Kết quả chuyến thăm Mỹ của Tổng thống Phi-lip-pin A-ki-nô III

Thứ tư, 20/06/2012 17:04

(ĐCSVN) - Từ ngày 06-08.06.2012, Tổng thống Phi-líp-pin A-ki-nô III đã có chuyến công du đến Mỹ. Đây chỉ là một trong những chuyến đi liên quan đến tình hình ổn định an ninh tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, mà trong đó Mỹ đang nỗ lực tăng cường sự hiện diện.

Trong cuộc gặp giữa Tổng thống A-ki-nô và người đồng cấp Mỹ Ô-ba-ma ngày 08.06.2012, hai bên đã ra tuyên bố chung, trong đó Mỹ cam kết ủng hộ các nỗ lực của ông A-ki-nô nhằm hiện đại hóa quân đội có tiếng là lạc hậu của Phi-líp-pin và xây dựng một “khả năng quốc phòng có thể tin cậy ở mức tối thiểu” cho quốc gia Đông Nam Á này. Cả hai nhà lãnh đạo cùng kêu gọi giải pháp ngoại giao để giải quyết các tranh chấp lãnh hải trên biển Đông “mà không có sự o ép hay sử dụng vũ lực”; bày tỏ sự ủng hộ việc ASEAN nỗ lực thiết lập Bộ Quy tắc Ứng xử ở biển Đông (COC); cam kết đẩy mạnh các cuộc tập trận chung, nỗ lực hợp tác trong các lĩnh vực an ninh hàng hải, cứu trợ thảm họa, tăng cường nhận thức về lãnh hải…

Trước chuyến thăm, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Tướng Mác-tin Đem-xây đã gặp Tổng thống A-ki-nô tại Ma-li-na, bàn về việc mở rộng hợp tác với quốc gia Đông Nam Á này, vượt ra ngoài những nỗ lực gần đây nhằm vào việc đối phó với các phiến quân Hồi giáo. Tướng Đem-xây khẳng định, Oa-sinh-tơn có kế hoạch triển khai nhiều binh sỹ luân phiên tại châu Á-Thái Bình Dương thay vì các căn cứ thường trực. Theo ông Đem-xây, chiến lược này gồm ba cái hơn: Lợi ích hơn, can dự hơn và chất lượng hơn. Tuyên bố này nhằm cụ thể hóa những thông tin mà Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pa-nét-ta công bố tại Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á diễn ra ở Xin-ga-po hồi đầu tháng qua. Theo đó, đến năm 2020, Mỹ sẽ đưa 60% hạm đội tàu chiến hùng hậu của nước này đến khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Về vấn đề tranh chấp ở bãi cạn Xca-bô-rô giữa Phi-líp-pin và Trung Quốc, Ngoại trưởng Mỹ Hi-la-ry Clin-tơn khẳng định, Mỹ không đứng về phía nào trong tranh chấp này, nhưng Mỹ đặc biệt quan tâm đến bảo đảm tự do hàng hải và sự ổn định ở biển Đông. Mỹ luôn giữ nguyên tắc là phản đối bất kỳ các bên liên quan sử dụng vũ lực và o ép để khẳng định chủ quyền trên biển. Ngoại trưởng Hi-la-ry cho biết, Mỹ sẽ hỗ trợ Phi-líp-pin xây dựng và đào tạo lực lượng hoạt động tại Trung tâm giám sát bờ biển quốc gia của nước này. Hiện Mỹ có kế hoạch cung cấp cho Phi-líp-pin một tram ra-đa triển khai trên đất liền. Trạm ra-đa này sẽ tạo nên một phần của một “trung tâm giám sát” giúp theo dõi các tàu thuyền ở ngoài khơi bờ biển Phi-líp-pin. Theo giới phân tích, động thái trên phản ánh chính sách chuyển hướng chiến lược sang châu Á của Oa-sinh-tơn trong bối cảnh đang diễn ra một cuộc cạnh tranh ngày càng quyết liệt với Bắc Kinh, với trung tâm là biển Đông.

Trả lời phỏng vấn báo Wall Street Journal, Tổng thống A-ki-nô nhấn mạnh, kể cả khi Phi-líp-pin và Trung Quốc đạt được giải pháp về tranh chấp bãi cạn Xca-bô-rô thì nó cũng sẽ không giúp giải quyết các xung đột khác, bao gồm việc tiếp cận tài nguyên ở biển Đông. Theo ông A-ki-nô, các nước khác trong khu vực cần đặc biệt quan tâm đến mối quan hệ Phi-líp-pin và Trung Quốc.

Quan hệ Mỹ-Phi-líp-pin phát tiển mạnh trong thời gian “Chiến tranh lạnh”, nhưng sau đó đã bị “nguội lạnh” do xuất hiện làn sóng dân tộc chủ nghĩa ở Phi-líp-pin buộc Mỹ phải đóng cửa căn cứ quân sự tại đây vào năm 1992. Thời gian gần đây, quan hệ đồng minh chiến lược giữa hai nước nồng ấm trở lại sau khi Mỹ công bố chiến lược can dự trở lại khu vực châu Á – Thái Bình Dương./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực