(ĐCSVN) -Ngày 4/5/2011, tại Hà Nội, diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Tài chính các nước ASEAN và 3 nước đối tác là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản (AFMM+3), dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Tài chính In-đô-nê-xi-a và Nhật Bản. Hội nghị cho rằng, tăng trưởng kinh tế trong khu vực sau cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu vẫn vững vàng do nhu cầu nội địa tăng mạnh và hoạt động xuất khẩu có xu hướng tăng nhanh.
|
Hội nghị Bộ trưởng Tài chính AFMM+3 : Tăng cường hợp tác tài chính, tiền tệ Ảnh : tư liệu |
Tuy nhiên, còn nhiều thách thức và rủi ro, như tình trạng lạm phát xuất hiện do giá thực phẩm và hàng hoá tăng cao, sự gia tăng của các dòng vốn đầu tư tại một số nước thành viên. Những rủi ro này sẽ làm công tác điều hành chính sách kinh tế vĩ mô trở nên phức tạp hơn cũng như tạo ra thách thức đối với sự tăng trưởng kinh tế bền vững trong khu vực. Bên cạnh đó, kinh tế khu vực cũng chịu tác động của những yếu tố bất ổn mới như các sự kiện diễn ra tại khu vực Trung Đông - Bắc Phi và thảm hoạ động đất sóng thần vừa qua tại Nhật Bản. Để đối phó với vấn đề các dòng luân chuyển vốn lớn, các Bộ trưởng đã chia sẻ quan điểm cho rằng, thực hiện các chính sách kinh tế vĩ mô cũng như các chính sách khác một cách toàn diện là rất quan trọng, trong đó có cả những biện pháp đảm bảo an toàn vĩ mô khi cần thiết.
Các Bộ trưởng cũng thảo luận về thành lập quỹ phát triển hạ tầng châu Á với sự trợ giúp của ADB. Ngoài ra, một trong các sáng kiến quan trọng được đưa ra bàn thảo tại Hội nghị là cơ chế hoạt động của Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế vĩ mô (AMRO). AMRO là cơ quan vừa mới được thành lập tại Hội nghị Thứ trưởng ASEAN cách đây vài ngày, có chức năng theo dõi tình hình tài chính, đặc biệt tại các nước thành viên ASEAN và sẽ đưa ra những cảnh báo sớm với bất kỳ nước nào cần hỗ trợ về tài chính. Bên cạnh đó, AMRO còn được hy vọng sẽ thay thế vai trò của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trong kiểm soát tình hình tài chính ở 10 nước ASEAN và 3 nước đối tác là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc (ASEAN+3). Những chủ đề hợp tác khác như hiện thực hóa Sáng kiến Đa phương Chiềng Mai (CMIM) có quy mô vốn 120 tỷ USD do các nước trong ASEAN+3 đóng góp cũng được thảo luận. Các Bộ trưởng cho rằng, sử dụng đồng nội tệ trong giao thương nội khối sẽ nâng cao tính phòng ngừa khủng hoảng trong khuôn khổ CMIM. ASEAN+3 sẽ phối hợp với ADB để có chương trình nghiên cứu về vấn đề này.
Các Bộ trưởng đã nhất trí thông qua "Hướng dẫn hoạt động để tăng cường hiệu quả của CMIM". Đây có thể coi là cẩm nang hướng dẫn quy định chi tiết hơn về quy trình hoán đổi tiền tệ theo CMIM, bao gồm quy trình triển khai CMIM liên quan đến các khoản vay chương trình của IMF. Văn bản hưởng dẫn này sẽ góp phần vào triển khai thực hiện CMIM một cách nhanh chóng và thuận lợi. Bên cạnh đó Hội nghị đã nhất trí tiếp tục tăng cường cơ chế hoạt động cho CMIM trong điều kiện môi trường tài chính toàn cầu hiện nay. Các Bộ trưởng đã phê duyệt đề xuất bổ sung chức năng ngăn ngừa khủng hoảng cho CMIM bao gồm quy mô và cách thức hợp tác hơn nữa với IMF, vai trò của AMRO và giao cho cấp kỹ thuật nghiên cứu chi tiết. Ngoài ra, ASEAN+3 đã đồng ý lập kho dự trữ gạo 787.000 tấn, trong đó Nhật Bản cam kết đóng góp 220.000 tấn, Trung Quốc 300.000 tấn, Hàn Quốc 150.000 tấn, và 10 thành viên ASEAN góp 87.000 tấn còn lại.
Bên cạnh những kết quả đạt được của hợp tác tài chính ASEAN+3 cho đến nay, các Bộ trưởng đã nhất trí về sự cần thiết xác định những lĩnh vực ưu tiên nhằm đưa hợp tác tài chính khu vực lên một tầm cao mới và mang tính chiến lược hơn. Ngoài tăng cường hoạt động của Sáng kiến Phát triển thị trường trái phiếu châu Á và hoạt động hợp tác nghiên cứu trong khu vực, các Bộ trưởng còn nhất trí ba lĩnh vực hợp tác sẽ được triển khai nghiên cứu trong tương lai gồm tài trợ cơ sở hạ tầng, bảo hiểm rủi ro thiên tai và sử dụng đồng nội tệ trong thanh toán thương mại khu vực. Các Bộ trưởng cũng thống nhất mời các Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN+3 tham dự Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN+3 từ năm 2012 để tạo ra một diễn đàn cho lãnh đạo cao nhất của các cơ quan hoạch định chính sách tài chính và tiền tệ khu vực trao đổi về phối hợp chính sách. Từ năm 2012, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN+3 sẽ trở thành Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN+3 và sẽ được tồ chức lần đầu tiên tại Phi-líp-pin.
Hội nghị AFMM+3 diễn ra giữa lúc các nền lĩnh tế châu Á đang có sự phục hồi sau khủng hoảng. Nhiều quốc gia đang trong quá trình thu hồi các khoản kích thích đầu tư ngắn hạn và thực hiện ổn định chính sách tiền tệ. Thế nhưng, các thách thức đang nổi lên mà các quốc gia châu Á phải đối mặt không hề nhỏ. Chính vì lẽ đó, việc phối hợp các chính sách tài chính, tiền tệ, ổn định kinh tế vĩ mô là điều mà các Bộ trưởng Tài chính ASEAN và các nước đối tác tìm kiếm trong Hội nghị lần này./.