(ĐCSVN) - Trong hai ngày 15 và 16/11, Hội nghị thượng đỉnh G20 đã diễn ra tại Brisbane (Australia) với gần 7.000 đại biểu tham dự. Mục tiêu hàng đầu của Hội nghị là tập trung giải quyết các thách thức đối với kinh tế toàn cầu, đồng thời, tìm giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thêm 2% trong 5 năm tới.
|
Lãnh đạo G20 tại Australia tập trung vào vấn đề tăng trưởng kinh tế (ảnh: Getty) |
Mục tiêu và giải pháp
Hội nghị Thượng đỉnh G20 đã kết thúc với việc thông qua bản Kế hoạch hành động Brisbane, nhằm giúp các nền kinh tế tăng trưởng thêm 2% trong vòng 5 năm tới. Mức tăng trưởng kỳ vọng này sẽ tạo thêm khoảng 2.000 tỷ USD với 35 triệu việc làm mới và giúp kinh tế thế giới trở về quỹ đạo tăng trưởng bền vững. G20 hiện chiếm 80% GDP toàn cầu, hơn 75% thương mại và 70% dân số thế giới.
Giải pháp chiến lược cho tăng trưởng được G20 thảo luận là tương đối toàn diện, bao gồm: Cải cách kinh tế vĩ mô, tái cấu trúc phù hợp với từng quốc gia; tăng cường đầu tư có chất lượng vào cơ sở hạ tầng; cắt giảm rào cản thương mại; thúc đẩy cạnh tranh, tạo thêm nhiều việc làm; cải cách tài chính, hiện đại hóa hệ thống thuế, phục hồi thị trường năng lượng, củng cố hệ thống trao đổi thương mại toàn cầu và chống tham nhũng…
Chống tham nhũng là 1 trong 7 vấn đề quan trọng hàng đầu được Hội nghị coi trọng. Theo tính toán, tham nhũng đang lấy đi của thế giới 5% GDP mỗi năm, tương đương 50% mức phấn đấu của nhóm trong vòng 5 năm tới. Vì thế, chống tham nhũng có tầm quan trọng không kém gì so với thúc đẩy tăng trưởng.
Quan chức của Tổ chức minh bạch quốc tế - Bà Maggie Murphy nói: “Trong bản hành động này, họ cam kết tiến hành các biện pháp chống tham nhũng thông qua 6 gói biện pháp”, trong đó, có việc phối hợp với các tổ chức tư nhân để chống tham nhũng trong các lĩnh vực. “Ngoài ra, còn có các biện pháp khác như: Bảo vệ người tiết lộ tham nhũng hay phòng ngừa các vụ hối lộ của các công ty nước ngoài”.
Đẩy mạnh phát triển thương mại toàn cầu cũng là giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhưng nhiều khả năng, các nước sẽ không đạt được thỏa thuận thương mại lớn nào cho đến năm 2016 khi diễn ra bầu cử Tổng thống tại Mỹ.
Tổng thống Mỹ Obama đang chịu sức ép từ bầu cử sắp tới, nên ông kêu gọi các nước thành viên của G20 tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) thúc đẩy đàm phán để sớm ký kết TPP, coi đây là công cụ chính để Mỹ thắt chặt quan hệ với châu Á – Thái Bình Dương.
Chống biến đổi khí hậu cũng đạt được tiến bộ mới tại G20 lần này với việc Mỹ công bố tài trợ 3 tỷ USD, tiếp sau là Nhật Bản 1,5 tỷ USD cho Quỹ khí hậu xanh, mặc dù nước chủ nhà Australia không đưa vấn đề này vào chương trình nghị sự của Hội nghị, nhưng đây cũng là giải pháp tích cực cho sự tăng trưởng bền vững của kinh tế toàn cầu.
Đằng sau những con số ...
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cho rằng, con số 2% cho tăng trưởng kinh tế thế giới là khả thi, chỉ cần các quốc gia thực hiện đúng bản Kế hoạch hành động vừa mới thông qua.
Nhiều chuyên gia nhận định, đây là một kế hoạch tham vọng nhưng không phải không thực hiện được. Thời điểm này, nhiều liên minh kinh tế đang hình thành, trong đó phải kể đến TPP, các hiệp định thương mại tự do song phương (FTA)… Điều này giúp thúc đẩy từng nền kinh tế thành viên cũng như giúp các cam kết kinh tế tiến gần nhau hơn.
Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định, nước Đức sẽ đi đầu trong việc thực hiện các cam kết. Bà nói: “Tôi tin tưởng rằng, chúng tôi sẽ gửi được một thông điệp rõ ràng về sự tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu - một thông điệp rõ ràng về việc chúng tôi muốn thúc đẩy sự tăng trưởng đó. Nước Đức, sẽ luôn đi đầu trong cải cách và mong muốn thực hiện tốt các chính sách tài chính. Tôi nghĩ rằng, đó là điều kiện tiên quyết cho sự tăng trưởng”.
Tuy nhiên, dư luận vẫn còn nhớ, Hội nghị thượng đỉnh hồi đầu năm nay, các lãnh đạo nhóm G20 cũng đã từng cam kết sẽ thúc đẩy GDP nhóm tăng thêm 2% tính đến năm 2018 – con số nêu trên lần này được nhắc lại, có thể coi là quá tham vọng và không thực tế, ít nhất đối với 4 nền kinh tế là: Trung Quốc, Nhật Bản, Đức và Nga trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng kinh tế của các nước này đang suy giảm.
Theo con số thực tế và dự báo của các tổ chức kinh tế quốc tế: IMF, WB, OECD… thì tăng trưởng của Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới năm nay chỉ đạt 7,3%/năm, được xem là mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Nhật Bản - nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, cũng chỉ đạt mức tăng trưởng khiêm tốn, thậm chí quý III/2014 còn giảm 1,6% so với cùng kỳ năm ngoái…
Đức là nền kinh tế lớn nhất EU trong năm nay cũng chỉ đạt 1,2% so với dự báo,trước đó là 1,8%.
Còn nền kinh tế Nga được dự báo là sẽ rơi vào suy thoái trong tháng 12 tháng tới, quý II và III năm nay chỉ đạt mức 0,7%.
Trong các báo cáo của WB và IMF đưa ra trong năm nay thì kinh tế toàn cầu đã phải 3 lần hạ mức tăng trưởng. Trong đó, không ít nền kinh tế thuộc nhóm G20 có mức độ tăng trưởng không đáng kể, thậm chí có nền kinh tế còn về 0% vào năm 2015. Đây sẽ là điều tác động không nhỏ tới sự tăng trưởng chung của nền kinh tế toàn cầu và ảnh hưởng tới những cam kết, vốn đã không mấy chắc chắn của G20
Liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon tại Hội nghị còn cảnh báo về một sự chia rẽ kiểu chiến tranh lạnh và tình hình như hiện nay là đe dọa tới hòa bình cũng như sự phát triển của nền kinh tế thế giới.
Mặt khác, G20 đã từng phải đối mặt với chỉ trích là “nói suông”. Thậm chí, những chính sách phát triển của G20 thiên về hướng có lợi cho các nước giàu, đã và đang tạo ra một khoảng cách lớn về phát triển. Vì thế, giới phân tích và dư luận cho rằng, hiệu quả thực sự của các giải pháp để thực hiện mục tiêu mà G20 nêu ra tại Brisbane vẫn còn đang ở phía trước./.