Không trọn vẹn

Thứ tư, 31/10/2012 10:49

Hơn một tỷ tín đồ Hồi giáo trên khắp thế giới vừa khép lại lễ Hiến sinh (Eid al-Adha), một trong những lễ tôn giáo quan trọng nhất của đạo Hồi. Nhưng, lệnh ngừng bắn đổ vỡ ở Xy-ri, bạo lực nghiêm trọng ở I-rắc, Ni-giê-ri-a... cướp đi sinh mạng của nhiều người đã khiến lễ hội của hòa bình, tình yêu và lòng bác ái không trọn vẹn.

Lệnh ngừng bắn dịp lễ Hiến sinh do đặc phái viên chung của LHQ và Liên đoàn A-rập (AL) L.Bra-hi-mi nỗ lực dàn xếp được cả Chính phủ Xy-ri và lực lượng đối lập chấp thuận. Nhưng hy vọng hòa bình mong manh ấy đã bị dập tắt khi vừa nhen nhóm: Bạo lực và giao tranh vẫn xảy ra ngay ngày đầu ngừng bắn và leo thang nguy hiểm trong suốt dịp lễ quan trọng của người Hồi giáo.

Các tay súng nổi dậy liên tiếp tiến công các khu vực do Chính phủ kiểm soát. Lực lượng không quân của Chính phủ bắn tên lửa và ném bom các thành trì của phe nổi dậy. Các vụ đánh bom đẫm máu, các cuộc không kích và giao tranh ác liệt hầu như không ngừng nghỉ trong suốt thời gian hiệu lực của lệnh ngừng bắn. Cả Chính phủ lẫn phe đối lập cáo buộc lẫn nhau vi phạm nghiêm trọng lệnh ngừng bắn. Thỏa thuận ngừng giao tranh đạt được nhờ nỗ lực không mệt mỏi của đặc phái viên Bra-hi-mi cuối cùng cũng chịu chung số phận với những lệnh ngừng bắn trước đây ở Xy-ri. Theo Tổ chức giám sát nhân quyền Xy-ri (SOHR), có hơn 400 người chết và hàng trăm người bị thương trong các vụ bạo lực và giao tranh dịp lễ Hiến sinh ở Xy-ri. Nếu được kiểm chứng, đây sẽ là con số thật sự "đáng báo động" đối với tất cả các bên xung đột ở Xy-ri.

Thực tế, ngay khi thỏa thuận ngừng bắn được công bố, không khó để thấy rõ tính chất mong manh của nó, bởi nhiều nhóm vũ trang chống đối không tham gia, trong khi Chính quyền Ða-mát kiên quyết bảo lưu quyền "trả đũa" các hành động vi phạm ngừng bắn. Vì thế, dù đặt mục tiêu "khiêm tốn" chỉ là các bên ngừng tiếng súng trong bốn ngày (từ ngày 26 đến 29-10), nhưng thỏa thuận vẫn thất bại. Ðiều này càng cho thấy sự bế tắc trong cuộc nội chiến hiện nay ở Xy-ri, đe dọa lôi kéo các quốc gia láng giềng như Thổ Nhĩ Kỳ, Li-băng, I-rắc, Gioóc-đa-ni vào cuộc xung đột phạm vi khu vực.

Trong khi đó, tại quốc gia láng giềng I-rắc, nơi cũng có đông người Hồi giáo sinh sống và là "điểm nóng" ở Trung Ðông nhiều năm qua, các vụ tiến công khủng bố và đánh bom trong dịp lễ Hiến sinh cũng làm hơn 100 người chết và bị thương. Tại Ni-giê-ri-a, vụ đánh bom đẫm máu nhằm vào một nhà thờ Cơ đốc giáo đã gây ra hàng loạt vụ trả đũa lẫn nhau giữa hai cộng đồng Cơ đốc và Hồi giáo, khiến hơn 150 người chết và bị thương. Bạo lực cũng xảy ra ở nhiều nước Hồi giáo trong dịp lễ trọng này.

Trong bối cảnh bạo lực không có dấu hiệu ngưng tại Xy-ri, nhiều chuyên gia không tỏ ra ngạc nhiên, bởi một thỏa thuận sơ lược chỉ ký giữa các bên xung đột, trong khi không có cơ chế giám sát và bảo đảm thực thi thỏa thuận, sẽ không đủ cơ sở thuyết phục các bên tham chiến tuân thủ. Và thất bại của thỏa thuận ngừng bắn ở Xy-ri cũng cho thấy những nỗ lực của cộng đồng quốc tế tìm kiếm giải pháp cân bằng nhằm chấm dứt tình trạng đổ máu kéo dài 19 tháng qua tại Xy-ri vẫn chưa đủ sức thuyết phục.

Tổng Thư ký LHQ Ban Ki Mun bày tỏ "thất vọng sâu sắc" trước sự đổ vỡ thỏa thuận ngừng bắn ở Xy-ri. Ông khẳng định, cuộc khủng hoảng này không thể giải quyết bằng vũ khí và sự đổ máu thêm nữa. Người đứng đầu LHQ kêu gọi các bên ở Xy-ri ngừng giao tranh ngay lập tức; các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế ủng hộ sứ mệnh của đặc phái viên Bra-hi-mi hướng tới một "lộ trình chính trị" cho Xy-ri. Ðặc phái viên Bra-hi-mi dù thất vọng trước sự "thất hứa" của các bên ở Xy-ri, nhưng khẳng định tiếp tục theo đuổi các nỗ lực kiến tạo hòa bình cho quốc gia Trung Ðông. Ông kêu gọi người Xy-ri đàm phán và giải quyết các vấn đề của họ và cộng đồng quốc tế không lơ là các nỗ lực hỗ trợ người dân Xy-ri trong tiến trình này.

Trong dịp lễ Hiến sinh, người Hồi giáo diện những trang phục đẹp nhất để tham gia các hoạt động cầu nguyện cho tình yêu, lòng bác ái, sự vị tha và hơn hết là hòa bình. Thế nhưng, những gì đang diễn ra ở Xy-ri và nhiều quốc gia khu vực đã khiến lễ hội quan trọng này của người Hồi giáo không còn trọn vẹn ý nghĩa./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực