Khu vực vùng Vịnh và an ninh năng lượng của Trung Quốc
Thứ năm, 09/02/2012 22:16 (GMT+7)
(ĐCSVN) - Dư luận quốc tế nhận định, chuyến thăm Ả-rập Xê út, Ca-ta và các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất của Thủ tướng Trung Quốc Ôn gia Bảo vừa qua là một phần trong nỗ lực của Bắc Kinh nhằm tăng cường hợp tác với các nước vùng Vịnh sản xuất dầu mỏ để đảm bảo an ninh năng lượng và mở rộng ảnh hưởng kinh tế tại khu vực này.
Đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của các nhà lãnh đạo Trung Quốc trong năm 2012, trong đó chủ yếu tập trung vào các vấn đề đầu tư, thương mại và an ninh năng lượng của Trung Quốc. Điều này phản ánh tầm quan trọng chiến lược của vùng Vịnh đối với vấn đề năng lượng của Trung Quốc. Trung Quốc tiếp nhận gần một nửa lượng dầu nhập khẩu từ khu vực vùng Vịnh. Dù sự bất ổn chính trị có thể làm tăng chi phí nhập khẩu, nhưng một sự gián đoạn lớn hơn trong nguồn cung dầu từ khu vực này sẽ có tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế Trung Quốc. Như một phần trong nỗ lực đa dạng hoá và bảo đảm nguồn cung năng lượng, đặc biệt là do những căng thẳng liên quan đến I-ran và Eo biển Hoóc-mút, Trung Quốc quyết định thúc đẩy các mối quan hệ kinh tế với các quốc gia vùng Vịnh thông qua các khoản đầu tư vào năng lượng và các loại hình cơ sở hạ tầng khác.
Trung Quốc đang tìm mọi cách để tăng cường quan hệ kinh tế với các quốc gia vùng Vịnh nhằm mở rộng cơ hội đầu tư tại khu vực không chỉ trong lĩnh vực dầu mỏ và khí đốt mà cả trong lĩnh vực đường sắt, cảng và các cơ sở hạ tầng khác.
Một trong những dự án quan trọng của Trung Quốc tại khu vực là đường ống dẫn dầu A-bu Đa-bi, qua đó cho phép các tàu chở dầu có thể nhận hàng phía bên ngoài Eo biển Hoóc-mút. Các khoản đầu tư vào Trung Á và hợp tác với Nga của Trung Quốc cũng tạo thêm các tuyến đường cho dầu mỏ và khí đốt nhập khẩu. Đây là những nỗ lực nhằm hạn chế tính dễ bị tổn thương của Trung Quốc trước một nguy cơ xảy ra khủng hoảng tại một điểm nào đó. Bất kỳ một sự bất ổn nào của khu vực vùng Vịnh cũng có những ảnh hưởng tiềm tàng đến nguồn cung dầu của Trung Quốc, nhưng I-ran còn mang thêm rủi ro chính trị. Trước đây, khi Mỹ gây sức ép đòi gia tăng các biện pháp trừng phạt đối với I-ran, Trung Quốc có thể tạm thời giảm lượng dầu nhập khẩu từ I-ran, nhưng chỉ 1-2 tháng sau đó tăng trở lại. Điều này giúp Trung Quốc làm dịu sức ép trực tiếp từ Mỹ đối với Trung Quốc và đợi cho môi trường chính trị hạ nhiệt trước khi đưa dòng dầu nhập khẩu của mình về mức bình thường. Trung Quốc nhận thức rõ áp lực đang tăng lên đối với I-ran là những động thái của châu Âu có thể mở rộng các biện pháp trừng phạt đối với I-ran nên đã yêu cầu I-ran hạ giá và kéo dài thời gian thanh toán. Do là khách hàng lớn nhất của I-ran nên Trung Quốc có ảnh hưởng tương đối lớn đối với Tê-hê-ran. Tuy nhiên, dầu của I-ran chiếm tới 10% dầu nhập khẩu của Trung Quốc nên Tê-hê-ran có thể từ chối việc điều chỉnh các điều khoản thanh toán.
Trong ngắn hạn, Trung Quốc đang bù đắp việc dầu mỏ từ I-ran giảm đi bằng đặt hàng thêm từ I-rắc, Nga và Tây Phi. Mặc dù khó có thể thay thế được nguồn cung dầu mỏ từ I-ran, Trung Quốc đã tập trung hơn vào tìm kiếm các nguồn bổ sung để đáp ứng nhu cầu đang tăng lên của mình. Các quốc gia vùng Vịnh là một thành phần quan trọng trong nỗ lực này, dù nguồn cung từ Trung Á và châu Phi đã tăng lên.