I-ran sẽ không lùi bước

Thứ tư, 23/11/2011 17:43

Với 32 phiếu thuận và hai phiếu chống, Ban Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) vừa thông qua một nghị quyết bày tỏ "quan ngại sâu sắc và ngày một gia tăng" về các hoạt động hạt nhân của I-ran, đồng thời nhấn mạnh "điều quan trọng là I-ran và IAEA phải tăng cường đối thoại". Nghị quyết của IAEA đã không đưa I-ran ra trước Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ).

Đoàn đại diện của I-ran tại cuộc họp của IAEA. Ảnh: news.cn

Để ra được bản nghị quyết trên, đại diện các nước thành viên ban lãnh đạo IAEA đã họp tại thủ đô Viên của Áo thảo luận về dự thảo nghị quyết do năm ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ cùng Đức và 12 nước khác đệ trình. Bản nghị quyết sau khi được thương lượng đã thống nhất nhấn mạnh tới một số điểm sau: IAEA bày tỏ mối quan ngại sâu sắc và ngày càng gia tăng trước những hoạt động hạt nhân của I-ran, đồng thời kêu gọi Tê-hê-ran “tuân thủ đầy đủ và không trì hoãn những nghĩa vụ của nước này theo các nghị quyết liên quan của HĐBA LHQ”; kêu gọi I-ran “tham dự một cách nghiêm chỉnh và không điều kiện tiên quyết” vào những cuộc thảo luận có thể giúp khôi phục “lòng tin của quốc tế” về chương trình hạt nhân nhằm mục đích hòa bình của nước này.

Tại cuộc họp trên, các nước phương Tây đã bày tỏ quan điểm cứng rắn với I-ran, còn Nga và Trung Quốc có thái độ ôn hòa hơn. Để giải tỏa quan ngại của Nga và Trung Quốc, vốn phản đối việc gia tăng trừng phạt Tê-hê-ran, nghị quyết không đòi đưa vấn đề I-ran ra trước HĐBA LHQ hay đặt một thời hạn chót để I-ran phải tuân thủ các nghĩa vụ trên. Thay vào đó, nghị quyết kêu gọi Tổng giám đốc IAEA Y.A-ma-nô (Y.Amano) báo cáo lên Ban giám đốc IAEA việc thực thi của I-ran đối với nghị quyết này, vào tháng 3-2012.

Sau khi nghị quyết chính thức được thông qua, phía Nga đã bày tỏ hoan nghênh. Tuyên bố đăng tải trên trang web của Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ, nghị quyết mới nhấn mạnh tới đối thoại giữa IAEA và I-ran sẽ là nền tảng vững chắc để cộng đồng quốc tế giải quyết vấn đề hạt nhân của I-ran. Trong tuyên bố cùng ngày, người phát ngôn Nhà Trắng, ông G.Các-ni (J.Carney) cũng ra tuyên bố hoan nghênh bản nghị quyết và cho biết, Mỹ sẽ gia tăng sức ép để buộc Tê-hê-ran từ bỏ tham vọng sở hữu bom nguyên tử. Còn người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ M.Tô-nơ (M.Toner) cho rằng, nghị quyết của IAEA đã "gửi một thông điệp thống nhất và mạnh mẽ" tới chương trình hạt nhân gây tranh cãi của I-ran, đồng thời không loại trừ sẽ sớm có thêm các lệnh trừng phạt mới chống Tê-hê-ran.

Phản ứng trước nghị quyết của IAEA, Đại sứ I-ran tại IAEA, ông A.Xôn-ta-ni-ê (A.Soltanieh) khẳng định, nghị quyết trên sẽ chỉ làm tăng quyết tâm của Tê-hê-ran trong việc thúc đẩy các hoạt động hạt nhân của nước này. Đại sứ I-ran tại IAEA khẳng định, I-ran sẽ không ngừng làm giàu uranium, sẽ không lùi bước trong vấn đề này với các cường quốc. “Hiệu ứng duy nhất và tức thì của nghị quyết này là I-ran sẽ đẩy mạnh hơn nữa quyết tâm tiếp tục các hoạt động hạt nhân phục vụ mục đích hòa bình mà không có bất cứ sự thỏa hiệp nào. Chúng tôi sẽ không đình chỉ các hoạt động làm giàu uranium và các hoạt động của mình dù chỉ một giây”, ông Xôn-ta-ni-ê nói.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực