Hội nghị cấp cao ba bên I-ran - Pa-ki-xtan - Áp-ga-ni-xtan: Vì lợi ích sinh tồn

Thứ hai, 20/02/2012 13:49

Vừa qua, tại thủ đô I-xla-ma-bát của Pa-ki-xtan đã diễn ra hội nghị cấp cao ba bên I-ran, Pa-ki-xtan và Áp-ga-ni-xtan sau gần ba năm trì hoãn. Diễn ra trong một ngày, song các nhà lãnh đạo ba nước đã gạt bỏ những bất đồng vì lợi ích sinh tồn của mỗi quốc gia.

Từ trái sang phải, ba nhà lãnh đạo Áp-ga-ni-xtan, Pa-ki-xtan và I-ran tại Hội nghị cấp cao ba bên ngày 17-2 ở I-xla-ma-bát. Ảnh: Roi-tơ

Tạo thế chân vạc

I-ran, Pa-ki-xtan và Áp-ga-ni-xtan này từng tiến hành các hội nghị thượng đỉnh ba bên, trong đó lần gần nhất là vào năm 2009. Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, sự hợp tác của ba quốc gia này hầu như chưa có bước đột phá. Các tuyên bố chung của các hội nghị bị đánh giá là chỉ đơn thuần lặp lại các cam kết của những hội nghị trước đó và không đề cập đến những biện pháp cụ thể. Việc thiếu lòng tin giữa các quốc gia láng giềng, sự chi phối của các nước lớn đối với Áp-ga-ni-xtan và Pa-ki-xtan chính là những rào chắn lớn, cản trở hoạt động hiệu quả của hội nghị. Chính vì vậy, không ít nhà phân tích tỏ ra hoài nghi và cho rằng "đây chỉ là một diễn đàn mang tính hình thức chứ không thực chất".

Tuy nhiên, khác với các kỳ hội nghị khác, hội nghị lần này diễn ra trong bối cảnh những động lực cho cuộc hòa đàm với Ta-li-ban dường như đang trỗi dậy. Trong khi đó, quan hệ I-xla-ma-bát – Oa-sinh-tơn hiện đang xấu đi nghiêm trọng từ hồi tháng 5-2011, sau vụ Mỹ tiến hành cuộc đột kích bí mật tiêu diệt Bin La-đen (bin Laden) ngay trên lãnh thổ Pa-ki-xtan và các cuộc không kích khiến nhiều binh lính Pa-ki-xtan thiệt mạng. Còn I-ran, sự cương quyết của quốc gia này khi không chấp nhận từ bỏ chương trình hạt nhân mà họ khẳng định là vì mục đích hòa bình đã đẩy quốc gia này đến thế đối đầu với Mỹ và I-xra-en.

Một yếu tố quan trọng khác mà cả ba quốc gia đang phải đối mặt, đó là tình trạng buôn lậu ma túy, khủng bố gia tăng, các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia phát triển mạnh, trong khi nền kinh tế mỗi nước yếu kém do bị tác động từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Chính vì thế, việc ba nước tiến hành hội nghị lần này cho thấy, họ đang quyết tâm tạo lập một liên minh thế chân kiềng. Bản thân Pa-ki-xtan cần những đồng USD viện trợ của Mỹ nhưng không muốn thiếu nguồn khí đốt dồi dào từ I-ran, trong khi Áp-ga-ni-xtan quá hiểu rằng để ngưng tiếng súng một cách lâu dài với Ta-li-ban thì chẳng thể thiếu vắng bàn tay của người láng giềng Pa-ki-xtan, nhất là trong thời điểm mà việc đặt mọi niềm tin ở các lực lượng Mỹ và phương Tây trở nên phi thực tế.

Bỏ qua bất đồng hướng tới tương lai

Trong tuyên bố chung đưa ra sau Hội nghị cấp cao ba bên tại thủ đô I-xla-ma-bát hôm 17-2, Tổng thống I-ran Ma-mút A-ma-đi-nê-giát (Mahmoud Ahmadinejad), Tổng thống Pa-ki-xtan A-xíp A-li Da-đa-ri (Asif Ali Zardari) và Tổng thống Áp-ga-ni-xtan Ha-mít Ca-dai (Hamid Karzai) nhất trí bỏ qua mọi bất đồng để hướng tới tương lai. Hai nhà lãnh đạo của I-ran và Pa-ki-xtan đã khẳng định nhất quán ủng hộ toàn diện vấn đề Áp-ga-ni-xtan, bao gồm tiến trình hòa bình và hòa giải. Các bên nhất trí tăng cường hợp tác mạnh mẽ loại trừ chủ nghĩa khủng bố và giải quyết tận gốc những mối đe dọa, lên án các hành động sát hại dân thường, cũng như bất cứ hình thức sát hại nào. Tổng thống ba nước nhất trí không cho phép bất kỳ một mối đe dọa nào xuất phát từ vùng lãnh thổ của mình nhằm vào hai nước còn lại, đồng thời cùng ủy thác cho các bộ trưởng an ninh và nội địa trong thời hạn sáu tháng xây dựng khung hợp tác ba bên về chống khủng bố, chống ma túy và tuần tra biên giới.

Tuyên bố chung cũng cho biết, ba nước I-ran, Pa-ki-xtan và Áp-ga-ni-xtan sẽ xây dựng một khung hợp tác toàn diện, tiến hành các bước đi thực tế nhằm mang lại hiệu quả hợp tác, từ đó thúc đẩy ổn định, hòa bình và thịnh vượng chung. Các bên bảo đảm tôn trọng chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ theo Hiến chương Liên hợp quốc, cùng quan tâm, tôn trọng, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Pa-ki-xtan và I-ran sẽ đóng góp vào công cuộc phát triển và tái thiết của Áp-ga-ni-xtan.

Các bên cũng nhất trí bảo đảm thương mại ba chiều bằng nhiều biện pháp, trong đó có ưu đãi thuế quan, tự do buôn bán và trao đổi. Lãnh đạo ba nước còn cam kết cùng thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực nông nghiệp, năng lượng, khoáng sản và các lĩnh vực khác; cam kết ưu tiên hợp tác phục vụ phát triển kinh tế-xã hội.

Chưa thể nói cuộc gặp thượng đỉnh tại I-xla-ma-bát sẽ mở ra một kỷ nguyên mới cho nền hòa bình Áp-ga-ni-xtan, hay một liên minh thế chân vạc tại khu vực, nhưng chí ít, cả ba quốc gia này đều đang xích lại gần nhau hơn bao giờ hết.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực