Khi những hoài nghi I-ran đứng đằng sau âm mưu ám sát Đại sứ A-rập Xê-út tại Oa-sinh-tơn còn chưa được giải tỏa, quan hệ I-ran và Mỹ lại tiếp tục “nổi sóng” khi xuất hiện những thông tin tiết lộ, Mỹ, Anh và I-xra-en “đang lên kế hoạch tấn công Tê-hê-ran. Ngày 3-11, Bộ Ngoại giao I-ran đã triệu tập Đại sứ của Thụy Sĩ, bà Li-vi-a Lu A-gô-xti (Livia Leu Agosti), để phản đối các đe dọa trên. Đại sứ quán Thụy Sĩ tại I-ran hiện kiêm nhiệm giải quyết các vấn đề ngoại giao của Mỹ tại I-ran vì hai nước này chưa có quan hệ ngoại giao.
Theo trang mạng của Đài Truyền hình I-ran, Bộ Ngoại giao I-ran đã lên án phiên họp của một ủy ban Quốc hội Mỹ tuần trước, trong đó các chuyên gia quân sự đã đề nghị ám sát có mục tiêu các thành viên đơn vị đặc nhiệm Quds thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng tinh nhuệ của I-ran. Bộ Ngoại giao I-ran khẳng định lời kêu gọi của các chuyên gia này "đi ngược lại những nghĩa vụ pháp lý của Mỹ trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố".
|
Người dân biểu tình phản đối Mỹ tại thủ đô Tê-hê-ran ngày 4-11. Ảnh: Roi-tơ |
Cùng thời điểm trên, tờ "Người bảo vệ" của Anh đưa tin, các lực lượng vũ trang của nước này đang tăng cường chuẩn bị cho một kế hoạch bất ngờ tấn công quân sự I-ran theo đề nghị của Oa-sinh-tơn. Tờ “Người bảo vệ” tiết lộ, để chuẩn bị tham gia cuộc chiến, các nhà hoạch định quân sự Anh đang xem xét cách thức tốt nhất triển khai tàu chiến và tàu ngầm có trang bị tên lửa hành trình Tomahawk trong vài tháng tới như là phần của cái gọi là “chiến dịch trên không và trên biển”. Cũng theo tờ báo này, phái “diều hâu” tại Mỹ muốn tận dụng báo cáo sắp tới của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) làm cớ tấn công I-ran. Dự kiến tại cuộc họp vào ngày 17 và 18-11 tới, IAEA sẽ công bố những chi tiết mà họ nói là “chưa từng có” về thành tựu nghiên cứu và thử nghiệm vũ khí hạt nhân của I-ran.
Trong khi đó, quân đội I-xra-en cho biết, đã bắt đầu cuộc diễn tập phòng thủ dân sự lớn tại khu vực thủ đô Ten A-víp nhằm tăng khả năng phản ứng với các vụ tấn công bằng tên lửa thông thường và phi thông thường trong bối cảnh có những đồn đoán về việc I-xra-en có thể tấn công phủ đầu I-ran.
Trước nguy cơ có thể bị tấn công bởi gọng kìm “Mỹ - Anh - I-xra-en”, Bộ Ngoại giao I-ran cho biết, Tê-hê-ran đã "chuẩn bị cho tình huống xấu nhất" và cảnh báo Mỹ đang tự đặt mình vào "một cuộc va chạm" với I-ran. Bộ trưởng Ngoại giao I-ran A-li Ác-ba Xa-lê-hi (Ali Akbar Salehi) cho rằng, Mỹ "đang thiếu sáng suốt và không thận trọng" trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế. Ông cũng bày tỏ hy vọng "Mỹ sẽ nghĩ kỹ trước khi quyết định lao vào một cuộc va chạm với I-ran". Ngày 4-11, phát biểu tại Tê-hê-ran, nhà ngoại giao I-ran X.Gia-li-li (S.Jalili) cho biết, nước này sẽ chuyển “kế hoạch tấn công I-ran của Mỹ” lên LHQ.
Trong khi Mỹ, I-xra-en và Anh không loại trừ khả năng tấn công I-ran, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tuyên bố, không có ý định can thiệp quân sự vào quốc gia vùng Vịnh này. Phát biểu tại một cuộc họp báo, Tổng thư ký NATO An-đéc Phoóc Ra-xmu-xen (Anders Fogh Rasmussen) cho biết, NATO ủng hộ các nỗ lực quốc tế theo đuổi các giải pháp chính trị và ngoại giao nhằm giải quyết vấn đề I-ran, đồng thời kêu gọi Tê-hê-ran tuân thủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ về việc chấm dứt chương trình hạt nhân.