(ĐCSVN) - Ngày 21/9 vừa qua, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và người đồng cấp Nhật Bản Fumio Kishida đã đạt được sự nhất trí về việc nối lại các cuộc đối thoại về một hiệp ước hòa bình song phương vào tháng 10 tới.
Vấn đề Nam Kuril/Lãnh thổ phương Bắc…
Quần đảo Nam Kuril theo cách gọi của Nga, lãnh thổ phương Bắc theo cách gọi của Nhật bao gồm 4 hòn đảo là: Iturup, Kunashir, Shikotan, Habomai do Nhật chiếm đóng trong thế kỷ 19, theo một hòa ước khi đó giữa Tokyo và Moscow thì những hòn đảo trên được hiểu là không của ai hoặc 2 đảo phía Bắc là của Nga, 2 đảo còn lại là của Nhật.
Khi kết thúc Thế chiến II, cả 4 hòn đảo nêu trên đều do Liên Xô tiếp quản, sau khi đạo quân Quan Đông Nhật Bản bị Hồng quân đuổi ra khỏi Sakhalin cho tới nay.
Năm 1960, thông qua đàm phán, hai bên đã gần đạt được hiệp ước hòa bình. Theo đó, Liên Xô sẽ trao trả cho Nhật 2 hòn đảo Shikotan và Habomai nhưng vì nhiều lý do, khiến cho việc ký kết hiệp định hòa bình không thành hiện thực.
Kể từ khi Liên Xô chiếm giữ quần đảo Nam Kuril (1945), 17.000 công dân Nhật đã bị trục xuất khỏi quần đảo này. Nhiều người trong số đó ngày nay vẫn cư trú tại Hokkaido. Vì thế, chính phủ Nhật qua các thời kỳ đều giữ nguyên tắc không thỏa hiệp trong vấn đề lãnh thổ phương Bắc.
Theo ông Shigeo Tanaka - nhà phân tích chính trị tại Sapporo thì “Người dân của vùng lãnh thổ phương Bắc có rất nhiều quyền lực để vận động hành lang và sự đồng cảm của người dân trong nước”.
Ngược lại, nếu kết quả đàm phán dẫn đến việc Nga trao cho Nhật Bản quần đảo này thì dân chúng nước Nga sẽ phản đối. Bằng chứng là năm 2004, khi Nga chuyển giao đảo Tarabarov và một nửa đảo Bolshoi Ussuriski nằm trên sông Amur cho Trung Quốc để kết thúc tranh chấp lãnh thổ, thì đã xảy ra nhiều cuộc biểu tình phản đối của người dân vùng Viễn Đông của Nga.
Vì thế, vấn đề Nam Kuril/Lãnh thổ phương Bắc, được coi là chìa khóa của hiệp ước hòa bình Nga – Nhật. Với “tính dân tộc” cao của cả hai nước đã khiến cho chính phủ hai bên dù mong muốn giải quyết tranh chấp để tiến tới một thời đại phát triển mới, nhưng vẫn phải kéo dài suốt 70 năm qua.
Vẫn quá nhiều sự khác biệt…
Ngoại trưởng Nga Lavrov cho rằng: Chương trình nghị sự của chúng tôi là đạt được hiệp ước hòa bình. Những tiến bộ về vấn đề này chỉ có thể đạt được sau khi chúng tôi thấy một cách rõ ràng sự công nhận của Nhật với thực tế lịch sử. Công việc này là khó khăn bởi khác biệt về quan điểm là quá lớn.
Trong khi Ngoại trưởng Nhật Bản - ông Kishida - khẳng định, hai nước nên “hình thành một giải pháp cả đôi bên cùng chấp nhận được cho vấn đề chủ quyền” các đảo: Iturup, Kunashir, Shikotan và Habomai, thì Ngoại trưởng Nga Lavrov lại cho rằng, không có chỗ cho sự thỏa hiệp với Nhật Bản về quần đảo tranh chấp Nam Kuril và yêu cầu Tokyo “công nhận”...
Ông Lavrov đã phản đối ngay cả thuật ngữ của Nhật dùng cho các đảo nêu trên. Ông nói: “Cả vùng lãnh thổ phương Bắc của Nhật lẫn vùng lãnh thổ phương Bắc của Nga đều không phải chủ đề đối thoại của chúng tôi”.
Nga và Nhật Bản đã bàn bạc về hiệp ước hòa bình sau chiến tranh, nhưng Ngoại trưởng Nga khẳng định, hiệp ước không thể tiến triển nếu lịch sử về các hòn đảo không được làm rõ.
Trên thực tế, Nga chỉ muốn trả lại hai đảo: Shikotan, Habomai cho Nhật Bản, còn hai đảo Kunashir và Iturup là của Nga. Hai đảo này cũng đã được quân sự hóa và được coi là cửa ngõ của Nga ra Thái Bình Dương.
Những năm vừa qua, Nga đã tăng cường các hoạt động xung quanh những hòn đảo nêu trên. Ngày 8/6/2015, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã ra lệnh đẩy nhanh việc xây dựng các cơ sở quân sự trên quần đảo Nam Kuril. Nga đã chi tới 1,2 tỉ USD cho việc xây dựng quần đảo và các đơn vị đồn trú quân sự trên hai đảo này.
Nhật Bản cho rằng, động thái gia tăng hoạt động quân sự của Nga trên quần đảo Nam Kuril chủ yếu là để mở tuyến hải vận phương Bắc, một tuyến nối liền Biển Kara với Thái Bình Dương. Tuyến đường biển chạy dọc theo bờ biển Bắc Cực của Nga sẽ cung cấp cho nước này cả lợi thế về kinh tế và quân sự.
Tuy nhiên, tại cuộc hội đàm, hai nhà ngoại giao đã khẳng định sự hợp tác giữa Nga và Nhật là đáp ứng lợi ích lâu dài của nhân dân hai nước. Hai bên cũng bày tỏ quan tâm tới việc tiếp tục các cuộc đối thoại, trong đó có đối thoại cấp cao. Theo đó, cuộc gặp thượng đỉnh Nga - Nhật có thể diễn ra bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 và Diễn đàn APEC trong năm nay.
Nhưng lợi ích còn lớn hơn…
Chiến tranh lạnh qua đi hơn hai thập kỷ, nhưng tàn dư về mâu thuẫn “hai cực” vẫn là một trong những trở ngại không nhỏ, nếu không nói là có tính chất quyết định đối với quan hệ Nga - Nhật.
Là đồng minh chủ chốt của Nhật Bản, Mỹ luôn phản đối bất kỳ sự nhượng bộ nào từ phía Nhật. Là đồng minh “chí cốt”, nên Nhật Bản không thể không tính đến lập trường của Mỹ trong quan hệ Mỹ - Nga.
Đối với Nhật Bản, vùng lãnh thổ phương Bắc có ý nghĩa tâm lý và thể diện dân tộc nhiều hơn, bởi chừng nào những đảo này còn nằm trong tay Nga thì Nhật Bản còn cảm thấy gánh nặng của một quốc gia bại trận.
Nếu Tokyo không vượt qua được gánh nặng này và không thoả hiệp để tiến tới một giải pháp thì những lợi ích to lớn, lâu dài của họ sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ, vì Nhật Bản cũng rất cần sự ủng hộ của Nga đối với nỗ lực trở thành thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Ngoài ra, việc cải thiện quan hệ với Nga nằm trong sự điều chỉnh chính sách chung của Nhật theo hướng cân bằng quan hệ với các nước lớn thay vì dựa hẳn vào Mỹ, qua đó tăng cường vai trò “nước lớn chính trị” của Nhật trong khu vực và trên thế giới.
Vấn đề chủ quyền các hòn đảo Nam Kuril cũng chỉ có ý nghĩa tượng trưng, tâm lý và đặc biệt là lòng tự hào dân tộc đối với Nga. Bởi vượt lên trên những lý do đó, Nga cũng có những lợi ích to lớn trong việc bình thường hoá hoàn toàn quan hệ với Nhật Bản - một cường quốc về kinh tế mà sự giúp đỡ về vốn cũng như công nghệ cao có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
Theo Viện nghiên cứu chiến lược London (IISS), Nhật và Nga có thể chia sẻ mối quan ngại chung đối với một số nước trong khu vực đang nổi lên, có lực lượng quân sự mạnh cùng với xu hướng dân tộc chủ nghĩa, nên trong toan tính cân bằng quyền lực ở Châu Á - Thái Bình Dương thì hai cường quốc Nga – Nhật không thể không xích lại gần nhau.
Vì thế, giới nghiên cứu và dư luận cho rằng, sớm hay muộn vấn đề Nam Kuril/Lãnh thổ phương Bắc cũng sẽ được giải quyết vì lợi ích thiết thân của cả hai nước, hòa bình khu vực và thế giới./.