(ĐCSVN) – Trong hai ngày 28-29/6, các nhà lãnh đạo chính phủ của 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) sẽ gặp nhau tại Brussels (Bỉ) để một lần nữa cùng thảo luận về các vấn đề then chốt, không chỉ quan trọng đối với riêng khu vực EU mà còn thu hút sự quan tâm của cả cộng đồng quốc tế.
|
Hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra trước sức ép mạnh mẽ của cả cộng đồng quốc tế. (Ảnh: Reuters) |
Không thể phủ nhận rằng, Hội nghị thượng đỉnh của EU vừa khai mạc hôm qua (28/6) tại Brussels trong bầu không khí đầy áp lực trước sức ép mạnh mẽ của cả cộng đồng quốc tế, kỳ vọng gần như bắt buộc EU phải đẩy lùi cuộc khủng hoảng nợ và ngăn chặn sự sụp đổ về kinh tế với những hậu quả nghiêm trọng. Lại một lần nữa, cả thế giới hồi hộp và căng thẳng chờ đợi “một kết quả cụ thể có ý nghĩa” của Hội nghị lần này để tìm ra biện pháp giữ cho các nền kinh tế trong khu vực không tiếp tục theo đà “tuột dốc không phanh”.
Kể từ bắt đầu cuộc khủng hoảng của Hy Lạp vào cuối năm 2009, lãnh đạo 27 nước thành viên EU đã tiến hành 18 phiên họp, trong đó 10 phiên chính thức và 8 phiên phi chính thức. Tuy nhiên, cho tới thời điểm trước cuộc họp thứ 19 vừa được khai mạc, các nhà lãnh đạo EU dường như vẫn chưa tìm ra được một “liều thuốc” thực sự hiệu quả để “chữa lành” “căn bệnh suy thoái” đang ngày càng trở nên trầm trọng trong Eurozone. Vào thời điểm hiện tại, nhiều thách thức đang được đặt ra khi Tây Ban Nha và Cộng hòa Síp vừa yêu cầu sự trợ giúp từ phía Eurozone và trường hợp của Hy Lạp vẫn chưa được giải quyết. Nhiều nhà phân tích bày tỏ lo ngại về khả năng sự thiếu vắng một thỏa thuận cuối cùng được đưa ra tại Hội nghị lần này sẽ có thể làm dấy lên một làn gió mới đầy biến động trên thị trường chứng khoán vào sáng thứ hai tuần tới đây.
Với trọng trách nặng nề không chỉ là đáp ứng kỳ vọng của cộng đồng quốc tế mà cụ thể, thiết thực hơn chính là giải tỏa những khúc mắc, đặt dấu chấm hết cho khủng hoảng và tìm ra hướng đi mới cho phát triển kinh tế, hầu hết các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị lần này đều bày tỏ cam kết chặt chẽ.
Nhà lãnh đạo của Italia, ông Mario Monti đã tuyên bố nêu rõ “sẵn sàng làm việc tới tận chủ nhật nếu cần thiết”. Và trong buổi làm việc tối qua tại Paris (Pháp), Thủ tướng Đức Angela Merkel – người ủng hộ việc áp dụng thắt chặt ngân sách tại châu Âu – và Tổng thống Pháp Francois Hollande – người mong muốn hài hòa việc thắt chặt ngân sách với tăng trưởng kinh tế - đã bước đầu thu hẹp được các bất đồng giữa hai bên. Tổng thống Pháp Hollande khẳng định rằng, các nước châu Âu đã làm rất tốt và tiến tới tăng trưởng thực sự. Theo ông Hollande, Hội nghị thượng đỉnh EU lần này cần phải tăng cường kết nối kinh tế và tiền tệ giữa các nước trong khối. Các nước châu Âu cần đoàn kết và thống nhất về mặt chính trị. Còn về phần mình, Thủ tướng Đức Merkel cho rằng, phải xây dựng EU mạnh mẽ và ổn định, theo đó, các thành viên trong khối phải sẵn sàng hỗ trợ lẫn nhau.
|
Hai nhà lãnh đạo Đức - Pháp đã bước đầu thu hẹp được bất đồng. (Ảnh: leparisine.fr) |
Tại Hội nghị thượng đỉnh lần này, các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ cùng nhau thảo luận về các vấn đề ngân sách, nợ công, tái cấu trúc ngân hàng, hệ thống chính sách, thúc đẩy tăng trưởng,... của các nền kinh tế thành viên. Cụ thể là:
Việc áp dụng một liên minh ngân hàng châu Âu: Mục tiêu của Hội nghị lần này không chỉ là giải quyết vấn đề cấp bách tại Tây Ban Nha và Cộng hòa Síp mà còn nhằm phác thảo ra một liên minh kinh tế thực sự tại châu Âu. Để đạt được điều này đòi hỏi phải có sự xích lại gần nhau về mặt tài chính giữa các nước. Tuy nhiên, một vấn đề đang được đặt ra là: Nếu như Đức ủng hộ việc tăng cường giám sát các ngân hàng thì Anh lại mong muốn sử dụng các biện pháp để bảo vệ lĩnh vực tài chính của chính họ. Tây Ban Nha và Pháp ủng hộ việc sử dụng linh hoạt hơn các nguồn quỹ cứu trợ của Eurozone (có thể được tái cấp vốn trực tiếp từ các ngân hàng), song Đức lại phản đối điều đó, từ chối cứu các ngân hàng không có quyền kiểm soát theo chính sách tài khóa tại các nước có liên quan.
Kiểm soát chặt chẽ ngân sách quốc gia: Điểm đáng chú ý tại Hội nghị lần này chính là các nhà lãnh đạo cùng xem xét đề xuất “viết lại” các quy định ngân sách của Eurozone do 4 nhân vật chủ chốt là: Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy, Giám đốc Ngân hàng trung ương châu Âu Mario Draghi, Chủ tịch Ủy ban châu Âu José Manuel Barroso và Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng tài chính eurozone Jean-Claude Juncker đồng soạn thảo. Trước đó, Berlin đã yêu cầu các quốc gia phải kiểm soát chặt chẽ ngân sách quốc gia và coi đây là một điều kiện tiên quyết để giải quyết vấn đề nợ công trong khuôn khổ Eurozone. Đề xuất trên là một phần của kế hoạch đầy tham vọng nhằm đưa Eurozone trở thành một khu vực có mối liên hệ chặt chẽ hơn về tài chính, nhằm thiết lập một cơ chế cho phép Brussels trở thành một Bộ Tài chính chung của cả 17 quốc gia thành viên trong khu vực đồng tiền chung châu Âu.
Thống nhất một khái niệm mới: eurobills (trái phiếu ngắn hạn): Hội nghị lần này bàn thảo để đi đến thống nhất về đề xuất của Pháp đã từng được Tổng thống Francois Hollande đưa ra xoay quanh 3 giải pháp nhằm vực dậy nền kinh tế khu vực gồm: Tăng trưởng, ổn định tài chính và tăng cường liên minh tiền tệ. Về tăng trưởng, theo ông, cần huy động toàn bộ nguồn lực của EU, như tăng vốn của Ngân hàng đầu tư châu Âu nhằm tài trợ cho các dự án tư nhân lớn, chuyển nguồn vốn hỗ trợ chưa được sử dụng sang hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tạo việc làm cho thanh niên. Các giải pháp này có thể huy động được tới 100 tỷ euro, đồng thời sẽ có thêm nguồn thu khác phục vụ tăng trưởng từ việc áp dụng thuế giao dịch tài chính. Để ổn định nền tài chính, ông Hollande đề xuất thiết lập rào chắn giữa Nhà nước và ngân hàng nhờ vào việc thành lập một liên minh ngân hàng và hạ bớt tiêu chí can thiệp của Cơ chế ổn định châu Âu (sẽ thay thế Quỹ ổn định tài chính hiện nay), dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào tháng 7 tới, để hỗ trợ trực tiếp cho các ngân hàng gặp khó khăn. Cơ chế này sẽ hoạt động như một ngân hàng đặt dưới sự giám sát của ECB, đồng thời lập quỹ bão lãnh tiền gửi châu Âu phòng trường hợp ngân hàng bị phá sản. Trong đó, một đề xuất khá mạnh dạn của nhà lãnh đạo Pháp là trong ngắn hạn, muốn thay thế Eurobonds gây tranh cãi bằng Eurobills và lập một quỹ mua nợ để mua lại tất cả các khoản nợ vượt quá 60% GDP các nước trong Eurozone. Kế hoạch này của Pháp đã được Italia ủng hộ, tuy nhiên lại vấp phải sự phản ứng rất gay gắt từ phía nhà lãnh đạo nước Đức Angela Merkel khi bà cho rằng, Đức "không dễ dàng tin vào những ý tưởng như eurobonds".
Thúc đẩy tăng trưởng 1% GDP của châu Âu: Cuối cùng, chỉ duy nhất một điểm mà cả 4 nền kinh tế lớn nhất eurozone: Pháp, Đức, Italia và Tây Ban Nha cùng nhất trí, đó là việc huy động “1% GDP của EU, tương đương khoảng 120 tỷ đến 130 tỷ euro để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”. Mặc dù còn phải thuyết phục 23 quốc gia thành viên còn lại thông qua mục tiêu này, song cho tới thời điểm hiện tại, đây vẫn là điểm sáng hiếm hoi mà người ta có thể nhìn thấy tại Hội nghị thượng đỉnh lần này.
Những cụm từ như “dập tắt đám cháy”, “hiệu ứng domino”, “tuột dốc không phanh”,… là những cụm từ phổ biến khi nhắc về bối cảnh kinh tế của các nước thuộc eurozone trong thời gian trở lại đây. Đã có không ít cuộc họp được triển khai, ở cả quy mô quốc gia, khu vực và quốc tế. Tuy nhiên, điều đáng nói là EU không những chưa dập tắt được các đám cháy, chưa ngăn chặn được các bánh xe kinh tế lao dốc không phanh,… mà ngày càng có nhiều biến động không mấy tích cực xảy ra trong khu vực này. Những người dân EU và cả cộng đồng quốc tế đều đã và đang kỳ vọng EU có thể cùng đoàn kết và nỗ lực để tìm ra được phương hướng hiệu quả cho con đường phát triển của mình. Hy vọng, EU không tiếp tục lãng phí thời gian vào các phiên họp mà cần tạo được bước đột phá cho chính cuộc gặp gỡ lần này, để bản trường ca ảm đạm của khu vực tìm được đoạn kết không quá bi quan./.