Các ứng cử viên Đảng Cộng hòa đang kêu gọi cần có biện pháp cứng rắn hơn với Iran, còn Tổng thống Obama muốn giải quyết vấn đề bằng ngoại giao.
Trong cuộc gặp Thủ tướng Israel tại Nhà Trắng vào hôm nay (5/3), Tổng thống Mỹ Barack Obama dự kiến sẽ giữ lập trường ngoại giao trước sau như một của mình về chương trình hạt nhân của Iran.
Tổng thống Obama tuyên bố, ông tin tưởng chắc chắn rằng vẫn còn cơ hội cho giải pháp ngoại giao là tiếp cận và gây áp lực để ngăn chặn Iran phát triển vũ khí hạt nhân.
Tuy nhiên, vấn đề Iran chắc chắn sẽ nóng lên trong mùa bầu cử tại Mỹ khi các thành viên Quốc hội và các ứng cử viên Tổng thống của Đảng Cộng hòa đang kêu gọi cần có biện pháp cứng rắn hơn với Iran, trong lúc Israel cũng cảnh báo sẽ phát động một cuộc tấn công phủ đầu vào các cơ sở hạt nhân của Iran.
|
Iran công bố thành tựu hạt nhân làm dấy lên mâu thuẫn trong cách giải quyết vấn đề (Ảnh THX) |
Obama:Không có giải pháp nào ngoài đàm phán
Tổng thống Obama và các trợ lý hàng đầu của ông tuyên bố, Washington sẽ tìm cách để ngăn chặn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân, và đã sẵn sàng cho các giải pháp để đạt được mục tiêu này.
Bất chấp các cuộc công kích dữ dội từ một nhóm những người ủng hộ Israel trong năm bầu cử này, các thành viên quốc hội và những ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa buộc tội ông Obama vì đã ủng hộ một cách yếu ớt một đồng minh thân cận của mình cũng như không quyết liệt khi đối mặt với kẻ thù của mình.
Ông Obama đã không lùi bước khi ông phải đối mặt hôm Chủ nhật (4/3) với một đối tượng có ảnh hưởng tại cuộc họp thường niên của Uỷ ban các vấn đề công cộng của người Mỹ gốc Israel, nhóm vận động hành lang ủng hộ Israel mạnh mẽ ở Washington.
Ông Obama đã đề cập giải pháp ngoại giao khi ông nói về mục tiêu chung của Hoa Kỳ và Israel là ngăn chặn Iran có vũ khí hạt nhân, đồng thời cố gắng trấn an Israel bằng một cam kết của Mỹ trong thời gian dài.
“Một Iran có vũ khí hạt nhân là hoàn toàn trái với lợi ích an ninh của Israel, và cũng ảnh hưởng đến an ninh quốc gia của Hoa Kỳ", Tổng thống Obama nói.
Ông nói rằng vũ khí hạt nhân của Iran có thể rơi vào tay của các tổ chức khủng bố, và có thể tạo nên một cuộc chạy đua vũ trang trong một khu vực bất ổn nhất thế giới.
Liên quan đến những nỗ lực của Washington và đồng minh tạo áp lực cho Iran, bao gồm các hình thức trừng phạt kinh tế, ông Obama nhấn mạnh rằng: "Tôi tin tưởng chắc chắn rằng vẫn còn đó cơ hội cho giải pháp ngoại giao – với hậu thuẫn của các biện pháp trừng phạt kinh tế".
Ông Obama tuyên bố rằng, ông yêu hòa bình hơn chiến tranh, và “ông sẽ chỉ sử dụng vũ lực khi thời gian và hoàn cảnh bắt buộc”.
Trong một nỗ lực rõ ràng để xoa dịu Israel và những người ủng hộ, Obama nói rằng ông sẽ "không có giải pháp nào khác ngoài đàm phán" trong xử lý vấn đề hạt nhân Iran.
"Giải pháp đó sẽ huy động toàn bộ sức mạnh của Mỹ" bao gồm những nỗ lực chính trị, ngoại giao và kinh tế cũng như một "nỗ lực quân sự dự phòng", Tổng thống Obama nói.
Trong một cuộc phỏng vấn với phóng viên Jeffrey Goldberg của nguyệt san The Atlantic, một ấn phẩm được yêu chuộng của cộng đồng người Do Thái tại Hoa Kỳ, Tổng thống Obama đề cập tới cuộc gặp Thủ tướng Israel Netanyahu vào thứ Hai tại Nhà Trắng, và tuyên bố rằng "không có sự lựa chọn nào khác ngoài đàm phán"
Obama cho biết ông sẽ tìm cách thuyết phục ông Netanyahu dừng bất cứ kế hoạch nào mà theo đó Israel có thể đánh bom các địa điểm hạt nhân của Iran trong thời gian tới.
"Tại một thời điểm mà Iran và đồng minh duy nhất là Syria đang tuyệt vọng, liệu chúng ta có muốn hành động mà sau đó Iran có thể tự coi mình như một nạn nhân?", Obama đặt câu hỏi, lập luận rằng hành động quân sự chỉ có thể trì hoãn, chứ không thể ngăn chặn Iran sản xuất bom hạt nhân.
Ông Obama đang chạy đua cho chiến dịch tái tranh cử của mình, ông không thể để có một cuộc chiến tranh ở Trung Đông khi ông đang phải tập trung vào phát triển kinh tế và tạo việc làm trong nước- mối quan tâm hàng đầu của cử tri Mỹ.
Israel mất kiên nhẫn
Tuy nhiên, sự kiên nhẫn của Israel dường đang mất dần với thời gian.
Vào tháng 1/2012, Thủ tướng Israel Netanyahu nói rằng ông đã nhìn thấy Iran "dao động " khi chịu đựng các biện pháp trừng phạt kinh tế của Mỹ và phương Tây.
Tuy nhiên, trong chuyến thăm của ông tới Cyprus vào tháng 2/2012, Thủ tướng Netanyahu nói: "Tôi hy vọng rằng biện pháp trừng phạt đạt được hiệu quả, nhưng đến nay hiệu quả đã không còn".
Bộ trưởng Quốc phòng Israel Ehud Barak cũng cho biết trước đó với một một giọng điệu hiếu chiến "bất cứ ai nói hãy đợi thêm một chút, sau đó sẽ thấy một chút đó là quá muộn. "
Israel xem Iran như là một đối thủ kình địch, khi Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad đã từng nhiều lần kêu gọi xóa sạch Israel khỏi bản đồ.
Mặc dù Israel và những người ủng hộ muốn Tổng thống Mỹ Obama không kiềm chế Israel và hơn thế, chính Washington sẽ khởi động 1 cuộc tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran, nhưng bản thân Thủ tướng Israel không muốn thể hiện rằng đang “ép” Nhà Trắng.
"Tôi không chấp nhận “giới hạn đỏ” và chúng tôi không tìm cách thiết lập giới hạn đỏ với Mỹ," ông Netanyahu nói tại Canada vào thứ Sáu trên đường đến Washington.
"Chúng tôi yêu cầu bảo lưu quyền tự do hành động của nhà nước Israel khi đối mặt với mối đe dọa quét sạch chúng tôi ra khỏi bản đồ. Tôi nghĩ rằng đó là một hành động mà bất kỳ nhà nước cũng sẽ làm", ông nói tại một cuộc họp báo với người đồng cấp Canada Stephen Harper.
Tehran khẳng định chương trình hạt nhân của nước này là vì mục tiêu năng lượng hòa bình, nhưng phương Tây luôn nghi ngờ nước Cộng hòa Hồi giáo này đang cố gắng phát triển vũ khí hạt nhân bí mật.
Một báo cáo của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế IAEA cho thấy Iran đã phát triển hoạt động làm giàu uranium trong những tháng gần đây.
Thủ tướng Israel Netanyahu nói rằng Iran phải tháo dỡ các cơ sở hạt nhân dưới lòng đất ở Qom, ngừng làm giàu uranium và loại bỏ tất cả vật liệu làm giàu trên đất nước họ, ngoại trừ những thiết bị sử dụng dân sự.
Nhà Trắng bác bỏ những yêu cầu đó, lập luận rằng Iran sẽ không bao giờ chấp nhận và sẽ hủy các cuộc đàm phán với các nước cộng hòa Hồi giáo, Thời báo New York cho biết vào ngày Chủ nhật.
Iran đang chờ đợi trả lời từ nhóm G5+ 1 về việc họ đồng ý mở lại các cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân của mình./.