Hội nghị thượng đỉnh Doha về biến đổi khí hậu: Bốn vấn đề cho một hướng đi

Thứ sáu, 30/11/2012 10:56

(ĐCSVN) – Tiếp nối các kỳ hội nghị trước, Hội nghị lần thứ 18 Công ước Khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) đã khai mạc chiều 26/11 tại thủ đô Doha (Qatar) và kéo dài đến hết ngày 07/12, với sự tham dự của đại diện gần 200 quốc gia nhằm bàn thảo để đi đến thống nhất về hướng đi cho con đường hành động bảo vệ trái đất trước tình trạng biến đổi khí hậu.

 

Hội nghị thượng đỉnh Doha với kỳ vọng tìm ra được hướng đi cho con đường đấu tranh chống
biến đổi khí hậu toàn cầu (Ảnh: AP)

Mục đích của Hội nghị lần thứ 18 này là hạn chế sự gia tăng nhiệt độ, bắt nguồn từ các kênh khí thải gây hiệu ứng nhà kính, không vượt quá 2°C trong giai đoạn từ nay đến cuối thế kỷ XXI. Cho tới thời điểm hiện tại, chúng ta vẫn còn rất xa mới đạt đến mục tiêu này khi mà theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), 50,1 tỷ tấn CO2 đã phát thải ra bầu khí quyển trong năm 2010, tăng 20% so với năm 2000.

Theo xu hướng này, các kênh khí thải sẽ lên tới 58 tỷ tấn vào năm 2020. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu hạn chế sự nóng lên của khí hậu không vượt quá 2°C thì lượng khí thải sẽ phải được khống chế ở mức dưới 44 tỷ tấn. Hiện, theo dự báo trong giai đoạn từ nay đến cuối thế kỷ, nhiệt độ trái đất hiện có thể tăng từ 3-5°C. Vì vậy, chúng ta cần hành động khẩn cấp. Song trong suốt những tháng qua, các cuộc đàm phán quốc tế đã bị đình trệ, không một bước tiến thực sự có ý nghĩa nào được đưa ra. Và Hội nghị thượng đỉnh Doha lần này tiếp tục gánh sứ mệnh quan trọng là thống nhất được hướng đi có hiệu quả tiếp theo cho con đường hạn chế sự nóng lên toàn cầu, tập trung vào 4 vấn đề cốt lõi.

1 - Phần tiếp theo của Nghị định thư Kyoto sẽ ra sao?

Nghị định thư Kyoto được thông qua tại Hội nghị lần thứ 3 các bên tham gia UNFCCC, tổ chức tại Kyoto (Nhật Bản) vào tháng 12 năm 1997. Nghị định thư Kyoto buộc 38 quốc gia công nghiệp phải hạn chế phát thải khí nhà kính (chủ yếu là cacbonic), nhằm ngăn chặn hiện tượng nóng lên toàn cầu. Theo đó, muộn nhất là năm 2012, 38 nước phải cắt giảm lượng khí thải với mức trung bình 5,2% so với những năm 1990, riêng Mỹ phải giảm 7%. Lý do là dân số nước này chỉ chiếm 6% trong tổng dân số thế giới, nhưng nền sản xuất khổng lồ của họ lại gây ra 25% tổng lượng cacbonic toàn cầu. Được ký kết vào năm 1997 và chính thức có hiệu lực từ năm 2005, Nghị định thư Kyoto là công cụ duy nhất ràng buộc pháp lý về các vấn đề môi trường. Văn bản quốc tế này mong muốn tổ chức ở phạm vi toàn cầu cuộc chiến chống lại sự nóng lên của khí hậu trái đất và bảo về bầu khí quyển thông qua việc giảm phát thải khí nhà kính. Tuy nhiên, giai đoạn đầu tiên của Nghị định thư sẽ hết hạn hiệu lực vào ngày 31/12/2012 tới đây.

Chính vì vậy, tại Doha lần này, các đại biểu tham dự Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 18 của UNFCCC sẽ cùng nhau bàn thảo về giai đoạn thứ hai của Nghị định thư khi mà tới thời điểm hiện tại, chỉ Liên minh châu Âu và Australia thông báo mong muốn kéo dài thêm thỏa thuận quốc tế này. Canada đã tuyên bố từ bỏ, Mỹ chưa bao giờ gia nhập, Nga bày tỏ mong muốn không tiếp tục tham gia, Nhật Bản từ chối các mục tiêu do việc đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân sau sự cố Fukushima.

2 - Công cụ nào cho Nghị định thư Kyoto?

Không thể phủ nhận rằng tương lai của Nghị định thư Kyoto đang ở trong tình trạng không mấy tốt đẹp. Thị trường khí thải gây hiệu ứng nhà kính, vốn cho phép bán và mua hàng tấn CO2 giữa các quốc gia công nghiệp, đang hoàn toàn bị suy yếu. Các chính phủ đã cấp hạn ngạch quá cao cho các doanh nghiệp của họ và cuộc khủng hoảng kinh tế đã làm giảm đáng kể sản lượng hàng hoá và cũng như lượng khí thải. Thị trường đang chìm đắm bởi tình trạng dư cung.

Thêm vào đó, với mức lợi nhuận thu được không cao như hiện nay thì việc đầu tư vào các công nghệ sạch hoàn toàn không mấy hấp dẫn các nhà đầu tư. Cũng với lý do này, quá trình phối hợp giữa việc đầu tư vào công nghệ phi carbon trong các nước phát triển và Cơ chế phát triển sạch (các nước phát triển hỗ trợ, khuyến khích các nước đang phát triển thực hiện các dự án thân thiện với môi trường, nhằm phát triển bền vững) cũng bị xáo trộn và được tiến hành không mấy hiệu quả.

Điểm sáng hiếm hoi trong số những nỗ lực này là Liên minh châu Âu đã đề xuất loại bỏ 900 triệu tấn hạn ngạch khí CO2 được phép phát thải ra môi trường trong tổng số 8 tỷ tấn sẽ được phân phối cho các ngành công nghiệp của châu Âu trong giai đoạn từ năm 2013-2020. Về vấn đề này, thái độ của Mỹ tại Doha sẽ đặc biệt nhất quán. Thiện chí gia nhập vào thị trường trao đổi khí CO2 toàn cầu của quốc gia phát thải khí CO2 lớn thứ hai thế giới này hy vọng sẽ làm thay đổi cơ bản tình hình hiện vốn không mấy sáng sủa.

 

Hậu quả của sự nóng lên toàn cầu ngày càng khốc liệt (Ảnh: Xinhua)

3 - Sự hỗ trợ nào dành cho các nước mới nổi?

Các quốc gia đang phát triển yêu cầu các nước giàu hỗ trợ để thích ứng với biến đổi khí hậu mà chính họ là các nạn nhân đầu tiên. Trong giai đoạn từ năm 2010-2012, cộng đồng quốc tế cam kết bỏ ra 23 tỷ euro mỗi năm để dành cho các kế hoạch này. Tuy nhiên, chỉ có hơn 12 tỷ đã thực sự được đầu tư.

Hơn 190 quốc gia tham gia Hội nghị về biến đổi khí hậu ở Cancun (Mexico) năm 2010 cũng đã nhất trí thành lập Quỹ Khí hậu Xanh để giúp các nước nghèo đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu. Các nền kinh tế giàu có trong đó có Liên minh châu Âu, Nhật Bản và Mỹ đã cam kết trước khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Copenhagen hồi năm 2009 là sẽ đóng góp 30 tỉ USD vào quỹ hỗ trợ khẩn cấp cho các nước bị tác động tồi tệ nhất của sự ấm lên toàn cầu. Sau đó, quỹ này sẽ tăng lên 100 tỉ USD vào năm 2020, trong khi các chuyên gia cảnh báo rằng những nước nghèo nhất đang phải gánh chịu những hậu quả của thời tiết cực kỳ khắc nghiệt do biến đổi khí hậu gây ra như lũ lụt hay hạn hán trầm trọng.

Tại Hội nghị Doha lần này sẽ bầu ra 16 quốc gia thành viên thuộc Ủy ban hỗ trợ các nước dễ bị tác động nhất (và đặc biệt là các nước thuộc Thái Bình Dương và Ấn Độ) thích ứng với biến đổi khí hậu.

4 - Nền tảng Durban sẽ được xây dựng như thế nào?

Vào năm 2011, tại Durban (Nam Phi), Hội nghị lần thứ 17 Công ước Khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu đã quyết định thiết lập một nghị định thư mở rộng cho tất cả các quốc gia trên trái đất và không chỉ là những nước phát triển như trong Nghị định thư Kyoto. Các quốc gia có thời gian đến năm 2015 để thống nhất về các cam kết của mỗi nước và nghị định thư mới sẽ có hiệu lực vào năm 2020. Tuy nhiên, trong bối cảnh sự nóng lên toàn cầu đang hàng ngày hàng giờ ảnh hưởng tiêu cực tới cuộc sống của con người với mức độ ngày càng trầm trọng thì hạn định năm 2020 xem ra là quá chậm trễ. Liệu con số thống kê thiệt hại do thiên tai gây ra sẽ lên tới bao nhiêu trong vòng 8 năm tới, đến khi thế giới thống nhất được con đường hành động chung bảo vệ trái đất trước sự nóng lên toàn cầu? Cộng đồng quốc tế, vì vậy, vẫn không quên kỳ vọng vào Hội nghị thượng đỉnh Doha sẽ tìm ra bước đột phá, kỳ vọng vào quyết tâm của các đại biểu tham dự hội nghị khơi thông bế tắc, phát triển nền tảng Durban....

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực