(ĐCSVN) - Những tiến triển mang tính quyết định dần được đạt khi Hy Lạp đồng ý cắt giảm lương hưu đến một mức rất gần với những gì chủ nợ yêu cầu. Tuy nhiên, nhà chức trách Hy Lạp lại không quá lạc quan khi cho rằng, tất cả các khả năng đều để ngỏ, kể cả việc không tiến tới được một thỏa thuận chung.
|
Thủ tướng Alexis Tsipras (Ảnh BTA) |
Sau khi Thủ tướng Alexis Tsipras đã có nhiều sự nhượng bộ, Hy Lạp và các chủ nợ đã tiến gần hơn đến một thỏa thuận chung vào cuối tuần, cho phép đất nước đang khủng hoảng tài chính này ở lại khối Eurozone,
Hôm qua (26/6), Hy Lạp đồng ý cắt giảm lương hưu tới một mức rất gần với những gì các chủ nợ yêu cầu trước khi họ mở một gói vay mới. Động thái này xảy ra chỉ vài ngày sau khi Hy Lạp đệ lên gói cắt giảm chi tiêu xấp xỉ 9 tỉ USD trong vòng 2 năm.
Đức và các chủ nợ khác, cụ thể là Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), cho rằng những biện pháp của Hy Lạp không đủ tốt vì chúng dựa quá nhiều vào thuế doanh nghiệp, và điều đó có thể ảnh hưởng đến sự phát triển.
Giải pháp mới nhất được đưa ra vào thứ Sáu đã đưa Hy Lạp, Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF và châu Âu xích lại gần nhau hơn, đủ cơ sở để dự đoán rằng cuộc họp khẩn cấp vào hôm nay (27/6) giữa 19 Bộ trưởng Tài chính của Eurozone có thể mang lại bước đột phá quyết định.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean Claude Juncker đồng tình. “Đây là một cơ hội thực sự để đi đến một thỏa thuận,”. Ông nói thêm vào rằng, ngày thứ Bảy (hôm nay 27/6) là một ngày “hết sức quan trọng không chỉ cho Hy Lạp mà cho cả châu Âu nói chung. Tôi khá là lạc quan, nhưng không quá lạc quan.”
Trong đề xuất mới nhất, Athens nói rằng sẽ cắt giảm đóng góp của chính phủ Hy Lạp vào lương hưu từ 0,25% đến 0,5% của GDP vào năm nay, và 1% vào năm sau.
Một quan chức (giấu tên) của một trong những chủ nợ cho rằng nếu xem xét cả hai phía thì “khác biệt bây giờ đã trở nên rất rất nhỏ. “
Các buổi đàm phán đã đề cập đến vấn đề: những cải cách về kinh tế nào Hy Lạp phải thực hiện để có thể đáp ứng yêu cầu đối với gói 7,2 tỉ euro trong chương trình gói cứu trợ quốc tế của nọ.
Nếu công bố vỡ nợ, Hy Lạp bắt buộc phải rời nhóm sử dụng đồng tiền chung của châu Âu Eurozone. Điều đó có thể kéo Hy Lạp quay trở lại thời kì suy thoái trầm trọng kéo dài, và điều đó sẽ làm bất ổn châu Âu và thị trường thế giới.
Giờ "G" đang đến gần
Các nhà lãnh đạo của Châu Âu đã yêu cầu các Bộ trưởng Tài chính từ các nước sử dụng đồng tiền chung Euro đi đến một thỏa thuận vào hôm nay (27/6) về việc Hy Lạp phải thực hiện những cái cách gì để giải ngân khoản vay cứu trợ của mình.
Tsipras, nhậm chức thủ tướng Hy Lạp vào tháng 1/2015 với lời hứa hẹn nới lỏng những biện pháp thắt lung buộc bụng áp dụng lên nước này để đạt được khoản cứu trợ trị giá lên đến hơn 260 tỉ đô la, tiếp tục khẳng định, không chấp nhận thêm bất kì biện pháp có tính áp đặt nào nữa từ các chủ nợ.
Thời gian sắt hết với gói cứu trợ từ châu Âu (sẽ hết hạn vào thứ Ba tuần sau (30/6) cùng với khả năng tiếp cận nguồn vốn vay còn lại của đất nước này.
Tuy nhiên, Jeroen Dijsselbloem, người chủ trì cuộc họp 19 Bộ trưởng Tài chính của Eurozone lại nhận định: “Nó thực sự phải xảy ra vào ngày mai” khi đề cập đến một thỏa thuận giữa Hy Lạp và các chủ nợ.
Bất kì thỏa thuận nào - Jeroen Dijsselbloem, nói - đều sẽ phải được Quốc hội Hy Lạp và các nước Eurozone khác thông qua. Có nghĩa là cuối tuần này là thời gian muộn nhất có thể để đi đến một thỏa thuận trước ngày 30 tháng sáu.
Nhà chức trách Hy Lạp cho biết rằng tất cả các khả năng đều để ngỏ, kể cả khả năng không tiến tới được một thỏa thuận
Trái ngược với nhận định lạc quan của các quan chức các nước châu Âu, Bộ trưởng Bộ Lao động Hy Lạp, Panos Skourletis lại cho rằng, trong bối cảnh hiện tại, "với những chủ nợ liên tục yêu cầu biện pháp cắt giảm chi phí triệt để, cơ hội đi đến một thỏa thuận là rất nhỏ nhoi".
Một lần nữa tương lai của Eurozone lại đứng trước thử thách mới./.