Cuộc biểu tình lan rộng trên khắp nước Mỹ phản đối chính sách bơm tiền để cứu các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ của chính phủ Mỹ đang phơi bày những tồn tại của một siêu cường kinh tế đang ở giai đoạn chật vật để gượng dậy trong suy thoái. Không đơn thuần chỉ là sự bất mãn với chính sách tài chính của chính phủ, người biểu tình còn phẫn nộ vì nguy cơ mất việc làm ngày càng gia tăng do tác động của khủng hoảng kinh tế và khoảng cách giàu nghèo ngày càng gia tăng ở nước Mỹ.
|
Người biểu tình giả trang thành những “thây ma” trên đường phố Niu Y-oóc. Ảnh: AP |
Cũng dễ hiểu vì trong khi Mỹ có nhiều người giàu nhất thế giới thì quốc gia này cũng bị xếp vào tốp đầu những nước phát triển có nhiều người nghèo nhất. Tháng trước, Cục Điều tra dân số Mỹ cho biết, số người nghèo ở Mỹ đã tăng cao mức kỷ lục trong hơn 20 năm qua với 45,2 triệu người Mỹ thuộc diện nghèo trong năm 2010. Cuộc điều tra còn cho biết đã có nhiều người Mỹ bị “rớt” xuống mức nghèo trong bối cảnh kinh tế Mỹ khó khăn.
Những người tham gia phong trào biểu tình mang tên “Chiếm phố Uôn” khẳng định họ không phải là những kẻ vô chính phủ hay côn đồ mà họ chỉ muốn phản đối tình trạng bất bình đẳng và khoảng cách giàu nghèo gia tăng trong xã hội. Vì vậy, họ càng phẫn nộ hơn khi chính phủ lại có những hành động không phù hợp bằng việc bơm tiền cho các doanh nghiệp, trong khi chính những người dân đang phải sống chật vật trong thời buổi kinh tế khó khăn mới cần giúp đỡ. Anh Hen-ri Giêm Phơ-ri (Henry James Ferry) bất bình nói: “Thật không công bằng khi chính phủ giúp đỡ các tập đoàn lớn mà không phải là người dân”.
Những người biểu tình, phần đông là người trẻ tuổi, người thất nghiệp, cũng công kích các định chế tài chính trong việc đối phó với khủng hoảng và tỏ thái độ bất bình vì những cố gắng nhưng thiếu nhiệt tình để xử lý những hành vi sai trái. Đặc biệt là phản đối sự chi phối của vấn đề tài chính mà cụ thể là của các doanh nghiệp với chính trị. Những người biểu tình yêu sách Tổng thống Ô-ba-ma phải thành lập một ủy ban nhằm chấm dứt sự chi phối của phố Uôn tới chính trị. Họ cũng nêu ra 20 nỗi thất vọng khác nhau về tình trạng kinh tế, cuộc chiến ở Áp-ga-ni-xtan, môi trường và thực trạng nước Mỹ cũng như thế giới nói chung. Nhìn chung, chiến dịch biểu tình ở nước Mỹ so với thời gian đầu thì nay đã hướng mũi dùi tới nhiều vấn đề khác nhau, bao gồm cả việc chống toàn cầu hóa, chứ không chỉ riêng những vấn đề nổi cộm của nước Mỹ.
Mặc dù thực tế chiến dịch biểu tình khởi phát ở thành phố Niu Y-oóc đang ở tuần thứ ba và đang trên đà lan rộng ra các thành phố trên cả nước, nhưng cũng chưa ai dám chắc những cuộc biểu tình này sẽ đi tới đâu. Tuy nhiên, có thể thấy rằng với mục tiêu chưa hẳn rõ ràng của chiến dịch biểu tình đang lan rộng ở nước Mỹ và nhất là không có người lãnh đạo phong trào, cuộc biểu tình có thể chỉ là sự “bùng nổ” phản ứng tự phát của người dân Mỹ sau những bức xúc bị dồn nén bấy lâu do những khó khăn và bất bình đẳng bởi khủng hoảng kinh tế.
Anh Gia-vi-ê Rô-đri-ghết (Javier Rodriguez), 24 tuổi, cho biết mình là một người có quan điểm chống chủ nghĩa tư bản. Giơ tấm biển tại cuộc biểu tình có dòng chữ “Sụp đổ với Ngân hàng Thế giới”, Rô-đri-ghết nói: “Mọi người đều bị rơi vào nợ nần với các hóa đơn chữa bệnh, học tập hay các khoản vay ngân hàng”. Còn cô Ê-lít Uy-tếch-cơ (Elise Whitaker), 21 tuổi, một đạo diễn phim tự do nói rằng, những người biểu tình đoàn kết lại bởi khát vọng có một “nền kinh tế công bằng hơn”.
Chưa rõ, chính quyền của Tổng thống Ô-ba-ma sẽ đối phó ra sao với những thách thức do phong trào biểu tình gây ra. Hiện cảnh sát đã buộc phải ra tay bắt giữ hàng trăm người biểu tình quá khích để bảo đảm trật tự. Trước đó, khi cuộc biểu tình mới manh nha, chính quyền Ô-ba-ma đã tạm thời đối phó bằng cách đưa ra đề xuất tăng thuế đánh vào giới nhà giàu ở Mỹ nhưng dư luận cho rằng chỉ như vậy là chưa thể đủ.