(ĐCSVN) - Người dân cùng quẫn và chính phủ bế tắc. Đó là thực tế đáng buồn đang diễn ra tại “đất nước thần thoại” Hy Lạp vốn nổi tiếng tươi đẹp và mến khách. Song, điều đáng lo ngại hơn là nhìn vào Hy Lạp hiện nay, người ta còn thấy trong đó cả “bức tranh” kinh tế-xã hội châu Âu với những khó khăn chồng chất.
|
Cảnh sát giải tán người biểu tình Hy Lạp phản đối chính sách thắt lưng buộc bụng (Ảnh: Internet) |
Tại Hy Lạp, đất nước Địa Trung Hải vốn là quê hương của các vị thần, nơi người dân vốn có khiếu hài hước và tỷ lệ tự tử vào loại thấp nhất thế giới, những ngày gần đây, người ta không khỏi bàng hoàng về một “làn sóng tự tử”. Truyền thông Hy Lạp tuần qua hầu như ngày nào cũng có tin về các vụ tự sát. “Tôi không thấy giải pháp nào hơn là một kết thúc trong danh dự, để không phải mục rữa trong đống rác rưởi để kiếm cái ăn qua ngày”. Đó là tâm sự trăng trối thương tâm của Christuolas, một dược sĩ 77 tuổi, vừa tự bắn vào đầu mình hôm ở Quảng trường trung tâm Athens, song cũng là tâm trạng cùng quẫn, chán nản chung của nhiều người dân Hy Lạp, trong bối cảnh chính phủ thực thi chính sách “thắt lưng buộc bụng”, đẩy hàng triệu người lâm cảnh khốn cùng.
Trong khi người dân cùng quẫn vì “thắt lưng buộc bụng”, thì cũng chính những tranh cãi xung quanh chính sách này đã khiến việc thành lập chính phủ Hy Lạp bế tắc. Chính sách kinh tế khắc khổ tại Hy Lạp đã khiến làn sóng phẫn nộ của dân chúng dâng cao, theo đó “quật ngã” chính phủ của Thủ tướng Lucas Papademos đầu tháng 4 vừa qua. Tuy nhiên, những nỗ lực thành lập một chính phủ mới kể từ cuộc bầu cử hôm 6/5 đến nay đã bất thành. Nguyên nhân là do nhà lãnh đạo Alexis Tsipras của Liên minh các lực lượng cực tả (Syriza), về thứ hai trong cuộc bầu cử sớm, đã khẳng định “như đinh đóng cột” rằng, sẽ không tham gia bất kỳ chính phủ nào có ý định thực thi các điều khoản trong thỏa thuận cứu trợ tài chính quốc tế với Athens, vì cho rằng thỏa thuận đó "quá nghiệt ngã" và đi ngược lại với ý nguyện của cử tri.
“Quá tam ba bận” với ba lần ủy thác quyền thành lập chính phủ mới lần lượt cho các đảng lớn không thành, Tổng thống Hy Lạp Karolos Papoulias hôm 13/5 đã phải “vào cuộc”, thương lượng khẩn cấp với các đảng để khai thông bế tắc chính trị. Tuy nhiên, nỗ lực “còn nước còn tát” của Karolos Papoulias được dự báo sẽ không mang lại kết quả và nhiều khả năng Hy Lạp không thành lập được chính phủ mới muộn nhất vào ngày 17/5 tới. Theo đó, nước này sẽ phải giải tán quốc hội vừa được bầu, tổ chức tổng tuyển cử trước thời hạn vào tháng sau.
Thế bế tắc chính trị nói trên đang đẩy Hy Lạp lún sâu thêm vào cảnh cùng quẫn, trong bối cảnh các chủ nợ tuyên bố sẽ không giải ngân thêm bất kỳ khoản nào trong gói cứu trợ thứ hai trị giá 130 tỷ EUR (168 tỷ USD) dành cho nước này, nếu Athens không thực hiện những cải cách theo yêu cầu. Trong khi đó, Hy Lạp chỉ có đủ tiền để trả lương và lương hưu cho đến cuối tháng 6 tới. Tuy nhiên, “họa vô đơn chí”, bởi hệ lụy của tình trạng trên còn là việc nước này sẽ bị buộc phải rời khỏi Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Việc nước này có nguy cơ phải ra khỏi khối đồng tiền chung châu Âu đã được nói đến nhiều lần. Tuy nhiên, chưa bao giờ “câu chuyện Hy Lạp rời Eurozone” đến gần “hồi kết” như hiện nay. Trong mấy ngày qua, các quan chức Ngân hàng trung ương châu Âu đã công khai bày tỏ rằng với Hy Lạp, “thảm họa không còn xa”.
Điều đáng lưu ý là sự cùng quẫn và bế tắc của Hy Lạp hiện không chỉ là câu chuyện của riêng nước này. Bởi, Công ty xếp hạng tín nhiệm quốc tế Fitch Ratings vừa cảnh báo, nếu Hy Lạp bị đình chỉ tư cách thành viên Eurozone, thì 16 nước thành viên còn lại của khối này sẽ bị hạ tín nhiệm. Tình thế đó buộc các chủ nợ phải "xuống thang" và tuyên bố sẵn sàng sửa đổi chương trình hỗ trợ tài chính cho Athens. Nhưng, việc làm này sẽ đẩy Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) vào thế "tiến thoái lưỡng nan" trong việc duy trì hay sửa đổi các điều kiện cho vay nghiêm ngặt không chỉ đối với Hy Lạp, mà cả các nước Eurozone khác muốn vay tiền.
Bên cạnh đó, tình cảnh cùng quẫn của người dân Hy Lạp hiện nay cũng như việc hàng loạt chính phủ châu Âu sụp đổ do mất lòng dân, là thực tế cho thấy, đã đến lúc chính sách “thắt lưng buộc bụng” của châu Âu cần được nghiêm túc xem xét lại. Đồng thời, “Phong trào phẫn nộ” với hàng loạt cuộc biểu tình lớn nổ ra tại Anh, Bỉ, Tây Ban Nha… từ cuối tuần qua, đòi chấm dứt “chủ nghĩa tư bản bóc lột”, đang là điềm báo cho thấy “làn sóng tự tử”; sự cùng quẫn và bế tắc chính trị như ở Hy Lạp cũng có nguy cơ xuất hiện tại nhiều nước châu Âu khác.