Ngày 12 và 13-11, tại Ha-oai (Mỹ) đã diễn ra Hội nghị các nhà lãnh đạo Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC). Hội nghị này thu hút sự quan tâm chú ý đặc biệt của dư luận, nhất là trong bối cảnh Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Mỹ đóng vai trò chủ đạo đã có những “tiến triển quan trọng”. Cũng tại APEC lần này, TPP đã đón nhận sự tham gia của Nhật Bản, vì vậy, chuyển động tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương lại càng trở nên sôi động hơn bao giờ hết.
TPP là một hiệp định được khởi xướng từ năm 2005 bởi 4 quốc gia Niu Di-lân, Bru-nây, Chi-lê và Xin-ga-po (còn gọi là Hiệp định P-4). Hai năm gần đây, đã có thêm Mỹ, Ô-xtrây-li-a, Ma-lai-xi-a, Pê-ru, Việt Nam chính thức tham gia các phiên đàm phán TPP. Và mới đây nhất, ngày 11-11-2011, ngay trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh APEC, chính phủ Nhật Bản đã quyết định tham gia các cuộc đàm phán về hiệp định TPP, bất chấp dư luận phản đối trong nước, do lo ngại lĩnh vực nông nghiệp sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực.
Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế và nợ công đang “tàn phá nhiều trung tâm quyền lực” trên thế giới, tương quan lực lượng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang thay đổi nhanh chóng, nhiều nguồn lợi tại khu vực đang có nguy cơ vượt ra khỏi tầm tay của Mỹ. Đối với Mỹ, châu Á-Thái Bình Dương là khu vực không chỉ quan trọng về địa-kinh tế mà còn quan trọng về mặt địa-chiến lược. Thái Bình Dương không chỉ là "cửa ngõ" nối nước Mỹ với thế giới mà nó còn là khu vực có dân số đông, chiếm khoảng 1/2 dân số thế giới với trữ lượng dầu mỏ, khí đốt lớn… Đây là các nhân tố tiềm ẩn, nếu thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại chặt chẽ với khu vực này, có thể vực dậy và tạo động lực cho nền kinh tế Mỹ trong tương lai.
Bởi vậy, nỗ lực có được Hiệp định TPP đang đứng đầu trong các chương trình nghị sự thương mại của Oa-sinh-tơn. Mặc dù TPP chỉ chiếm có 6% thương mại của Mỹ, Mỹ lại là nước tham gia sau vào TPP, thậm chí không có đối tác nào trong TPP nằm trong số 10 thị trường xuất khẩu hàng đầu của Mỹ (chưa tính Nhật Bản vừa tham gia), nhưng Oa-sinh-tơn lại rất hăng hái và đi đầu trong việc thúc đẩy để ký kết được hiệp định này.
Các quan chức Mỹ cũng cho rằng, TPP hiện mới chỉ mang lại lợi ích nhỏ cho kinh tế Mỹ, nhưng về lâu dài, lợi ích này sẽ tăng lên khi khối này được mở rộng. Bằng việc lôi kéo thành công Nhật Bản tham gia TPP, lợi ích kinh tế thương mại của Mỹ trong khu vực đã gia tăng đáng kể, chỉ tính riêng thương mại song phương giữa Nhật Bản và Mỹ cũng đã ngang bằng với tổng kim ngạch thương mại song phương giữa Mỹ với 9 nước tham gia TPP trước đó. Bên cạnh đó, việc Nhật Bản tham gia TPP với Mỹ còn có ý nghĩa nhiều hơn, xét trên khía cạnh địa chiến lược.
Ngoài những lợi ích kinh tế, có những yếu tố cấp bách chiến lược buộc chính quyền B. Ô-ba-ma phải khẩn trương chuyển động. Đó là nhịp độ của chủ nghĩa khu vực tại châu Á đang tăng nhanh. Trong bối cảnh trọng tâm kinh tế toàn cầu cũng đang dịch chuyển về phía Đông với sự chuyển mình mạnh mẽ của Trung Quốc, Mỹ càng có ý thức quyết đoán hơn về vai trò, vị thế của mình tại khu vực. TPP sẽ trở thành tiêu điểm cạnh tranh giữa mô hình Khu thương mại tự do Trung Quốc - ASEAN (do Trung Quốc chi phối) với mô hình TPP (do Mỹ đứng đầu). Ở mức độ nào đó, nỗ lực của Mỹ còn làm yếu đi triển vọng của khu thương mại tự do Trung - Nhật - Hàn đang hình thành. Động thái này của Mỹ còn nhằm kiến tạo một trật tự châu Á - Thái Bình Dương, ấn định quy tắc Mỹ nắm quyền chủ đạo. Lãnh đạo Mỹ cũng đã nhiều lần nhấn mạnh Mỹ cần phải phát huy "vai trò lãnh đạo" tại châu Á - Thái Bình Dương, trong đó TPP không những bao gồm hợp tác kinh tế, mà còn bao gồm hợp tác an ninh chiến lược. Mỹ còn coi TPP là một “bàn đạp” tự nhiên để tiến tới Khu vực thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP).
Với những chuyển động như trên, cạnh tranh trong khu vực được dự báo sẽ trở nên khốc liệt hơn. Tuy nhiên, đại diện thương mại các nước trong khu vực cũng hy vọng rằng, Hội nghị Thượng đỉnh APEC 2011 cùng thỏa thuận TPP sẽ tiếp thêm động lực mới cho quá trình thúc đẩy tự do thương mại, kiến tạo thêm công ăn việc làm, phát triển kinh tế và tăng cường sự tin cậy lẫn nhau giữa các nước trong khu vực. Thúc đẩy ký kết TPP cũng sẽ mở ra hy vọng hoàn tất nhiều thỏa thuận thương mại tự do ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. TPP cũng có khả năng cơ cấu lại hàng loạt liên minh thương mại châu Á, mang lại một cách thức để vượt qua thế bế tắc toàn cầu (xu hướng bảo hộ mậu dịch), đem lại một mô hình chủ nghĩa khu vực mở, giải quyết những lo ngại về việc thế giới sẽ bị chia nhỏ thành những khối thương mại riêng biệt.
Rõ ràng, với sự xuất hiện của TPP, việc xây dựng các cơ chế hợp tác khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang “thay đổi” nhanh chóng, thái độ và chính sách của Mỹ cũng đang “chuyển đổi” theo, điều này buộc các nước trong khu vực cũng phải “điều chỉnh” chiến lược hợp tác cho phù hợp. Và, bằng cách này hay cách khác, châu Á-Thái Bình Dương đang hội nhập một cách sâu rộng, mạnh mẽ hơn.