(ĐCSVN) - Nhân loại đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh, xung đột sắc tộc. Những thảm cảnh đau thương, tang tóc đã diễn ra, nhiều làng mạc, thành phố, các công trình văn hóa đã bị phá hủy. Cho nên, khát khao chân chính - khát vọng hoà bình luôn là lý tưởng cao đẹp mà loài người luôn hướng tới.
|
Khát vọng hoà bình (Ảnh Quỹ Hoà bình thế giới) |
Những ngày qua, truyền thông thế giới đã dành thời lượng đáng kể để phản ánh tin tức cập nhật về vụ rơi máy bay MH17 của hãng Hàng không Malaysia (Malaysia Airlines). Nhiều câu chuyện cảm động, nhiều chi tiết thương tâm, nhiều số phận khác nhau trên chuyến bay ấy và những gì liên quan đến các nạn nhân đã được các hãng thông tấn khai thác ở những cấp độ khác nhau, đưa đến cho người đọc những hình dung khá đa dạng, nhiều chiều.
Trong cả một núi thông tin ấy, chi tiết về một gia đình ở Queensland, Australia khi định mệnh đã cướp đi của họ 4 người thân. Chị Kaylene Mann đã mất đi người anh trai Rod Burrows cùng chị dâu Mary Burrows khi họ có chung số phận mất tích bí ẩn với chuyến bay mang số hiệu MH370 vào tháng 3 vừa qua. Cho đến nay, số phận của 2 người cùng cả phi hành đoàn vẫn còn là một ẩn số của ngành hàng không.
Vẫn chưa nguôi ngoai vì mất cả anh trai và chị dâu thì gia đình Kaylene Mann lại nhận được hung tin vợ chồng Maree Rizk, con gái riêng của chồng, thiệt mạng cùng với 297 hành khách khác trên chuyên bay MH17. Đó chỉ là một trong nhiều câu chuyện liên quan đến những hành khách trên chuyến bay định mệnh.
Khi tai hoạ xảy ra, ai cũng mong muốn khu vực máy bay rơi, lệnh ngừng bắn phải được thực hiện để những cơ quan cứu hộ, cứu nạn sớm tiếp cận hiện trường, tìm kiếm thi thể của các nạn nhân, sớm đưa họ về nơi an nghỉ yên bình cuối cùng. Công việc rất đạo lý ấy tưởng như đơn giản nhưng do những tính toán của các thế lực công việc đó gặp không ít trở ngại.
Trước thời điểm xảy ra vụ tai nạn kinh hoàng này ít ngày, dưới mặt đất, tại khu vực “chảo lửa” Trung Đông, không có sự nhầm lẫn mục tiêu dân sự hay quân sự, chỉ trong khoảng thời gian ngắn (từ 8/7 đến nay), các cuộc tấn công do Israel tiến hành đã cướp đi sinh mạng của hơn 600 người và làm hàng ngàn người bị thương. Trong số đó có đến 2/3 nạn nhân vô tội là người già và trẻ em. Những người đó đã bao năm nay khát khao được sống trong hoà bình, được hưởng những giá trị chân chính của loài người là hoà bình và phát triển. Họ đã chịu quá nhiều mất mát đau khổ nhưng những cuộc hoà đàm giữa các bên xung đột, giữa những người được coi là “kiến tạo hoà bình Trung Đông” qua bao thời gian vẫn chưa đưa lại một nền hoà bình cho khu vực. Khát vọng hoà bình vẫn chỉ là niềm khát khao trong chờ đợi.
Những ai đã trải qua chiến tranh, chịu đựng những mất mát đau thương do chiến tranh mới có thể cảm nhận giá trị vĩnh viễn và to lớn của hoà bình, mới thực sự có thiện chí hoà bình và mới có thể biến khát khao hoà bình thành hiện thực.
Cách đây ít lâu, cuốn nhật ký của nữ bác sĩ – Anh hùng Đặng Thuỳ Trâm đã được xuất bản dưới tựa sách “Đêm qua tôi mơ thấy hoà bình” bằng nhiều thứ tiếng đã trở thành thông điệp hoà bình gửi tới toàn nhân loại. Bản thân cuộc hành trình của cuốn nhật ký trong suốt 35 năm cũng đã thể hiện một khát khao hoà bình cháy bỏng bởi chính người lưu giữ cuốn nhật ký đó đã từng tham gia chiến tranh và những ký ức kinh hoàng về chiến tranh còn ám ảnh ông suốt cả cuộc đời. May thay, khát vọng hòa bình ở một người con gái Việt Nam đã trở thành thông điệp hòa bình gửi tới mọi con người yêu hòa bình và khát khao hạnh phúc trên trái đất này. Điều đó đã giúp ông vượt qua những ký ức đau buồn về chiến tranh.
Cách đây 46 năm, vào ngày 16/3/1968 vụ thảm sát hơn 500 người dân ở làng Mỹ Lai, Sơn Mỹ, Sơn Tịnh, Quảng Ngãi do quân đội Mỹ gây ra trong chiến tranh Việt Nam đã làm bàng hoàng nhân loại và những người yêu chuộng hoà bình trên toàn thế giới. Vào ngày đó (16/3/1968) các đơn vị lính Lục quân Hoa Kỳ đã thảm sát hàng loạt 504 dân thường không có vũ khí, trong đó phần lớn là phụ nữ và trẻ em. Trước khi bị sát hại, nhiều người trong số các nạn nhân còn bị cưỡng bức, quấy rối, tra tấn, đánh đập dã man. Vụ việc đã bị che giấu cho tới cuối năm1969 và ngoại trừ một chỉ huy cấp trung đội thì không có bất cứ sĩ quan hay binh lính Hoa Kỳ nào bị kết tội sau vụ thảm sát này. Vụ thảm sát này đã đi vào lịch sử quân đội Mỹ như một biểu tượng vô nhân tính của con người thời hiện đại và là một bài học cảnh tỉnh, nhắc nhở những bộ óc chiến tranh dừng lại các toan tính tội ác trước khi quá muộn.
Ngày nay, Sơn Mỹ lại mở cửa để đón chào du khách, đón chào những con người yêu chuộng hòa bình từ khắp nơi trên thế giới. Trong số ấy, có cả những người đã tham chiến ở Việt Nam. Dù đã nhiều lần đến Sơn Mỹ, nhưng họ vẫn phải bật khóc khi nhìn thấy những chứng cứ đau thương.
Vào lúc 5h30 hằng ngày, năm hồi và bốn tiếng chuông vang lên, tượng trưng cho lời nguyện cầu 504 linh hồn thường dân vô tội. Tiếng chuông cũng là lời nguyện cầu của những con người Việt Nam luôn khát khao và yêu chuộng hòa bình.
Ông Phạm Thành Công - Giám đốc Bảo tàng Sơn Mỹ - đồng thời là một nhân chứng sống của vụ thảm sát Mỹ Lai (My Lai Massacre) đang gấp rút chuẩn bị cho ra mắt cuốn hồi ký “Ký ức làng Hồng”. Đây là lần đầu tiên cuộc thảm sát Mỹ Lai được kể lại qua hồi ký của một nhân chứng. Viết cuốn hồi ký này ông muốn góp một tiếng nói nhỏ nhoi nhắn gửi như một thông điệp hòa bình. Ông nói: “Bánh xe lịch sử vẫn không ngừng quay, mọi đau đớn căm thù rồi cũng sẽ nhường chỗ cho cuộc sống mới thanh bình và yên ả.
Chỉ có hoà bình mới có bình đẳng, bác ái, ấm no, hạnh phúc./.
Nguyễn Đình Tôn Nữ