “nhanh chóng hơn và mạnh mẽ hơn dự kiến”. Theo lập luận của ông Hollande, niềm tin này xuất phát từ một loạt những chính sách và biện pháp cải cách mạnh mẽ mà chính quyền của ông đang áp dụng. “Chúng ta đã đưa ra những biện pháp nhằm thúc đẩy việc làm, tính cạnh tranh và tăng trưởng….Và tôi sẽ không đi lạc hướng. Đây chính là tương lai của nước Pháp”, ông Hollande nói.

Tổng thống Pháp nêu rõ, mục tiêu được ông ưu tiên hàng đầu trong năm 2013 là tạo thêm công ăn việc làm cho người dân. “Chúng tôi sẽ huy động mọi nguồn lực để thực hiện mục tiêu này: nhằm đảo ngược tình trạng thất nghiệp đang ngày một gia tăng tại Pháp. Nhất định chúng tôi sẽ thành công bằng mọi giá” ông Hollande khẳng định.

Về phần Thủ tướng Anh David Cameron cũng bắt đầu thông điệp năm mới bằng cách nêu bật những “khó khăn đặc biệt trong năm 2012 và kêu gọi một cái nhìn lạc quan, thực tế hơn trong năm mới”. Ông Cameron nêu rõ: “Chúng ta vẫn đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nợ công vốn được hình thành từ nhiều yếu tố dồn nén trong suốt những năm qua…Và đối với nhiều gia đình thì đây thực sự là một điều khó khăn…Tuy nhiên, chúng ta đang đi theo một lộ trình đúng hướng, ngay cả đối với tất cả mọi vấn đề khó khăn dù là lớn lao nhất mà nước Anh đang phải đối mặt”. Theo quan điểm của Thủ tướng Anh, người dân nước này cần thừa nhận một thực tế là không có “một liều thuốc thần kỳ nào có thể nhanh chóng chữa lành những vết thương về kinh tế”. Tuy nhiên, người dân Anh cần có một cái nhìn lạc quan hơn để hướng tới tương lai bởi đất nước này đang đạt được “những tiến triển nhỏ” để có thể thoát khỏi khủng hoảng.

Không chỉ những nước lớn trong khu vực như Pháp, Đức, Anh mà ngay cả tại Hy Lạp – nơi xuất phát điểm của cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu và nền kinh tế đang lâm vào năm thứ 6 suy thoái liên tiếp cũng đưa ra những đánh giá lạc quan về tương lai.

Trong thông điệp đầu năm mới, Tổng thống Hy Lạp Karolos Papoulias tuyên bố: “Tôi tin tưởng chắc chắn rằng chúng ta có thể đảo ngược được tình thế hiện tại…Cuộc phiêu lưu này sẽ kết thúc”. Thủ tướng Hy Lạp Antonis Samaras đã đưa ra nhận định có phần thận trọng hơn về triển vọng trong năm 2013, đồng thời tin tưởng rằng, cùng với tinh thần đoàn kết cao độ, Hy Lạp sẽ sớm chấn hưng nền kinh tế, đẩy lùi các nguy cơ lâm vào tình cảnh vỡ nợ và rút khỏi eurozone để sớm quay trở về quỹ đạo thịnh vượng và phát triển.

Tổng thống Italia Giorgio tin tưởng, quốc gia này sẽ sớm thoát khỏi suy thoái và thúc đẩy kinh tế thông qua những “cú huých và nỗ lực hội nhập mạnh mẽ vào EU”.

Nhân dịp đầu năm mới, Nhà vua Tây Ban Nha Juan Carlos tuyên bố sẽ tiếp tục hợp tác với EU để vượt qua những khó khăn trước mắt và tiếp tục tăng cường nền tảng đoàn kết trong khu vực.

Dư luận thế giới hiện đang đặc biệt quan tâm tới vấn đề Mỹ và châu Âu – các nền kinh tế đầu tàu trên thế giới sẽ đưa ra những nỗ lực nào để có thể vượt qua khủng hoảng. Đây cũng được xem là một trong những vấn đề có tác động lớn tới triển vọng kinh tế, chính trị và an ninh trên thế giới. Trong ngày đầu tiên của năm mới, với 257 phiếu thuận và 167 phiếu chống, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật giúp nước này tránh “vách đá tài chính”, đe dọa đẩy nền kinh tế Mỹ rơi vào một cuộc suy thoái mới.

Với châu Âu, thách thức trước mặt là cần tập hợp được ý chí chính trị và kỷ luật kinh tế bền vững. Không thể phủ nhận rằng, châu Âu đã đưa ra những biện pháp mạnh mẽ để cứu đồng euro. Tuy nhiên, công việc này dường như mới chỉ ghi nhận những nỗ lực vượt bậc của hai người Ý là ông Mario Monti – vị Thủ tướng kỹ trị và ông Mario Draghi – người mới tiếp nhận vị trí đứng đầu ECB. Những gì mà hai nhân vật này đã thể hiện trong năm 2012 cho thấy, đám cháy nợ công châu Âu có thể được dập tắt, song nó cũng bộc lộ rõ một thực tế rằng “để đạt được mục tiêu này, châu Âu sẽ phải trải qua những cải cách cấu trúc đau đớn diễn ra trong nhiều năm”. Thực tế thì, cuộc khủng hoảng đồng euro thay đổi trạng thái trong năm 2012 từ “một ca cấp cứu đe dọa tính mạng” thành “một căn bệnh kinh niên” sẽ còn đeo đẳng trong nhiều năm tới. Thách thức trong năm 2013 là làm sao duy trì được biện pháp đối phó mạnh mẽ, tránh tụt dốc và tiếp tục “nhích từng ly” để đưa “lục địa già” hướng đến phục hồi tăng trưởng.

Giữa hàng chục cuộc khủng hoảng đang diễn ra và vẫn còn tiềm ẩn ở Trung Đông, giữa thách thức chính trị - kinh tế không thể tránh khỏi mà Mỹ và châu Âu đang đối mặt và mối quan hệ đầy dao động Mỹ - Trung cần được chèo lái ra khỏi “những bãi cạn” phía trước, triển vọng năm 2013 sẽ là năm có những quyết định quan trọng trong các vấn đề quốc tế. Hy vọng, một trong những tin tức tốt lành trong 2013 sẽ đến từ châu Âu…/.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực