Không chấp nhận hành động khủng bố núp bóng tôn giáo

Thứ bảy, 10/01/2015 08:47

(ĐCSVN) –  Vụ tấn công kinh hoàng vào trụ sở Tuần báo "Charlie Hebdo” giữa thủ đô Paris của Pháp đã gây rung động dư luận thế giới. Một lần nữa, chủ nghĩa khủng bố lại gây nên quan ngại trong cộng đồng quốc tế.

 

 Một nạn nhân được đưa ra khỏi tòa soạn Charlie Hebdo, 07/01/2015
(Ảnh REUTERS/Jacky Naegelen)
.

Vụ tấn công chớp nhoáng và chuyên nghiệp

Trong hai ngày qua, trên truyền thông thế giới tràn ngập thông tin về vụ tấn công kinh hoàng vào trụ sở Tuần báo "Charlie Hebdo" của Pháp do 3 tay súng thực hiện vào sáng 7/1. Vụ tấn công chớp nhoáng đã làm 12 người thiệt mạng, trong đó có Tổng biên tập của Tuần báo và 5 người khác bị trọng thương. . Đây là vụ tấn công đẫm máu nhất trong vòng bốn thập kỷ qua tại Paris.

Cảnh sát Pháp đã xác định được danh tính 3 tay súng là: Said Kouachi , 34 tuổi và em trai Cherif Kouachi, 32 tuổi - cả hai cùng mang quốc tịch Pháp; tay súng còn lại là Hamyd Mourad, 18 tuổi, quốc tịch chưa xác định.

Vào lúc 23 giờ đêm ngày 7/1, nghi can Hamyd Mourad đã ra đầu thú trước cảnh sát và hiện đang bị giam giữ chờ thẩm vấn. Cảnh sát Pháp đang lo ngại và đã phát đi thông báo, nếu chưa bị bắt giữ, nhiều khả năng, hai kẻ khủng bố nguy hiểm đang chạy trốn sẽ tiếp tục tấn công cho tới khi bị bắt hoặc bị tiêu diệt.

Mặc dù rất bàng hoàng về tính chất đẫm máu của vụ tấn công trên, dư luận Pháp và châu Âu cho rằng, một vụ tấn công như vậy ở Paris không phải là đáng ngạc nhiên, Trong suốt thời gian vừa qua, nước Pháp và một số nước châu Âu đã nâng mức độ cảnh báo nguy cơ tấn công khủng bố lên mức cao, nhất là trong dịp nghỉ lễ.

Những thông tin, hình ảnh ban đầu của vụ tấn công cho thấy, các tay súng là những kẻ chuyên nghiệp, được huấn luyện kỹ càng về kỹ năng sử dụng vũ khí nhỏ và chiến thuật nhóm nhỏ. Cuộc tấn công vào trụ sở Tuần báo "Charlie Hebdo" do một nhóm 3 tay súng thực hiện thay vì 1 tay súng đơn độc. So với những cuộc tấn công khủng bố ở Mỹ thì rõ ràng, đây là điểm khác biệt. Tại Mỹ, những kẻ có âm mưu tấn công khủng bố thường có xu hướng tự cực đoan hóa, hoạt động đơn lẻ. Do đó, những đối tượng này dễ bị phát hiện, bắt giữ và kịp thời bị vô hiệu hóa. Trái lại, ở châu Âu, những đối tượng cực đoan dễ tìm được đồng minh do những yếu tố lịch sử, địa lý...

Tuần báo "Charlie Hebdo" bị tấn công vì những bài báo gây nhiều tranh cãi liên quan đến  tôn giáo

Tuần báo "Charlie Hebdo" vốn nổi tiếng vì những bài báo gây nhiều tranh cãi liên quan đến tôn giáo, nhất là đạo Hồi và nhà tiên tri Mohammed. Văn phòng tại Paris của Tuần báo này từng bị phá hủy hoàn toàn trong cuộc tấn công bằng bom hồi tháng 11/2011 sau khi đăng tranh biếm họa Nhà tiên tri Mohammed. Bất chấp những lời đe dọa, bị tấn công và yêu cầu của chính phủ Pháp không được công bố các hình ảnh mang tính khiêu khích, Ban biên tập của "Charlie Hebdo" vẫn kiên trì chủ trương của tờ báo.

Vụ thảm sát tại toà soạn Tuần báo Charlie Hebdo không phải là cuộc tấn công đầu tiên. Trước đó, Tuần báo trào phúng Charlie Hebdo đã từng bị tấn công do nhiều phát ngôn và hành động gây tranh cãi.

Nổi tiếng ở Pháp chuyên về vẽ châm biếm các tôn giáo như: Hồi giáo, Do Thái giáo, Công giáo … , Charlie Hebdo đã trở nên quen thuộc trong dư luận Pháp với những vụ tranh cãi và bị đe dọa tấn công từ các tổ chức cực đoan. Bất chấp, tờ báo vẫn tiếp tục đường lối hoạt động của riêng mình, thậm chí có những phát ngôn cứng rắn, không lùi bước.

Những tranh cãi bắt đầu được thổi bùng từ năm 2006, khi Charlie Hebdo cho đăng lại 12 bức ảnh biếm họa nhà tiên tri Hồi giáo Mohammad. Các bức ảnh đã được một tờ báo Đan Mạch đăng từ năm 2005 và gây nhiều tranh cãi trước đó. Charlie Hebdo đã công bố một bức thư gồm chữ kí của 12 nhà báo. Trong thư, họ dõng dạc tuyên bố: “Chúng tôi, những người trí thức, những nhà báo, kêu gọi chống lại chế độ tôn giáo cực đoan, thúc đẩy tiến trình tự do và bình đẳng”.

NBC News cho biết, Charlie Hebdo một lần nữa đã châm ngòi cho cuộc xung đột với các nhóm Hồi giáo ở phương Tây. Kết quả của vụ đăng tải 12 bức ảnh là hai cộng đồng Hồi giáo ở Pháp đã khởi kiện tờ báo vào năm 2007. Tuy nhiên, vụ kiện bị tòa án bác bỏ vì cho rằng, “việc đăng tải những bức ảnh này nằm trong quyền tự do ngôn luận và không hề tấn công đạo Hồi, đó chỉ là một trào lưu”. Kể từ đó, tòa soạn đã nhận được nhiều lời đe dọa khủng bố.

Vào năm 2011, Tuần báo Charlie Hebdo đã bị ném bom xăng sau khi đăng hình biếm họa tiên tri Mohammad lên trang bìa. Các bức hình biếm họa này đã buộc Chính phủ Pháp phải tạm thời đóng cửa các đại sứ quán và trường học ở trên 20 nước theo đạo Hồi vì sợ bị trả thù.

Về việc chính phủ Pháp phải đóng cửa tạm thời đại sứ quán ở các nước Hồi giáo vì hành động của Charlie Hebdo năm 2012, đã khiến dư luận bức xúc, chỉ trích tờ báo. Tuy nhiên, Tuần báo này vẫn kiên quyết đi theo đường lối ban đầu

Cuộc tấn công xảy ra vào thời điểm vai trò của các nhóm thiểu số Hồi giáo ở Pháp đang là chủ đề được tranh luận, đặc biệt sau khi một cuốn tiểu thuyết được xuất bản mô tả về vị Tổng thống Hồi giáo cai trị nước Pháp. Nó cũng diễn ra vào thời điểm Mặt trận Dân tộc chống nhập cư đang nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ và có thể sẽ là nhân tố chính trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2017. Tình hình các cộng đồng thiểu số Hồi giáo cũng gây tranh cãi ở Đức, nơi các cuộc biểu tình phản đối Hồi giáo đã diễn ra trong những tháng gần đây. Trong khi đó tại Hà Lan, Đảng Tự do cực hữu đã đề nghị thông qua Luật thắt chặt nhập cư.

Phản ứng của dư luận

Trong bài phát biểu qua truyền hình gửi toàn thể người dân Pháp tối ngày 7/1, Tổng thống Francois Hollande tuyên bố quốc tang 3 ngày để tưởng nhớ các nạn nhân trong vụ xả súng. Đây là lần thứ 5 trong vòng 50 năm qua, nước Pháp để quốc tang. Ông cũng kêu gọi người dân Pháp hãy đoàn kết, bởi đó là vũ khí mạnh nhất của nước Pháp để bảo vệ nền tự do, chống lại các hành động dã man.

Vào chiều tối ngày 7/1, tại Paris và khoảng 15 thành phố trên toàn nước Pháp, hàng trăm nghìn người thông qua các mạng xã hội, đã tập hợp để bày tỏ tình đoàn kết với các phóng viên của tòa soạn Tuần báo Charlie Hebdo, đồng thời lên án mạnh mẽ hành động giết người man rợ của những kẻ tấn công. Nhiều tờ báo lớn ở Pháp ra sáng ngày 8/1 đã đồng loạt đổi màu măng-séc truyền thống và thay vào đó là măng-séc màu đen như là một cách thể hiện tình đoàn kết với tờ Tuần báo Charlie Hebdo.

Ngày 7/1, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã “cực lực lên án hành vi khủng bố không thể dung thứ nhằm vào các nhà báo...".

Liên minh châu Âu đã bày tỏ tình đoàn kết với Pháp và cam kết tiếp tục cuộc chiến chống khủng bố. Chủ tịch Hội đồng Liên minh châu Âu Donald Tusk khẳng định, cuộc chiến chống mọi hình thức khủng bố cần phải được đẩy mạnh.

Lãnh đạo các nước trên thế giới cũng đã ngay lập tức lên án vụ tấn công. Tổng thống Mỹ Barack Obama gọi đây là một vụ tấn công khủng bố nhằm vào nước đồng minh Pháp, đồng thời tuyên bố, Washington sẽ cung cấp mọi sự hỗ trợ cần thiết để "giúp đưa các phần tử khủng bố ra trước pháp luật". Tuyên bố của Nhà Trắng khẳng định, Mỹ lên án với "hình thức quyết liệt nhất" vụ tấn công.

Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO) Jens Stoltenberg tuyên bố, vụ xả súng tại tòa báo Paris không chỉ là hành động tấn công vào người dân, mà còn tấn công vào tự do báo chí và ngôn luận.

Người đứng đầu chính phủ Anh David Cameron cũng như Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker đã gọi vụ tấn công là "man rợ", là thách thức đối với toàn thể loài người nói chung và người dân châu Âu nói riêng. Thủ tướng Cameron khẳng định, Anh sẽ chung sức cùng các đồng minh trong cuộc chiến chống lại "mọi hình thức khủng bố".

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bày tỏ sự chia buồn với gia đình các nạn nhân và cực lực lên án chủ nghĩa khủng bố "ở mọi hình thức".

Liên đoàn Arab cùng lãnh đạo nhiều nước đều bày tỏ chia buồn sâu sắc và lên án mạnh mẽ vụ tấn công khủng bố tại Paris.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cũng lên án vụ tấn công khủng bố trên và coi đây là hành động “đáng bị chỉ trích và hèn hạ”; nhấn mạnh, New Delhi sẽ đoàn kết với người dân Pháp.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho biết, Trung Quốc mạnh mẽ lên án vụ tấn công khủng bố ở Pháp; khẳng định Bắc Kinh phản đối tất cả các hình thức khủng bố và ủng hộ nỗ lực của Pháp trong việc bảo vệ an ninh quốc gia.

Trả lời phỏng vấn của phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Paris, bà  Nathalie Lacube - Phó trưởng Ban Quốc tế của báo La Croix cho rằng, đây là "cuộc chiến không bình đẳng giữa những người cầm bút và những kẻ được trang bị súng ống"; đồng thời khẳng định: "Người dân Pháp không hề hoảng sợ trước các hành vi dã man, tàn bạo đó. Trái lại, họ đang đoàn kết, tập hợp trong một mặt trận chung, xiết chặt hàng ngũ để tiếp tục cuộc chiến chống khủng bố".

Bà Lacube cũng chia sẻ quan điểm của nhiều lãnh đạo Pháp rằng, không nên nhầm lẫn giữa chủ nghĩa Hồi giáo và các hành động khủng bố. Cần phân biệt những kẻ cực đoan và những người thực hành tôn giáo đạo Hồi một cách bình thường.

Và thế giới văn minh không thể chấp nhận bất kỳ hành động khủng bố nào núp bóng tôn giáo./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực