Hội nghị G20: Thiếu vắng những thỏa thuận “đinh”

Thứ tư, 07/11/2012 19:17

Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhóm G20 đã khép lại với các vấn đề liên quan tới thuế và hoạt động chi tiêu công là chủ đề nóng nhất.

Hội nghị G20 lần này đã không có nhiều thỏa thuận trọng yếu do thiếu vắng một số nhân vật "quan trọng" như Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner, người chèo lái Ngân hàng trung ương châu ÂU (ECB) Mario Draghi...

Trước đó, giới phân tích và nhiều quan chức đến dự hội nghị đều dự đoán hội nghị khó có thể đạt được những thỏa thuận đáng kể về chất vì diễn ra trong bối cảnh không mấy thuận lợi là trùng hợp với dịp bầu cử Tổng thống Mỹ và Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18.

Những kết quả “nhẹ nhàng”

Kết thúc hội nghị, các nền kinh tế hàng đầu thế giới đã quyết định “linh hoạt” trong việc đáp ứng các mục tiêu cắt giảm thâm hụt ngân sách. G20 bày tỏ quan ngại những cam kết trước đó của nhóm này (như giảm nột nửa thâm hụt ngân sách tại các nền kinh tế tiên tiến vào cuối năm 2013) có thể bị ảnh hưởng, khó mà thực hiện được trong bối cảnh kinh tế thế giới đi xuống.

 

Tổng thống Mỹ Barack Obama phát biểu tại lễ bế mạc Hội nghị thượng đỉnh G20.
 (Nguồn: AFP/TTXVN).
 

Trong thông cáo chung sau phiên họp hai ngày ở Mexico, các nhà hoạch định chính sách của G20 khẳng định nhóm này sẽ có biện pháp bảo đảm cho tiến độ “công cuộc” củng cố nền tảng tài chính diễn ra phù hợp với nhiệm vụ hỗ trợ kinh tế phục hồi. Các mục tiêu cắt giảm thâm hụt ngân sách - vốn được G20 nhất trí tại cuộc họp thượng đỉnh Toronto hồi năm 2010, thời điềm kinh tế toàn cầu có vẻ đã thoát khỏi cơn bão tài chính 2008 - dường như nằm ngoài tầm tay của một số nước, trong đó có Mỹ. Bà Christine Lagarde, Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), cũng cho rằng mục tiêu đặt ra cho năm 2013 xem ra là “quá sức."

Thông cáo của G20 nhấn mạnh Mỹ cần xác định tiến độ thắt chặt ngân sách đề đảm bảo tài chính công bền vững trong dài hạn, tránh để xảy ra tình trạng chi tiêu giảm mạnh trong năm 2013.

Các mối quan ngại chính

Trong khi Mỹ đang phải giải quyết nhiệm vụ phải đưa thâm hụt ngân sách hiện đã vượt mốc 1.000 tỷ USD trong tài khóa thứ tư liên tiếp vào vòng kiểm soát thì nhiều nước G20 vẫn tiếp tục lo lắng về những bất định chính sách của nước này do liên quan cuộc bầu cử Tổng thống. Sau bầu cử, nếu Quốc hội Mỹ không nhanh tay hành động thì “vực thẳm tài chính” sẽ “hiện hình” và đẩy nền kinh tế lớn nhất thế giới vào suy thoái. Lúc đó thì, như đã được “lập trình”, khoảng 600 tỷ USD sẽ tự động rút khỏi nền kinh tế Mỹ kể từ ngày 1/1/2013 khi hoạt động chi tiêu của Chính phủ bị cắt giảm và thuế suất tăng lên.

Trước thềm hội nghị G20 lần này, Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) Masaaki Shirakawa đã tuyên bố: Nếu Mỹ thất bại trong cuộc chiến ngăn chặn “vực thẳm tài chính” thì bản thân nước Mỹ cũng như thế giới, trong đó có Nhật Bản, sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, vì thế mỗi quốc gia thành viên của G20 sẽ thúc giục Mỹ kiên quyết xử lý vấn đề này.

Các đại diện châu Âu tham dự hội nghị đặc biệt quan tâm tới các chi tiết trong kế hoạch của Mỹ. Bộ trưởng Tài chính Canađa Jim Flaherty cho rằng, nếu xét đến các rủi ro đối với triển vọng kinh tế thế giới trong ngắn hạn thì “vực thẳm tài chính” của Mỹ còn nguy hiểm hơn cuộc khủng hoảng nợ của châu Âu. Còn Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc Bahk Jae-wan dự báo “sức khỏe” kinh tế toàn cầu có thể sẽ tồi đi trong quý 1/2013 khi “số phận của vực thẳm tài chính” vẫn bấp bênh. Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn hãng tin Anh Reuters, quan chức này cho rằng, nếu so với bão nợ ở Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone), thì “vực thẳm tài chính” tại Mỹ “dễ giải quyết hơn nhiều."

“Bão nợ” ở Eurozone khởi phát hơn hai năm trước đến nay đã lắng dịu phần nào sau khi ECB hồi tháng 9/2012 tuyên bố sẵn sàng mua nợ của các Chính phủ gặp khó khăn về tài chính. Tuy nhiên, các nhà đầu tư vẫn chưa thể biết được liệu Tây Ban Nha có xin cứu trợ hay không và Hy Lạp sẽ xử lý các vấn đề tài chính của mình như thế nào.

Tại hội nghị lần này, G20 đã thảo luận về ý tưởng nên tập trung nhiều hơn vào tình trạng “thâm hụt ngân sách mang tính cơ cấu” ở những nước đang gặp khó khăn về tài chính. Người đứng đầu IMF cho rằng thắt chặt ngân sách cần hướng vào các mục tiêu mang tính cơ cấu hơn là gắn với các mục tiêu danh nghĩa.

Cho đến thời điểm nay, Đức - nền kinh tế lớn nhất Eurozone vẫn khăng khăng bảo vệ quan điểm “thắt lưng buộc bụng” là giải pháp tốt nhất để khôi phục lòng tin và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong dài hạn. Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble tuyên bố “để tăng trưởng bền vững, giải pháp tất yếu là phải giảm gánh nợ công hiện đã quá nặng”. Ông khẳng định Đức sẽ đề nghị các nước khác thực hiện nghĩa vụ của mình.

Đường đi của tăng trưởng ngày càng gập ghềnh

G20 cảnh báo tốc độ tăng trưởng của kinh tế toàn cầu vẫn ở mức độ bình thường và nguy cơ đi xuống đang ngày một lớn khi phải đối mặt với nhiều nhân tố bất lợi như việc thực hiện các thông báo chính sách ở châu Âu có thể bị trì hoãn; khó khăn về ngân sách tại Nhật Bản; và sức tăng trưởng của một số thị trường nổi suy yếu.

Tháng 10 vừa qua, IMF đã điều chỉnh hạ dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2013 xuống 3,6%, trong bối cảnh các nền kinh tế tiên tiến đang vấp phải vật cản chung là hệ thống tài chính yếu kém và phải củng cố ngân sách. Các quan chức lo ngại về nguy cơ bóng ma “vực thẳm tài chính” cũng sẽ “dòm ngó” Nhật Bản và đẩy nước này vào suy thoái.

Theo các chuyên gia phân tích, tại hội nghị, trong nội bộ Eurozone vẫn bất đồng về việc làm thế nào để xây dựng một liên minh ngân hàng trong năm 2013 với mục tiêu vực dậy hệ thống tài chính ốm yếu.

G20 cũng cam kết thực hiện Basel III (các quy định về vốn ngân hàng) theo đúng lộ trình vào tháng 1/2013. Nhưng cho đến nay, các cơ quan chức năng tại Mỹ và châu Âu – nơi “đóng đô” của nhiều ngân hàng lớn nhất thế giới - vẫn chưa hoàn tất việc điều chỉnh luật này ở nước mình. Nhiều nguồn tin cho biết thời hạn thực thi Basel III có thể sẽ bị lùi lại.

Liên bang Nga sẽ đảm nhận chức Chủ tịch G20 trong năm 2013./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực