Sau Hy Lạp, Ai-len và Bồ Đào Nha, đến lượt I-ta-li-a đang có nguy cơ rơi vào tâm điểm của vòng xoáy nợ công. Cuộc khủng hoảng nợ công với nguy cơ lan tràn, đe dọa khu vực sử dụng đồng ơ-rô (Euro), gây biến động trên thị trường tài chính châu Âu (EU) những ngày gần đây đã khiến thị trường tài chính thế giới phản ứng khá tiêu cực.
Khó khăn chồng chất
Là nền kinh tế lớn thứ ba ở EU nhưng lại có mức nợ công chiếm tới 120% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), I-ta-li-a đang là tâm điểm thu hút sự quan tâm, chú ý của quốc tế ngay sau khi Standard & Poor 's và Moody's cảnh báo có thể hạ cấp xếp hạng tín nhiệm nợ. Tính đến ngày 7-7-2011, giá trị các khoản vay của I-ta-li-a trên thị trường tài chính đã tăng lên 5,27% theo trái phiếu có thời hạn 10 năm, mức độ cao nhất kể từ năm 2002.
Cũng như nhiều nước EU khác, điểm chung nhất của các nước đang phải đối mặt với nợ công hiện nay là họ đều phụ thuộc vào nguồn tài chính từ bên ngoài để giải quyết khoản nợ rất lớn trong nước. Nhưng với khoản nợ khoảng 2000 tỉ ơ-rô của I-ta-li-a hiện nay, liệu Đức hoặc IMF có khả năng cung cấp một khoản cứu trợ lớn để bảo vệ các chủ nợ của I-ta-li-a không? Một khoản cứu trợ trọn gói như vậy sẽ phải bao gồm các khoản cho vay và các khoản bảo đảm ít nhất là 500 tỉ ơ-rô, hoặc có thể là 1 nghìn tỉ ơ-rô để bơm vào các thị trường. Đây sẽ là một khoản đáng kể so với GDP khoảng 2,5 nghìn tỉ ơ-rô của Đức.
Với tỷ lệ nợ so với GDP khoảng 80%, khả năng của Đức trong việc gánh thêm khoản nợ mới là hạn chế. Hà Lan, Phần Lan và Áo, kết hợp với Đức, có tổng GDP khoảng 3,5 nghìn tỉ ơ-rô. Trong khi đó, Pháp có GDP khoảng 2 nghìn tỉ ơ-rô, nhưng nợ của nước này hiện cũng đã đứng ở mức 85% GDP và dự kiến sẽ còn tăng trong vài năm tới. Tất cả những yếu tố trên cho thấy, EU khó có thể có đủ năng lực tài chính để xử lý một cuộc khủng hoảng nợ ở I-ta-li-a.
Trước thực tế trên, tâm lý thị trường tiếp tục thể hiện sự hoài nghi, không biết đâu là giới hạn của cuộc khủng hoảng nợ công. Thị trường trái phiếu của I-ta-li-a lớn thứ ba trên thế giới, sau Mỹ và Nhật Bản. Các ngân hàng Mỹ và Đức cũng đang rơi vào tình trạng “nước sôi lửa bỏng” do các ngân hàng Mỹ đang cho I-ta-li-a vay khoảng 35 tỉ đô-la, ngân hàng Đức kiểm soát đến 116 tỉ ơ-rô món nợ của I-ta-li-a. Họ có thể sẽ phải hứng chịu rủi ro nhiều hơn nữa thông qua các thị trường phái sinh.
Bên cạnh tình trạng nợ công thì vấn đề thất nghiệp, tham nhũng cũng đang đe dọa nghiêm trọng đến sự ổn định kinh tế I-ta-li-a. Theo Cơ quan Thống kê quốc gia I-ta-li-a (ISTAT), tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên ở độ tuổi 15-24 trong ba tháng đầu năm 2011 đã lên tới 29,6%. Tỷ lệ thất nghiệp tổng thể vào tháng 5-2011 là 8,1%. Mặt khác, sự già hóa dân số, kèm theo một sự sụt giảm mạnh mẽ về sinh đẻ cũng gây khó khăn cho sự phục hồi kinh tế.
Tồi tệ hơn, sự chia rẽ giữa miền Bắc và miền Nam đất nước vẫn tiếp tục gia tăng, khủng hoảng kinh tế cũng đã “khoét sâu” thêm sự bất bình đẳng xã hội. Nạn tham nhũng cũng là nguồn gốc lớn gây ra mối lo ngại trong xã hội I-ta-li-a. Theo báo cáo mới đây của Tổ chức Minh bạch quốc tế, một tổ chức phi chính phủ được thành lập năm 1993 có 90 chi nhánh trên khắp thế giới, đưa ra bảng xếp hạng hàng năm, xếp I-ta-li-a đứng thứ 67 trên thế giới, cách xa Pháp (thứ 25) và Đức (thứ 15), đứng ở vị trí cuối cùng của châu Âu trước Bun-ga-ri, Ru-ma-ni và Hy Lạp.
Trong khi đó, giá các loại thực phẩm cơ bản cũng như những đồ dùng thiết yếu khác vẫn ngày một gia tăng. Mặc dù Chính phủ I-ta-li-a cũng đã cho ra đời Luật Bình ổn nhằm cải thiện tình trạng lạm phát nhưng cuối cùng vẫn không kiềm chế được đà tăng giá đối với các mặt hàng cơ bản.
Sự bất ổn định chính trị tại I-ta-li-a hiện nay cũng có thể làm tăng thêm nguy cơ biến động về tài chính. Ông S. Be-lu-xcô-ni (Silvio Berlusconi), Thủ tướng I-ta-li-a đang có nhiều bất đồng với Bộ trưởng Tài chính G. Tre-mon-ti (Giulio Tremonti) - người ủng hộ và áp dụng chương trình “thắt lưng buộc bụng”. Bộ trưởng Tài chính Tre-mon-ti đã thực hiện chính sách bắt buộc về ngân sách ngay từ tháng 6-2008. Bất chấp những lời than vãn, ông Tre-mon-ti đã ngừng ngay việc tăng lương và ngừng việc tuyển dụng người vào khu vực công trong thời gian 3 năm; cắt giảm 10% đối với ngân sách của tất cả các cơ quan Nhà nước. Chính sách này mặc dù đã không tạo thuận lợi cho sự khôi phục kinh tế nhưng bước đầu nó đã có tác dụng trấn an thị trường.
Khó tránh khỏi tình trạng “thắt lưng buộc bụng”
Các giải pháp hiện đưa ra, mặc dù được coi là những giải pháp mang tính tình thế nhưng rõ ràng là cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Cắt giảm chi tiêu công, “thắt lưng buộc bụng” có tác dụng tiêu cực là giảm tăng trưởng kinh tế, gia tăng thất nghiệp và lạm phát nhưng cũng như nhiều nước EU khác, hiện I-ta-li-a khó tìm ra giải pháp nào hữu hiệu hơn, để giảm nợ công.
Nằm trong những nỗ lực nhằm giành lại lòng tin của thị trường, Rôm cũng đang đẩy nhanh việc thông qua một nghị định đặt chỉ tiêu cắt giảm khoảng 35-40 tỉ ơ-rô thâm hụt ngân sách cho tài khóa năm 2013 và năm 2014. Chính phủ I-ta-li-a cũng đã công bố biện pháp tái khởi động nền kinh tế, theo đó I-ta-li-a sẽ có kế hoạch tiết kiệm 51 tỉ ơ-rô (khoảng 73 tỉ đô-la) trong vòng ba năm nhằm tiến tới cân bằng ngân sách vào năm 2014.
Kế hoạch "thắt lưng buộc bụng" của I-ta-li-a sẽ được thực hiện thông qua các biện pháp như miễn giảm thuế cho các doanh nhân trẻ, cho phép các cửa hàng, cửa hiệu kéo dài thời gian bán hàng vào cuối tuần. Dự luật ngân sách "thắt lưng buộc bụng" trên cũng sẽ được Chính phủ I-ta-li-a trình Quốc hội xem xét thông qua trước cuối tháng 7-2011. Bên cạnh các biện pháp kinh tế khắc khổ, Chính phủ I-ta-li-a cũng đã đề xuất ngừng tăng lương cho các nhân viên thuộc khu vực nhà nước trong vòng bốn năm, đưa ra các mức lệ phí về khám chữa bệnh và cắt giảm nguồn ngân sách của nhà nước cấp cho chính quyền địa phương.
Chính phủ cũng đã thực hiện việc miễn giảm thuế cho các doanh nhân trẻ mới thành lập doanh nghiệp trong 5 năm đầu tiên. Chính phủ I-ta-li-a cũng dự kiến sẽ tận dụng một trong những hoạt động kinh doanh mang lại nhiều lợi nhuận nhất, chẳng hạn như ngành du lịch, sẵn sàng miễn giảm thuế và tạo thuận lợi trong việc cho vay đối với những địa bàn thu hút nhiều du khách đến thăm quan.
Không chỉ trong nước, các chính trị gia châu Âu cũng ý thức được rằng, mới chỉ có nợ công tại Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Ai-len là những nền kinh tế tương đối nhỏ nhưng cũng đủ làm EU lung lay. Giờ đây, nếu I-ta-li-a, nền kinh tế có quy mô lớn gấp 2 lần so với 3 nền kinh tế trên cộng lại, nếu vỡ nợ chắc chắn sẽ tạo nên cơn “địa chấn” kinh tế ở châu Âu. Điều này hoàn toàn có thể xảy ra nếu EU không có các giải pháp hỗ trợ I-ta-li-a thoát cảnh nợ nần một cách hiệu quả, trong khi các nhà đầu tư tiếp tục đẩy lãi suất cho vay của I-ta-li-a lên ngưỡng bất ổn.
Ý thức được vai trò đầu tầu của mình cũng như mức độ nghiêm trọng của vấn đề, Thủ tướng Đức An-giê-la Mec-ken (Angela Markel) cũng đã điện đàm với Thủ tướng I-ta-li-a, S. Be-lu-xcô-ni yêu cầu Chính phủ I-ta-li-a gây áp lực với Quốc hội để mau chóng thông qua kế hoạch khắc khổ. Bên cạnh đó, bà An-giê-la Mec-ken cũng gây sức ép với các đối tác châu Âu khác để khẩn cấp tìm một lối thoát đưa Hy Lạp ra khỏi cuộc khủng hoảng nợ và cũng là để tránh cho cả châu Âu không bị lâm vào một cuộc khủng hoảng tài chính.
Như vậy, có thể thấy, hiện cả khu vực đồng ơ-rô đã và đang phải lao vào một cuộc chạy đua với thời gian để tìm biện pháp cứu các con nợ và cũng là để cứu chính mình. Hai ngày 11 và 12 tháng 7 vừa qua, Bộ trưởng Tài chính các nước EU đã nhóm họp tại Bruc-xen, Bỉ, nhất trí về mặt nguyên tắc, tăng mức quỹ cứu trợ khẩn cấp lên 500 tỉ ơ-rô. Về lâu dài, để giảm bớt gánh nặng từ nợ công, I-ta-li-a nói riêng, các nước khu vực đồng ơ-rô nói chung cần phải tìm mọi cách thúc đẩy kinh tế phát triển, giảm chi tiêu hành chính và hạn chế thâm hụt ngân sách./.