Hợp tác quân sự giữa các nước Đông Nam Á

Thứ bảy, 06/08/2011 10:11

(ĐCSVN) - Trong bối cảnh tranh chấp trên biển Đông diễn ra phức tạp như hiện nay, việc các nước Đông Nam Á tăng cường tiềm lực quốc phòng hay hợp tác quân sự nội khối cũng như với các nước ngoài khu vực đã thu hút sự chú ý đặc biệt của cộng đồng quốc tế.

Về tăng cường tiềm lực quốc phòng, ngày 29-7/2011, Tướng Ha-tin, người đứng đầu Cơ quan Thông tin của Bộ Quốc phòng In-đô-nê-xi-a cho biết, nước này có kế hoạch chế tạo 2 tàu ngầm chạy bằng đi-ê-den vào đầu năm 2012 tại một bến tàu ở Xu-bay-a với sự trợ giúp của công nghệ nước ngoài. Danh sách các nước đối tác sẽ được tiết lộ vào cuối năm 2011. Các tàu ngầm sau khi được đóng mới sẽ thuộc sở hữu của Lực lượng Hải quân, được trang bị công nghệ mới nhất và sẽ hoàn thành trong vòng 4 năm. Dự kiến, trong 5 năm tới, In-đô-nê-xi-a sẽ chi khoảng 17 tỷ USD để nâng cấp và hiện đại hóa lực lượng quân đội và tăng cường các chiến dịch quân sự nhằm đối với phó các hoạt động khủng bố, phong trào đòi ly khai, hải tặc cũng như vấn đề tranh chấp lãnh hải. Do vậy, Gia-các-ta đang tăng cường mua sắm cũng như nâng cấp vũ khí trang bị nhằm hiện đại hoá lực lượng không quân và hải quân để duy trì an ninh và quốc phòng.

Về hợp tác nội khối và với bên ngoài ngày 29-7/2011, sau cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Cam-pu-chia Tia Banh, Bộ trưởng Quốc phòng Ma-lai- xi-a, A-mát Da-hít cho biết, Ma-lai-xi-a và Cam-pu-chia có kế hoạch hợp tác chế tạo các thiết bị quân sự. Chi tiết của kế hoạch này sẽ được các quan chức lãnh đạo hàng đầu Quân đội hai nước soạn thảo. Trước mắt, một số thiết bị quân sự hai nước có thể cùng chế tạo; Ví dụ, khi Ma-lai-xi-a thay thế loại súng trường M4 bằng loại M16. Về phần mình, Cam-pu-chia hoan nghênh đề nghị hợp tác cùng chế tạo thiết bị quân sự với Phnôm Pênh của Ma-lai-xi-a. Sự hợp tác này là nhằm thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp quốc phòng trong khu vực chứ không phải nhằm thành lập bất cứ khối quân sự nào.

Đặc biệt, ngày 29.7.2011, từ Hội nghị Tư lệnh hải quân ASEAN lần thứ 5 năm 2011 (ANCM-5), các tư lệnh hải quân đã thống nhất sẽ mở rộng hợp tác với các nước ngoài khu vực, phối hợp triển khai tuần tra chung trên biển Đông. Hải quân ASEAN sẽ lập trung tâm và cổng thông tin để chia sẻ thông tin; thiết lập đường dây nóng giữa hải quân các nước trong khu vực; thống nhất việc gửi tín hiệu chào nhau giữa hải quân các nước thuộc ASEAN khi gặp nhau trên biển để tránh hiểu lầm và va chạm không cần thiết. Các đoàn đều ủng hộ phương án nên giải quyết các tranh chấp bằng thương lượng hoà bình, không đe doạ dùng vũ lực và sử dụng vũ lực; xử lý tranh chấp với Trung Quốc và tranh chấp trong ASEAN theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là công ước luật Biển năm 1982, tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và gần đây nhất là hướng dẫn thực hiện DOC vừa thoả thuận được tại Ba-li/In-đô-nê-xi-a. Tư lệnh hải quân các nước trong ASEAN cam kết không xử lý cứng rắn đối với các trường hợp ngư dân các nước ASEAN vi phạm.

Tư lệnh Hải quân Ma-lai-xi-a Gia-pha cho rằng, nếu đường dây nóng giữa lực lượng Hải quân ASEAN được thiết lập, sẽ có tác dụng thông tin nhanh chóng những vụ việc xảy ra trên biển, giúp Hải quân phản ứng nhanh hơn. Nếu có một tàu cá bị bắt, đường dây nóng sẽ cung cấp, trợ giúp một cách nhanh chóng. Còn nếu tàu cá bị bắt trong khu vực tranh chấp, cách tốt nhất là thả ra, bởi vì bất cứ một hành động nào khác cũng làm tranh chấp thêm căng thẳng.

Trong khi đó, đại diện của Hải quân Phi-líp-pin, Phó Đô đốc Pa-ma cho rằng, tình hình biển Đông đang có nhiều thách thức, vì vậy các nước ASEAN phải cùng nhau hợp tác để tạo sự đồng thuận.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực