Italia – Một năm vượt lên trong cơn bão nợ công

Thứ tư, 26/12/2012 12:48

(ĐCSVN) - Trước khi đệ đơn từ chức, mở đường cho một cuộc tổng tuyển cử mới tại Italia, Thủ tướng tạm quyền Mario Monti đã được đánh giá cao sau hơn một năm điều hành nền kinh tế Italia, vốn bị cơn bão nợ công làm lung lay, chao đảo.

 

 Ông M.Monti trước cơ hội "thay đổi Italia và cải cách châu Âu". (Ảnh telegraph.co.uk)

Ngày 13/6 tại Berlin (Đức), sau khi nhận "Phần thưởng Nhà lãnh đạo trách nhiệm" do Trường Quản lý và Công nghệ châu Âu trao tặng, ông Mario Monti, Thủ tướng Italia đã tự tin tuyên bố: ”Hệ thống kinh tế Italia không đến mức yếu ớt, tuy có nhiều điểm yếu, đặc biệt là mức nợ công đã lên tới khoảng 1.900 tỷ euro (chiếm gần 120% GDP) và hệ thống ngân hàng chưa thực sự vững chắc”. Ông cũng không quên nhấn mạnh rằng, hiện nền kinh tế lớn thứ ba châu Âu này vẫn có nhiều điểm sáng, chẳng hạn như mạng lưới doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động hiệu quả, các hộ gia đình không bị lâm vào cảnh nợ nần chồng chất.

Vào thời điểm ông M.Monti nhậm chức Thủ tướng, kinh tế Italia đang “rung lắc” dữ dội. Khủng hoảng nợ công đang như “bóng ma” phủ mây mờ ảm đạm lên nền kinh tế Italia. Đối mặt với những khó khăn thách thức, ông M.Monti bình tĩnh khẳng định: “Italia không cần đến liệu pháp sốc dành cho khu vực tài chính công” và “ngay cả trong tương lai, Italia cũng không cần viện đến gói cứu trợ từ các đối khác trong Liên minh châu Âu”. Đối sách để giải quyết khủng hoảng nợ công theo trường phái kỹ trị của Thủ tướng Monti là vừa kiên quyết thực hiện các biện pháp thắt chặt chi tiêu vừa phải thực hiện các biện pháp tăng trưởng.

Từng là cố vấn của ngân hàng Goldman Sachs Group Inc. và là cựu Uỷ viên Liên minh châu Âu (EU), ông M.Monti đã áp dụng các biện pháp thắt lưng buộc bụng trị giá 20 tỷ euro (26,5 tỷ USD). Ông đã cho tăng thuế, cắt giảm chi tiêu, nâng độ tuổi về hưu và cải tổ các nguyên tắc lao động nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong tổ chức sản xuất. Những chính sách này đã giúp Italia đi đúng hướng trong việc cắt giảm thâm hụt ngân sách trong năm nay xuống mức dưới 3% GDP theo quy định của Liên minh châu Âu.

Sau gần 9 tháng điều hành nền kinh tế, chính phủ Italia đã tạm thời kiểm soát được tình hình. Những kết quả ban đầu ấy đã được hai hãng đánh giá tín nhiệm quốc tế Fitch và Moody's đánh giá tích cực. Người đứng đầu Fitch, ông David Riley, nhận định Italia đang đi đúng hướng trong việc thực hiện các biện pháp nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng, trong khi Moody's ước tính GDP của nước này có thể phục hồi trở lại các mức trước khủng hoảng vào năm 2013.

Nhìn nhận những yếu tố cơ bản đẩy Italia đến bờ vực khủng hoảng, các nhà phân tích cho rằng, suy thoái kinh tế toàn cầu thu hẹp thị trường xuất khẩu; cuộc khủng hoảng nợ ở khu vực đồng Euro và kế hoạch thắt lưng buộc bụng về tài chính đầy cam go cùng với sự khủng hoảng về nguồn vốn trong lĩnh vực ngân hàng là những nguyên nhân chính. Để “tự cứu mình trước khi Liên minh châu Âu ra tay cứu giúp”, chính phủ kỹ trị của ông M.Monti đã nhìn nhận và khai thác các nhân tố nội lực cơ bản vững chắc của Italia.

Alberto Forchielli, quan chức thuộc công ty Mandarin Capital Partners, cho biết nợ tư nhân ở Italia là khá thấp. Trong khi đó, có tới 75% số nợ công của nước này là nằm trong tay người dân và các thể chế của Italia. Đây là một lợi thế mà không phải bất kỳ quốc gia thành viên Liên minh châu Âu nào cũng có được. Ngoài ra, Italia có dự trữ vàng lớn thứ ba trên thế giới, mà có thể được sử dụng cùng với các bất động sản và cơ sở hạ tầng khác thuộc sở hữu nhà nước để làm thế chấp.

Liên tiếp trong tháng 7 và tháng 8/2012, nhờ yếu tố tâm lý có được do các biện pháp điều hành của chính phủ Italia, các thị trường đã trở nên lạc quan hơn, khiến chênh lệch lợi suất trái phiếu Chính phủ Italia với trái phiếu Chính phủ Đức - một chỉ số lòng tin quan trọng hạ xuống gần mức 400 điểm cơ bản.

Ngày 20/11, phát biểu tại Đubai khi đang trong chuyến công du Vịnh Pécxích, ông M.Monti đã lạc quan tuyên bố rằng, trong một năm cầm quyền, chính phủ kỹ trị phi đảng phái của ông đã ngăn chặn một "thảm họa kinh tế toàn diện" và đã dập tắt được ngọn lửa “khủng hoảng” cho Italia. Báo cáo gần đây của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) nhận định rằng, những cải cách mà chính phủ Monti đã thực thi từ khi nắm quyền sẽ thúc đẩy Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Italia tăng thêm 4% trong 10 năm tới. Đặc biệt, thị trường đã bắt đầu nhận thức được điều này và nhiều nhà đầu tư đang quay trở lại Italia. Xu hướng được ổn định gần đây trên các thị trường tài chính là một tín hiệu về lòng tin của các nhà đầu tư trong bối cảnh Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có kế hoạch mua các trái phiếu chính phủ của những nước khó khăn nhưng có khả năng thanh toán, trong đó có Italia.

Sau một năm chèo lái đưa "con thuyền Noah" Italia bươn chải trong cơn bão nợ công, dù thành công vẫn chỉ là bước đầu, tối 21/12, ông M.Monti đã đệ đơn từ chức lên Tổng thống nước này Giorgio Napolitano để mở đường cho một cuộc tổng tuyển cử mới, dự kiến vào ngày 24/2/2013. Mặc dù, đã đệ đơn từ chức nhưng ông M.Monti vẫn được đề nghị tiếp tục đảm nhiệm vai trò Thủ tướng tạm quyền trong khoảng thời gian chuyển tiếp này.

Trong bài phát biểu cuối cùng của mình trên cương vị Thủ tướng, ông M.Monti nhấn mạnh khoảng thời gian nắm quyền đầy "bão tố" 13 tháng qua của ông là "khó khăn nhưng hấp dẫn", đồng thời bày tỏ hy vọng chương trình nghị sự cải cách của ông sẽ được tiếp tục bởi bất kỳ nhà lãnh đạo mới nào. Theo ông, Italia giờ đây là "đáng tin cậy hơn" trên trường quốc tế.

Sau hơn một năm tạm quyền, Thủ tướng M.Monti đã xây dựng được uy tín và ảnh hưởng trong chính giới Italia và Liên minh châu Âu. Cuộc Tổng tuyển cử sẽ được tổ chức trong 2 ngày 24 và 25/2/2013, về nguyên tắc, ông Monti không thể làm ứng cử viên Thủ tướng trong cuộc tổng tuyển cử do hồi năm ngoái ông đã được bổ nhiệm làm Thượng nghị sĩ trọn đời. Nhưng theo hệ thống bầu cử của Italia, ông Monti có thể được phe thắng cử đề nghị tham gia vào chính phủ mới, thậm chí là với cương vị Thủ tướng.

Nếu điều này xảy ra, ông M.Monti sẽ có cơ hội để “thay đổi Italia và cải cách châu Âu” như đã vạch ra trong nghị trình lãnh đạo đất nước. Ông nêu rõ “nghị trình này tập trung vào việc tránh những bước đi thụt lùi hết sức nguy hiểm” và sẽ thúc đẩy những biện pháp cải cách đã được tiến hành. Điểm chính trong nghị trình là không được cản trở những cải cách và các biện pháp thắt lưng buộc bụng vì điều đó có thể làm hủy hoại "những hy sinh" mà tất cả người dân đã chịu đựng trong năm qua. Ông Monti còn khẳng định “cuộc khủng hoảng nợ công đã được khắc phục" và bày tỏ tin tưởng "Italia có tất cả những nguồn lực cần thiết để làm được điều này bằng chính khả năng của mình và sự thực đúng là như vậy”.

Thủ tướng Đức Angela Merkel và các nhà lãnh đạo Châu Âu khác như ông Jean - Claude Juncker, người đứng đầu nhóm các bộ trưởng tài chính khu vực đồng euro, đã ca ngợi quá trình nắm quyền của ông Monti. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc, ông sẽ nhận được sự ủng hộ của Liên minh châu Âu trên cương vị điều hành đất nước hình chiếc ủng./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực