(ĐCSVN) - Châu Âu đang cố níu kéo để tránh vỡ nợ cho Italia. Lý do là vì kinh tế của Italia quá lớn, đầu tư của nước ngoài vào Italia quá nhiều. Nếu Italia vỡ nợ thì hệ lụy sẽ đổ lên đầu toàn bộ Liên minh châu Âu, do nợ công Italia diễn ra đúng vào thời điểm châu Âu đang vật lộn với vấn đề tài chính Hy Lạp. Italia hiện đang gặp những khó khăn trong giải pháp khủng hoảng nợ.
Theo các nhà đầu tư quốc tế, Italia là nền kinh tế có nguy cơ bị phá sản cao, bởi lẽ:
Thứ nhất, Italia luôn bị cơ quan đánh giá tín nhiệm quốc tế Standard &Poor’s (S&P) và Moody’s hạ điểm tín nhiệm thanh tóan của Italia từ A+ xuống A vì bất ổn chính trị. Cơ chế nhà nước bị suy yếu và tham nhũng làm lũng đoạn nền kinh tế. Chỉ số lòng tin của giới kinh doanh Italia cũng giảm mạnh liên tiếp, từ 100,5 điểm (6/2011) xuống 98,5 điểm (7/2011).
Thứ hai, với tổng số nợ lên tới 1.900 tỉ euro (chiếm khoảng 120% GDP) của Italia, tương đương với ¼ nợ của tòan thể 17 nước sử dụng đồng euro cộng lại.
Thứ ba, Italia đã và vẫn luôn bị mang tiếng xấu là nhiều lần phá giá đồng tiền thậm chí từ những năm 1990. Ngân hàng Italia nổi tiếng là nơi có lãi suất cao nhất thế giới. Nhiều năm ngân sách nhà nước bị bội chi đến mức báo động.
Mối đe dọa vỡ nợ của Italia – nền kinh tế lớn hàng thứ 3 châu Âu – là một trong những mối lo hàng đầu của chính phủ Tây Âu. Tuy nhiên, giải pháp tránh lún sâu thêm vào cuộc khủng hoảng nợ với các kế hoạch giảm chi tiêu của Italia đã gặp phải sự phản kháng của Đảng Dân chủ đối lập. Theo họ, kế hoạch giảm chi tiêu chỉ nhắm vào tầng lớp trung lưu và người nghèo mà không động chạm gì tới quyền lợi của giới chính trị (trong khi mức thu nhập bình quân hàng tháng của giới chính trị là 19.000 euro). Với kế hoạch chi tiêu khắc khổ này, các hộ gia đình, giới về hưu, những người làm công luôn là những người bị thiệt thòi nhiều nhất. Trung bình thu nhập của mỗi hộ gia đình Italia sẽ bị thiệt hại khoảng 1200 euro – tương đương một tháng lương của một công nhân có chuyên môn. Nghĩa là, sẽ có 14% dân số nghèo Italia ngày càng nghèo thêm.
Về mặt kinh tế tài chính thì chính sách thắt lưng buộc bụng, chủ yếu là tăng thuế, nhất là thuế giá trị thặng dư đánh trên hàng tiêu dùng (tương đương với thuế VAT của Pháp), sẽ khiến cho đời sống của người dân Italia vốn đã khó khăn, nay lại càng thêm khắc khổ với giá cả hàng hóa gia tăng. Bên cạnh đó, người dân lại phải hứng chịu cắt giảm phúc lợi xã hội (y tế, giáo dục, giao thông, an ninh…) do chính phủ phải tìm cách giảm chi cho ngân sách nhà nước. Nguy hại hơn nữa là Italia không có một biện pháp khả dĩ nào để nâng cao phát triển kinh tế, mặc dù từ nhiều năm nay Italia là nền kinh tế trì trệ nhất châu Âu, với mức tăng trưởng hàng năm khoảng gần 1%. Do đó, cho dù ngân sách thu chi nhà nước có thể sẽ cân bằng vào năm 2013, song nền kinh tế Italia cũng sẽ kiệt quệ. Các cơ sở sản xuất sẽ đóng cửa hàng loạt. Cạnh tranh thương mại sẽ càng thêm yếu kém. Hệ lụy là thất nghiệp lại càng gia tăng. Tỷ lệ thất nghiệp của Italia hiện đã là 8,9% (8/2011), đặc biệt giới lao động trẻ, tỉ lệ thất nghiệp tăng lên tới 27%. Vì vậy, giải pháp “thắt lưng buộc bụng” của Italia chỉ thoả mãn được yêu cầu của EU và các nhà đầu tư tài chính quốc tế, nhưng Italia cũng cần phải biết dung hoà yêu cầu từ bên ngoài và quyền lợi, lợi ích của người lao động trong nước.
Italia không chỉ phải hứng chịu khủng hoảng kinh tế tài chính mà còn đang phải chứng kiến thêm khủng hoảng cơ chế nhà nước... . Khủng hoảng của giai cấp chính trị được xem là nguồn gốc cơ bản của tình hình khó khăn hiện nay ở Italia. Thêm nữa, Italia tận dụng được rất ít sự trợ giúp từ các quỹ cơ cấu của Liên minh châu Âu EU do tệ quan liêu hành chính quá mức liên quan đến việc thành lập các doanh nghiệp, nhất là ở khu vực miền Nam Italia. Từ năm 2007 đến 2013, Italia ước tính chỉ sử dụng trung bình 16,8% nguồn tài trợ từ các quỹ của EU, và tỷ lệ này ở khu vực miền Nam thậm chí còn thấp hơn..
Vấn đề nợ công của Italia cũng như của khu vực đồng eurozone đều được định giá bằng đồng euro (khu vực này hầu như không có nợ bằng ngọai tệ) và phần lớn trái phiếu chính phủ của mỗi nước thành viên thuộc về các nhà tín dụng nước ngoài (hầu hết lại là những nước thành viên eurozone). Nghĩa là, các nước thành viên eurozone đang sở hữu toàn bộ số trái phiếu nợ công của khu vực. Tuy nhiên, khu vực đồng euro không thể tiền tệ hóa số nợ công như trường hợp của Nhật Bản (nợ công Nhật Bản được quy đổi bằng đồng nội tệ - đồng yen) bởi vì, Nhật Bản có một chính phủ và một ngân hàng trung ương để phục vụ cho một lợi ích quốc gia, trong khi khu vực đồng euro bao gồm nhiều chính phủ và nhiều lợi ích quốc gia rất khác nhau. Mặc dù, ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) có khả năng chấm dứt khủng hoảng, nhưng họ không thể hành động chỉ dựa trên lợi ích của những quốc gia đang gặp khó khăn (Italia, Hy Lạp…..). Đó là lý do khiến cho giải pháp nợ công của khu vực đồng euro gặp nhiều khó khăn. Khủng hoảng nợ công châu Âu không chỉ là cuộc khủng hoảng kinh tế, mà còn là cuộc khủng hoảng chính trị bởi lẽ, để tiền tệ hóa số nợ công ở châu Âu đã gặp phải sự phản đối chính trị, tư tưởng và tâm lý không chỉ của ECB mà của cả các nước phát triển mạnh khác như: Đức, Pháp.
Các chuyên gia tài chính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng đề cập đến ba thách thức mới xuất hiện đe dọa sự ổn định tài chính toàn cầu, đặc biệt ở các nền kinh tế tăng trưởng nhanh, đó là: Thứ nhất, các số liệu tài chính tiêu cực nổi lên thời gian gần đây đã buộc các nhà đầu tư đánh giá lại sự bền vững của phục hồi kinh tế thế giới; Thứ hai, thế giới ngày càng lo ngại quyết tâm chính trị của châu Âu trong nỗ lực điều chỉnh kinh tế nhằm thúc đẩy tăng trưởng vốn đang trì trệ; Thứ ba, nguy cơ tiềm tàng về tác động của thời kỳ lãi suất thấp kéo dài, khiến giới đầu tư đánh giá thấp các hiểm họa trong quá trình tìm kiếm lợi nhuận đầu tư, làm tăng nguy cơ mất cân bằng tài chính trong nền kinh tế toàn cầu.
Để loại bỏ ba nguy cơ trên, các nhà tài chính quốc tế kêu gọi Italia và các nước nỗ lực giải quyết tận gốc các thách thức tài chính còn tồn tại. Ngoài vấn đề về mức độ bền vững tài chính, Italia cần quan tâm nhiều hơn đến sự thịnh vượng dài hạn của mình. Kinh tế Italia chỉ tăng trưởng 0,1% (quí I/2011) trong khi khu vực đồng tiền chung châu Âu euro nói chung đã tăng trưởng 0,8%. Giải pháp “thắt lưng buộc bụng” của chính phủ Itlaia có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 0,5 điểm phần trăm trong giai đoạn 2012-2013 do giải pháp này sẽ khiến cho tiêu dùng và đầu tư giảm. Thậm chí,.nếu chi phí vay mượn giảm xuống 0,4% nhưng kinh tế không thoát khỏi tình trạng tăng trưởng chậm chạp thì nợ công của Italia vẫn ở mức 123% GDP (2018) - cao hơn 2 lần mức qui định của EU.