Hội nghị thượng đỉnh NATO: tìm đường đi cho chiến lược mới

Thứ năm, 18/11/2010 20:47

(ĐCSVN)Hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra trong tuần này được kỳ vọng sẽ mở ra một hướng rẽ mới trong lịch sử của liên minh quân sự phương Tây , trong vấn đề chất dứt chiến dịch quân sự tại Afghanistan và thông qua một chiến lược mới nhằm đối phó với những mối đe doạ trong thế kỷ 21 sẽ chiếm phần lớn chương trình nghị sự.

Ảnh minh hoạ: Internet


Trong các buổi thảo luận ngày 19 và 20/11 tại Lisbon (Bồ Đào Nha), các nhà lãnh đạo đến từ 28 nước thành viên NATO dự kiến sẽ thông qua kế hoạch do Tổng thống Mỹ Barack Obama đề xuất nhằm bắt đầu lộ trình rút 130.000 quân đang tham chiến tại Afghanistan.

Theo đề xuất của ông Obama, các lực lượng NATO sẽ dần chuyển giao những trách nhiệm căn bản trong lĩnh vực an ninh cho lực lượng vũ trang Afghanistan vào năm 2014.

Những bài học đắt giá trong cuộc chiến tại Afghanistan đã có nhiều đóng góp trong việc hình thành nên một “ quan điểm chiến lược” mới, dự kiến sẽ được các nhà lãnh đạo NATO phê chuẩn trong Hội nghị thượng đỉnh sắp tới.

Cụ thể, quan điểm mới này sẽ trang bị cho NATO những công cụ mới nhằm đối phó với những mối đe doạ của thời hiện đại, từ chủ nghĩa khủng bố, các cuộc xung đột trong phạm khu vực, tấn công mạng cho tới những thảm hoạ tự nhiên có mối liên hệ mật thiết với hiện tượng ấm dần lên của khí hậu toàn cầu. Quan điểm mới này cũng được kỳ vọng là sẽ phản ánh những thực tế về địa chính trị thông qua nỗ lực hướng ra một thế giới rộng lớn hơn, phát triển mối quan hệ đối tác với các cường quốc như Trung Quốc và Ấn Độ.

Trước đó, Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen cho biết trong khuôn khổ chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh NATO dự kiến diễn ra hai ngày 19-20/11 tại Lisbon, Hội nghị các Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng NATO thảo luận ba chủ đề lớn. Đó là các chủ đề về quan điểm chiến lược mới của NATO; vấn đề thiết lập hệ thống phòng không tập thể của NATO và vấn đề cắt giảm và nâng cao hiệu quả cơ cấu tham mưu chỉ huy của liên minh quân sự lớn nhất hành tinh này.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng bắt đầu bày tỏ lo ngại về khả năng tầm nhìn mới này sẽ bị lu mờ do khoảng cách giữa Mỹ và các đồng minh châu Âu – các nước vốn được xem là đang ngày càng tỏ ra dè dặt trong việc chi tiền cho các chương trình quân sự cũng như các lực lượng quân đội đang thực thi các sứ mệnh nguy hiểm tại nước ngoài.

Hiện cả Washington và NATO đang bày tỏ quan điểm e ngại trước việc các nước châu Âu vốn đang gặp khó khăn về kinh tế đưa ra các khoản cắt giảm ngân sách với sự lý giải rằng, các hành động này sẽ xói mòn tinh thần đoàn kết trong liên minh cũng như khiến Mỹ phải hứng chịu những gánh nặng to lớn hơn về mặt an ninh. Do đó, thông điệp mà các nhà lãnh đạo NATO muốn truyền đạt tới các quốc gia châu Âu tại Hội nghị thượng đỉnh Lisbon lần này sẽ là loại bỏ những tệ nạn quan liêu đang trở nên phổ biến trong lĩnh vực quốc phòng và trang thiết bị cũ kỹ từ thời chiến tranh lạnh chứ không phải là cắt giảm sức mạnh quân sự.

Tại Lisbon, các nhà lãnh đạo NATO cũng sẽ thảo luận kế hoạch xây dựng hệ thống tên lửa phòng thủ mà theo quan điểm của Mỹ thì đây là một việc làm cần thiết nhằm bảo vệ phương Tây khỏi các nguy cơ bị tấn công tên lửa từ Iran.

Kế hoạch lá chắn tên lửa tại châu Âu vốn được hình thành từ thời chính quyền cựu Tổng thống Mỹ George Bush. Từ lâu, vấn đề này đã trở thành chủ đề gai góc trong mối quan hệ giữa Moscow và Washington. Các nước đồng minh NATO hy vọng, tại Hội nghị thượng đỉnh Lisbon lần này, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev sẽ đồng ý hợp tác trong lĩnh vực phát triển một hệ thống phòng thủ tên lửa trên cơ sở tin cậy lẫn nhau.

Tổng thống Nga, Medvedev sẽ là 1 trong số hơn 20 nhà lãnh đạo đến từ các quốc gia không phải là thành viên của NATO tham gia vào Hội nghị thượng đỉnh tại Lisbon. Dự kiến, Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ có các cuộc gặp riêng rẽ với các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) vào chiều ngày 20/11 nhằm thảo luận về các vấn đề kinh tế. Một số quốc gia khác như Australia và Grudia vốn tham gia vào lực lượng Hỗ trợ an ninh quốc tế do NATO dẫn đầu tại Afghanistan (ISAF) cũng sẽ tham gia sự kiện này. Đại diện Nhật Bản, EU, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng thế giới (WB) cũng sẽ có các buổi đối thoại với Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai về các khoản hỗ trợ kinh tế cho Chính phủ Afghanistan.

Cũng theo nhận định của nhiều nhà phân tích thì tại Hội nghị Thượng đỉnh lần này, việc diễn ra những căng thẳng xung quanh các cuộc đối thoại giữa ông Karzai và ông Obama cùng các nhà lãnh đạo NATO khác là điều khó tránh khỏi. Đây là hậu quả của việc nhà lãnh đạo Afghanistan này đã đưa ra lời chỉ trích rằng các chiến thuật quân sự của lực lượng quốc tế - vốn được đưa ra để nhằm vào binh lính thuộc lực lượng Taliban và Al-Qaida đã không quan tâm gì đến ý kiến dư luận. Đáp lại, các quan chức Mỹ đã bày tỏ sự tức giận trước những lời bình luận của ông Karzai trong cuộc phỏng vấn trên tờ Washington Post và bày tỏ lo ngại rằng, những lời lẽ này sẽ có tác động xấu đến chiến lược của chỉ huy các lực lượng ISAF của Mỹ, Tướng David Petraeus – người vừa tăng viện quân đến Afghanistan trong một nỗ lực nhằm làm suy yếu lực lượng Taliban trước khi chuyển giao trách nhiệm cho các lực lượng nước sở tại.

Về phần mình, NATO cho rằng, kế hoạch chuyển giao trách nhiệm cho các lực lượng an ninh Afghanistan không phải là một thời gian biểu để thực hiện rút toàn bộ quân nước ngoài khỏi quốc gia này. Đồng thời, một viên chức dân sự hàng đầu của NATO ở Afghanistan cũng nhấn mạnh đến khả năng các lực lượng liên minh có thể vẫn dẫn đầu một số hoạt động tác chiến sau năm 2014. Dường như, giới lãnh đạo NATO vẫn còn rất thận trong trong việc tránh tạo ra một ấn tượng rằng “họ đang trốn chạy khỏi Afghanistan”, “rời bỏ những người dân vô tội và đưa họ quay trở về với những luật lệ hà khắc của Taliban”.

Trước thềm diễn ra Hội nghị thượng đỉnh NATO tại Lisbon, Canada thông báo tiếp tục duy trì 950 quân ở Afghanistan cho tới tháng 3/2014. Trong khi đưa ra những lời cảnh báo về tính nguy hiểm của chiến dịch quân sự đã từng cướp đi sinh mạng của 2.220 binh lính nước ngoài kể từ khi được phát động vào năm 2001, Tân Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Alain Juppe cũng khẳng định, quốc gia này không có kế hoạch rút quân cho đến khi các lực lượng Afghanistan sẵn sàng vai trò thay thế.

Theo kế hoạch, tại sự kiện này, ông Obama cũng sẽ chờ đợi việc các nước đồng minh NATO của mình đưa ra những lời cam kết mạnh mẽ hơn đối với sứ mệnh tại Afghanistan, cũng như duy trì các lực lượng phòng thủ hiệu quả, có khả năng thực hiện các nhiệm vụ gai góc hơn, phát sinh trong tương lai.

Nhiệm vụ hiện nay của NATO chủ yếu tập trung vào những mối lo ngại trong thời hậu khủng hoảng và trực tiếp đối với Châu Âu. Tuy nhiên, kể từ khi được thông qua từ năm 1999 cho tới nay, tình hình an ninh toàn cầu đã có nhiều thay đổi, từ các cuộc tấn công khủng bố 9/11 nhằm vào nước Mỹ; các cuộc chiến tại Iraq và Afghanistan; sự trỗi dậy của các cường quốc mới; quan điểm quyết đoán của nước Nga đối với các vấn đề quốc tế; các mối đe doạ mới trong thương mại; nguồn cung năng lượng và hệ thống công nghệ thông tin; sự phổ biến của công nghệ vũ khí hạt nhân; các vấn đề nóng bỏng tại Pakistan, Capcaz và khu vực Sừng châu Phi cho tới các vấn đề liên quan tới an ninh môi trường.

Chi tiết cụ thể của “quan điểm chiến lược mới” hiện vẫn chưa được tiết lộ cho đến khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Lisbon. Tuy nhiên, theo kỳ vọng của dư luận thì bản tài liệu này sẽ đề cập đến một số vấn đề như: việc hình thành các lực lượng phản ứng nhanh, linh hoạt để có thể triển khai cho các nhiệm vụ dài hạn; tăng đầu tư trong lĩnh vực giao thông hàng không, máy bay không người lái, an ninh mạng và công nghệ nhằm đối phó với bom ven đường kích nổ từ xa; thắt chặt các mối quan hệ quân sự và ngoại giao với nhiều đối tác trên toàn thế giới…

Bên cạnh đó, khái niệm chiến lược mới của NATO dự kiến cũng sẽ nhấn mạnh đến vai trò trung tâm của liên minh này trong lĩnh vực răn đe hạt nhân, đồng thời tiếp tục theo đuổi các cam kết của tất cả các nước thuộc liên minh trong việc sẽ bảo vệ lẫn nhau khi một trong số các quốc gia này bị tấn công./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực