Với chủ đề “Đưa Tầm nhìn thành hiện thực vì một Cộng đồng ASEAN năng động”, Lãnh đạo các nước ASEAN đã tập trung bàn thảo về phương hướng, biện pháp tăng cường liên kết nội khối và hợp tác với các đối tác, đồng thời trao đổi các vấn đề khu vực và quốc tế mà các bên cùng quan tâm.
Lãnh đạo các nước ASEAN chụp ảnh chung tại hội nghị. (Nguồn: THX/TTXVN)
Từ tăng cường đoàn kết nội khối… Hội nghị Cấp cao ASEAN lần này đã thảo luận cách thức để thắt chặt hơn nữa quan hệ của Cộng đồng ASEAN. Trong quá trình hình thành và phát triển, ASEAN có nhiều thuận lợi nhờ vào môi trường hòa bình và ổn định trong khu vực. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, ASEAN cũng phải đối mặt với những thách thức về an ninh, trong đó có sự căng thẳng ở Biển Đông.
Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh cho rằng: “Điều quan trọng nhất của ASEAN là duy trì một môi trường hòa bình, ổn định. Ngoài ra, ASEAN còn tạo ra khuôn khổ, diễn đàn gắn kết các đối tác lớn hơn. ASEAN tạo dựng nên những chuẩn mực ứng xử khu vực. Trong cả 3 mặt đó ASEAN đang phát huy rất tốt”.
Giới chuyên gia cũng cho rằng, nếu không có ASEAN thì sự cọ xát giữa các nước lớn, sự tương tác giữa các nước lớn và các nước nhỏ không hẳn lúc nào cũng vì lợi ích chung của khu vực này. Trong quá trình phát triển, có thể có lúc này lúc khác, nhưng nhìn vào những điểm lớn thì ASEAN vẫn thể hiện được vai trò là trung tâm trong khu vực.
Ông Phạm Cao Phong, Đại sứ Việt Nam tại Malaysia cũng khẳng định: “ASEAN là ngôi nhà chung, và tất cả các nước ASEAN cần phải đóng góp vào ngôi nhà chung đó. Cộng đồng ASEAN là của tất cả các nước ASEAN, chẳng của cá nhân nước nào cả, vì vậy cộng đồng ASEAN này cần sự hợp tác chung, thúc đẩy chung để xây dựng cộng đồng”.
Đến khẳng định vị thế trung tâm…
Trong bài phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch Lào Bounnhang Vorachith kêu gọi các nước ASEAN tăng cường vai trò trung tâm khi xử lý mối quan hệ với bên ngoài, dựa trên phương thức ASEAN. Ông nhấn mạnh rằng, ASEAN cần thúc đẩy hợp tác, điều phối với cộng đồng quốc tế nhằm xử lý những thách thức như chủ nghĩa khủng bố, cực đoan, thiên tai, biến đổi khí hậu và khủng hoảng di cư.
Trong 5 thập kỷ nỗ lực phấn đấu, ASEAN nay đã trở thành một thị trường đơn nhất và cơ sở sản xuất chung, với tổng sản phẩm nội địa (GDP) trị giá khoảng 2,43 nghìn tỷ USD (2015), trở thành nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới.
Xung quanh Hội thượng đỉnh ASEAN, một số hội nghị cấp cao liên quan cũng diễn ra: (ASEAN – Trung Quốc lần thứ 19; ASEAN – Nhật Bản lần thứ 19; ASEAN – Hàn Quốc lần thứ 18; ASEAN + 3 lần thứ 19; ASEAN – Australia lần thứ 2; ASEAN – Liên hợp quốc lần thứ 8; ASEAN - Ấn Độ lần thứ 14; ASEAN – Mỹ lần thứ 4; Đông Á lần thứ 11; Mê Công – Nhật Bản lần thứ 8).
Tại các hội nghị cấp cao giữa ASEAN với các nước đối tác, các bên đã đánh giá lại quan hệ hợp tác trong thời gian qua và trao đổi phương hướng hợp tác trong thời gian tới. Ngoài ra, lãnh đạo ASEAN cùng các nước đối tác cũng thảo luận về những vấn đề khu vực và quốc tế mà các bên quan tâm.
Các Hội nghị liên quan đã thông qua nhiều văn kiện quan trọng, trong đó có Tuyên bố Vientiane về Chuyển đổi từ việc làm phi chính thức sang việc làm chính thức hướng tới thúc đẩy việc làm bền vững tại ASEAN; Tuyên bố Vientiane về tăng cường hợp tác di sản văn hóa trong ASEAN; Tuyên bố ASEAN về Một ASEAN Một phản ứng chung (thảm họa trong và ngoài khu vực)…
Trong Tuyên bố, Lãnh đạo ASEAN cũng nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không ở khu vực, giải quyết hòa bình các tranh chấp, trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao và pháp lý, thực hiện nghiêm túc DOC và sớm đạt được COC.
Và tích cực triển khai Tầm nhìn
Việc hình thành Cộng đồng ASEAN (31/12/2015) đã đi vào lịch sử, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong tiến trình liên kết khu vực. Đến nay ASEAN đã đạt nhiều tiến triển tích cực trong triển khai Tầm nhìn ASEAN 2025 và các Kế hoạch Tổng thể trên cả 3 trụ cột.
Thành tựu nổi bật nhất của ASEAN kể từ khi Cộng đồng ASEAN được thành lập đó là triển khai các kế hoạch đã đề ra. Trong lĩnh vực bảo đảm an ninh, ASEAN đã đề ra khoảng 200-300 dòng hành động trong kế hoạch đã thực hiện.
Trong lĩnh vực kinh tế, ASEAN đã thúc đẩy các hoạt động liên kết với các đối tác bên ngoài và thực hiện thỏa thuận trong khuôn khổ nội khối. Cộng đồng ASEAN tiếp tục thu hút được sự quan tâm và ủng hộ của quốc tế. Hiện nay thế giới đều biết đến sự ra đời của Cộng đồng ASEAN cũng như uy tín của ASEAN trên trường quốc tế.
Năm 2016, quan hệ hợp tác của ASEAN với các đối tác đối thoại tiếp tục được đẩy mạnh và đạt những kết quả cụ thể thông qua việc triển khai hiệu quả các Chương trình hành động giai đoạn 2016 - 2020.
Việc nhiều đối tác hiện có mong muốn mở rộng, làm sâu sắc hơn nữa hợp tác với ASEAN và nhiều quốc gia ngoài khu vực bày tỏ nguyện vọng thiết lập quan hệ với ASEAN cho thấy ASEAN đã khẳng định được vai trò, vị thế vượt tầm khu vực.
Đến nay, đã có 86 đối tác cử Đại sứ tại ASEAN và 50 Ủy ban ASEAN tại các nước trên thế giới. Mới đây, ASEAN đã chấp thuận đề nghị tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác của Chile, Iran, Ai Cập và Maroc; trao Quy chế Đối tác theo Lĩnh vực cho Thụy sỹ, Đối tác Phát triển cho Đức và đang tiếp tục xem xét nhiều đề nghị khác.
Phát biểu tại lễ bế mạc, Thủ tướng Lào Sisoulith tuyên bố Hội nghị cấp cao ASEAN 28–29 đã thành công tốt đẹp và việc triển khai Sáng kiến hội nhập ASEAN giai đoạn III với 8 ưu tiên nhằm “biến tầm nhìn thành hiện thực vì một cộng đồng ASEAN năng động”.
Như vậy, với 2 Hội nghị thượng đỉnh ASEAN, 8 Hội nghị cấp cao với các đối tác, các nhà lãnh đạo các quốc gia đã bàn thảo và thông qua nhiều vấn đề quan trọng nội khối, khu vực và quốc tế, trong đó có những vấn đề như: tăng cường đoàn kết nội khối, khẳng định vai trò trung tâm và tích cực triển khai tầm nhìn chiến lược được coi là những điểm nhấn rất quan trọng mà dư luận khu vực và thế giới đặc biệt quan tâm./.