(ĐCSVN) – Chưa đầy 1 tháng sau khi phải đối mặt với bản báo cáo gây bất lợi từ phía Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), Iran lại tiếp tục lâm vào một tình huống khó khăn khác khi sự việc một nhóm người biểu tình Iran tấn công khu tổ hợp Đại sứ quán Anh tại Tehran hôm 29/11, đã khiến nhiều nước châu Âu nổi giận.
|
Người biểu tình tấn công Đại sứ quán Anh ở thủ đô Tehran ngày 29/11 (Ảnh: IT) |
Ngày 29/11, một nhóm người biểu tình Iran đã tấn công vào hai công trình nằm trong khu vực bất khả xâm phạm của Đại sứ quán Anh, buộc tất cả các nhân viên ngoại giao phải sơ tán khẩn cấp. Quốc kì Anh bị hạ, những bức tranh Nữ hoàng treo bên trong tòa nhà chính của khu sứ quán bị phá hủy, tài liệu nhạy cảm bị cướp phá, cửa sổ, đồ đạc bị đập nát, thậm chí họ còn dùng bom xăng để phá hủy đồ đạc… Vụ việc xảy ra sau khi Hội đồng Giám hộ Iran - cơ quan lập pháp tối cao của nước này, thông qua quyết định hạ cấp quan hệ ngoại giao với Anh nhằm trả đũa việc hồi tuần trước, các nước Mỹ, Anh và Canada thông báo áp đặt các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào lĩnh vực tài chính, ngành hóa dầu và năng lượng của Iran.
Phản ứng trước vụ việc trên, Bộ Ngoại giao Anh ngày 30/11 cho biết, Anh đã sơ tán toàn bộ nhân viên ngoại giao làm việc trong Đại sứ quán Anh tại Tehran khỏi Iran. Theo nguồn tin, nhóm nhân viên sứ quán Anh hiện đã tới sân bay Tehran để bay tới Dubai (Các tiểu vương quốc Arập thống nhất). Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Anh, sau sự kiện các địa điểm ngoại giao Anh tại Tehran bị tấn công ngày 29/11, Thủ tướng và Ngoại trưởng Anh đều chỉ rõ việc bảo đảm an toàn cho các nhân viên sứ quán và gia đình họ là ưu tiên hàng đầu hiện nay.
Phát biểu trước báo giới ngày 30/11, Ngoại trưởng Anh William Hague cho biết thêm, ông đã yêu cầu đóng cửa ngay lập tức Đại sứ quán Iran tại London, đồng thời yêu cầu tất cả nhân viên làm việc trong cơ quan này rời nước Anh trong vòng 48 tiếng. Ông Hague cũng khẳng định rằng, Anh vẫn chưa thể “toàn tâm toàn ý” trong tất cả các mối quan hệ với Iran và quyết định trên chỉ là một hành động hạ các mối quan hệ ngoại giao giữa Anh và Iran xuống mức thấp nhất. Ông Hague cũng cho biết Ngoại trưởng các nước EU sẽ thảo luận về vụ việc Đại sứ quán Anh bị tấn công trong một cuộc họp tại Brussels (Bỉ) vào hôm nay 1/12. Ủng hộ quyết định của Anh, một số quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) còn ra quyết định triệu hồi Đại sứ tại Iran về nước và cảnh báo sẽ áp đặt thêm các lệnh trừng phạt để chống lại nước Cộng hòa Hồi giáo Iran.
Theo nhận định của các nhà quan sát thì vụ việc hôm 29/11 là một trong những sự kiện “bạo lực” nhất diễn ra kể từ khi các mối quan hệ Anh và Iran đi xuống nhanh chóng sau khi IAEA công bố một bản báo cáo gây bất lợi về chương trình hạt nhân của Iran hồi đầu tháng 11/2011. Biểu tình trước các đại sứ quán phương Tây xảy ra thường xuyên ở Iran, song vụ việc ngày 29/11 vừa qua là nặng nề nhất kể từ năm 1979, khi các sinh viên Hồi giáo tấn công Đại sứ quán Mỹ, bắt giữ 52 công dân Mỹ làm con tin trong 444 ngày. Hậu quả của vụ việc là sự đổ vỡ toàn bộ các quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Iran.
Đưa ra phản ứng trước quyết định của Bộ Ngoại giao Anh, người phát ngôn của Quốc hội Iran cho rằng, chính thái độ cứng rắn của một số quốc gia như Mỹ và Anh với Iran đã gián tiếp dẫn tới vụ tấn công các cơ quan ngoại giao của Anh tại Tehran. Những hành động này đã vượt ra ngoài tầm kiểm soát của lực lượng cảnh sát. Về phần mình, Hội đồng Giám hộ Hiến pháp Iran cũng cho biết, họ vừa thông qua một dự luật hạ mức quan hệ ngoại giao với Anh nhằm phản ứng trước “chính sách thù địch mà chính quyền London áp đặt với Iran”. Ngày 30/11, Bộ Ngoại giao Iran tuyên bố nước này sẽ "trả đũa" Anh vì đã trục xuất tất cả các nhà ngoại giao nước này tại London. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Ramin Mehmanparast gọi quyết định đóng cửa sứ quán và trục xuất các nhân viên ngoại giao Iran tại London là biện pháp "tiêu cực, hấp tấp" và "chắc chắn sẽ bị trả đũa". Chủ tịch Ủy ban chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia của Quốc hội Iran, ông Alaeddin Boroujerdi cùng ngày tuyên bố: "Anh sẽ phải chịu trách nhiệm về tất cả hậu quả pháp lý và ngoại giao vì quyết định đóng cửa Đại sứ quán Iran tại London và trục xuất các nhà ngoại giao Iran". Nghị sĩ này kêu gọi các quốc gia châu Âu khác không làm theo những chính sách của Mỹ và Anh.
Bất chấp những lập luận của Iran, tại Paris, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy tiếp tục chỉ trích vụ tấn công nhằm vào Đại sứ quán Anh tại Tehran và coi đây là một việc làm "đáng hổ thẹn". Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Pháp Bernard Valero cho biết, cơ quan này đã quyết định triệu hồi Đại sứ Pháp ở Tehran về nước cũng như triệu lãnh đạo Đại sứ quán Iran tại Paris tới để tiến hành tham vấn.
Tương tự, ngày 30/11, hai quốc gia châu Âu khác là Đức và Hà Lan cũng triệu hồi Đại sứ tại Iran về trao đổi. Bản tuyên bố do Bộ Ngoại giao Đức đưa ra cùng ngày cho rằng, vụ tấn công nhằm vào cơ quan Đại sứ quán Anh tại Tehran ngày 29/11 là “không thể chấp nhận được” và quyết định của cơ quan này về việc triệu hồi Đại sứ Iran tại Berlin tới để tiến hành tham vấn là một việc làm thể hiện “tinh thần đoàn kết” với London.
Trong phản ứng được coi là mạnh hơn , Na Uy đã đóng cửa sứ quán của mình ở Tehran, còn Thụy Điển triệu Đại sứ Iran ở nước này đến để thể hiện sự phản đối. Về phần mình, Ngoại trưởng Italia Giulio Terzi cũng khẳng định, hiện Rome đang đánh giá tình hình để có thể đưa ra quyết định về việc liệu có nên đưa ra hành động tương tự như các nước châu Âu khác hay không.
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 29/11 cũng lên án “bằng những từ ngữ mạnh mẽ nhất” vụ tấn công nhằm vào Đại sứ quán Anh ở thủ đô Tehran, đồng thời kêu gọi chính quyền nước sở tại tôn trọng đầy đủ luật pháp quốc tế, nỗ lực bảo vệ tài sản và tính mạng của các nhân viên ngoại giao, lãnh sự nước ngoài làm việc tại Iran.
Không chỉ phải đối mặt với nhiều ý kiến chỉ trích mạnh mẽ từ phía các nước châu Âu, sự việc hôm 29/11 đã đẩy Iran vào một tình huống khó khăn mới bởi nó diễn ra chỉ 2 ngày trước khi các Ngoại trưởng EU nhóm họp nhằm đưa ra đánh giá về bản báo cáo do IAEA đưa ra hôm 8/11 về chương trình hạt nhân của Iran. Thậm chí, nhiều nhà phân tích đã cảnh báo rằng, vụ tấn công nhằm vào Đại sứ quán Anh tại Tehran hôm 29/11 sẽ trở thành “một giọt nước tràn ly” và càng hối thúc chính phủ các nước châu Âu áp dụng các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ hơn chống lại Iran. Theo quan điểm của phát ngôn viên chính phủ Pháp Valeria Pecresse, vụ tấn công nhằm vào Đại sứ quán Anh hôm 29/11 vừa qua đã “một lần nữa, xác nhận quyết định của Tổng thống Sarkozy trong việc áp đặt các biện pháp trừng phạt mới chống lại Iran”. Bên cạnh đó, bà Pecresse cũng cho biết thêm, các biện pháp trừng phạt mới sẽ bao gồm lệnh phong tỏa tài sản đối với Ngân hàng trung ương Iran, cấm vận xuất khẩu dầu mỏ từ Iran (cho dù động thái này được đánh giá là sẽ đẩy giá dầu thô trên thị trường quốc tế lên một mức cao hơn trong bối cảnh châu Âu đang đứng bên bờ vực suy thoái kinh tế do những tác động trầm trọng của cuộc khủng hoảng nợ).
Chính phủ Hà Lan cũng đã bày tỏ quan điểm ủng hộ việc siết chặt lệnh trừng phạt chống lại Iran. Trong khi đó, Thủ tướng Anh David Cameron thậm chí còn đưa ra cảnh báo rằng, chính quyền Iran sẽ phải đối mặt với những “hậu quả nghiêm trọng” khi thất bại trong việc bảo vệ các nhân viên ngoại giao làm việc trong Đại sứ quán Anh tại Tehran. Phát biểu trước báo giới ngày 30/11, ông Cameron cho biết: “Chúng tôi sẽ cân nhắc tới những biện pháp trừng phạt Iran trong một vài ngày tới”./.