Khi bác sĩ đình công

Thứ hai, 05/12/2011 14:10

Xlô-va-ki-a, quốc gia nhỏ bé thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đang lao đao khi chính phủ buộc phải ban bố tình trạng khẩn cấp y tế vì hàng nghìn bác sĩ xin thôi việc tập thể do chính phủ không thể tăng lương cho họ trong bối cảnh phải đối phó với “cơn bão” nợ công đang hoành hành ở các nước Eurozone.

Các bác sĩ Xlô-va-ki-a “quay lưng” với công việc.
Ảnh: AP


2000 bác sĩ tại 15 bệnh viện của Xlô-va-ki-a đã nộp đơn xin thôi việc để phản đối mức lương thấp, trong đó bao gồm hai bệnh viện lớn ở thủ đô Bra-ti-xla-va. Họ tuyên bố nghỉ làm từ 1-12, nếu yêu cầu tăng lương không được đáp ứng. Trong khi các bác sĩ yêu cầu mức tăng là 700 ơ-rô/tháng thì chính phủ chỉ có thể nhất trí mức tăng phù hợp là 300 ơ-rô/tháng.

Đòi tăng lương chỉ là một trong 4 yêu sách mà các bác sĩ đưa ra, bao gồm: Ngừng quá trình chuyển đổi các bệnh viện nhà nước thành các công ty cổ phần; các bệnh viện phải tuân thủ Bộ Luật lao động về giờ làm việc của bác sĩ; chính phủ gia tăng hỗ trợ cho các cơ sở y tế; lương cho các bác sĩ phải được tăng đều đặn dựa trên cơ sở các mức lương trung bình ở Xlô-va-ki-a.

Mặc dù thừa nhận mức lương cho các bác sĩ ở Xlô-va-ki-a là chưa tương xứng, nhưng Thủ tướng nước này, bà I-vê-ta Ra-đi-cô-va (Iveta Radicova) tuyên bố chính phủ không thể tăng lương theo yêu cầu của các bác sĩ do tình hình khủng hoảng nợ công nghiêm trọng đang diễn ra ở các nước Eurozone. Mức lương trung bình hằng tháng cho mỗi bác sĩ ở Xlô-va-ki-a khoảng 1500 ơ-rô. Từ khi trở thành quốc gia độc lập năm 1993, Xlô-va-ki-a đã nỗ lực cải tổ hệ thống y tế nhưng kết quả còn hạn chế, nhất là việc cải thiện thu nhập cho các nhân viên trong ngành y tế.

Xlô-va-ki-a đang phải thực hiện mục tiêu giữ ổn định nền tài chính trong khi phải đối phó với cuộc khủng hoảng nợ công của khu vực Eurozone. Xlô-va-ki-a chính là quốc gia cuối cùng trong Eurozone ngăn cản kế hoạch mở rộng quy mô Quỹ Ổn định tài chính châu Âu (EFSF) và khó khăn lắm nước này mới chấp nhận thông qua kế hoạch “cứu châu Âu” này.

Một cuộc thăm dò dư luận ở Xlô-va-ki-a cho thấy hơn một nửa dân số cho rằng, các bác sĩ nước này nên chấp nhận những đề nghị của chính phủ trong bối cảnh nền kinh tế ảm đạm. Chị Na-ta-li-a Un-ri-chô-va (Natalia Ulrichova), một nhà quản lý dự án cho rằng: “Các bác sĩ nên xem xét tình hình hiện nay của đất nước và tránh đưa ra những đòi hỏi không thực tế và không thể đáp ứng”.

Cũng như các đồng nghiệp ở nhiều nước Đông Âu, nhiều bác sĩ Xlô-va-ki-a đã rời bỏ đất nước ra nước ngoài sinh sống và làm việc để có thu nhập tốt hơn. Bà Ê-lê-na Ho-va-thô-va (Elena Horvathova), một bác sĩ 51 tuổi người Xlô-va-ki-a hiện đang làm việc tại Giê-đa của A-rập Xê-út cho biết, mức lương của các bác sĩ Xlô-va-ki-a thấp hơn nhiều so với các đồng nghiệp của họ ở các nước khác thuộc EU.

Hiện Xlô-va-ki-a có tổng cộng hơn 7000 bác sĩ làm việc ở các bệnh viện khác nhau trên cả nước. Vì vậy, việc có tới 2000 bác sĩ đình công khiến tình hình chăm sóc y tế ở các bệnh viện hết sức nghiêm trọng. Xlô-va-ki-a buộc phải đưa ra các đối sách tạm thời như đề nghị các nước láng giềng cử bác sĩ sang hỗ trợ. Bộ Y tế cũng đã thiết lập một “đường dây nóng” để các bệnh nhân gọi khi cần trợ giúp, đồng thời bố trí hơn 300 xe cứu thương và 7 máy bay trực thăng sẵn sàng chuyên chở bệnh nhân tới các bệnh viện có bác sĩ làm việc. Cùng với đó là quyết định cứng rắn ban bố lệnh tình trạng khẩn cấp có hiệu lực ngay trong ngày 30-11. Lệnh tình trạng khẩn cấp sẽ cho phép chính phủ buộc các bác sĩ phải tiếp tục làm việc hoặc sẽ phải nộp phạt, thậm chí vào tù.

Tình hình bệnh viện tại Líp-tốp-xki Mu-ku-lát hiện được đánh giá là nguy cấp nhất vì các bác sĩ đã thôi việc từ ngày 30-11 và không quay trở lại làm việc, bất chấp lệnh tình trạng khẩn cấp. Các bác sĩ từ thị trấn Giu-dom-bê-rốc gần đó đã được đề nghị tới đây làm việc, trong khi một số bệnh nhân buộc phải chuyển tới bệnh viện khác để được điều trị tiếp.

Theo Luật An ninh quốc gia của Xlô-va-ki-a, chính phủ có thể ban bố lệnh tình trạng khẩn cấp trong thời kỳ chiến tranh hoặc trong các điều kiện khác như khi tính mạng hay sức khỏe của người dân bị đe dọa. Tuy nhiên, luật quy định, lệnh tình trạng khẩn cấp không được phép kéo dài hơn 90 ngày.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực