Các chuyên gia nghiên cứu chính trị nhận định rằng, Mỹ không dễ dàng từ bỏ mối quan hệ với Pakistan và ngược lại Pakistan vẫn cần Mỹ.
Pakistan ra tuyên bố sẽ không tham dự vào Hội nghị Quốc tế về tương lai của Afghanistan do Mỹ chủ trì tại thành phố Bonn (Đức) vào đầu tháng 12 tới. Quyết định này như là một đòn giáng vào Hội nghị. Nó cũng chứng tỏ mối quan hệ giữa Mỹ và Pakistan đã giảm xuống mức thấp chưa từng có kể từ vụ máy bay của NATO tấn công vào biên giới Pakistan khiến 24 binh sỹ nước này thiệt mạng. Tuy nhiên, vì lợi ích của hai nước, Mỹ và Pakistan không thể không cần đến sự hợp tác của nhau trong tương lai.
|
Người dân Pakistan biểu tình phản đối NATO tại thành phố Lahore hôm 26/11 |
Vụ tấn công của NATO vào hai chốt quân sự của Pakistan tại khu vực biên giới với Afghanistan diễn ra đúng vào thời điểm nóng bỏng trong quan hệ giữa Mỹ và Pakistan. Hai nước trong thời gian gần đây luôn trong cảnh “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”. Các nhà phân tích cho rằng, hai nước ngày càng mất niềm tin với nhau sau một loạt các vụ việc nghiêm trọng xảy ra.
Hồi tháng 5 vừa qua, lực lượng đặc nhiệm của Mỹ tiến hành tấn công tiêu diệt trùm khủng bố Osama Bin Laden ngay trên lãnh thổ của Pakistan mà không thông báo gì cho nước này. Vụ tấn công của NATO hôm 26/11 vừa qua làm 24 binh sỹ Pakistan thiệt mạng như đổ thêm dầu vào lửa và khiến quan hệ “đồng minh chống khủng bố” Mỹ - Pakistan ngày càng rạn nứt.
Làn sóng giận dữ đang bùng phát tại Pakistan. Chính phủ nước này hiện phải đối mặt với những chỉ trích cho rằng, Islamabas không kiên quyết trong việc bảo vệ chủ quyền ngay trên lãnh thổ của mình, nhu nhược và nhượng bộ với Mỹ cũng như NATO, phó mặc cho người dân phải gánh chịu hậu quả.
Các phe phái chính trị đối lập ở Pakistan đã kêu gọi hàng chục nghìn người xuống đường biểu tình lên án chính quyền Mỹ trong những ngày qua. Ngoại trưởng Pakistan Hina Rabbani nói rằng, vụ không kích của NATO vào lãnh thổ nước này “làm tiêu tan những nỗ lực cải thiện quan hệ giữa hai nước”.
Ngay sau vụ không kích, các quan chức cấp cao của Mỹ đã gọi điện gửi lời chia buồn và cam kết sẽ tiến hành các cuộc điều tra về vụ việc này. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Tonner nói rằng, chính quyền Mỹ lo ngại về những ảnh hưởng của cuộc tấn công, nhưng cũng khẳng định rằng, sau mỗi lần thử thách thì quan hệ hai nước vẫn tiếp tục phát triển vì đây là mối quan hệ đặc biệt.
Căng thẳng đã được đẩy lên đến đỉnh điểm khi Pakistan quyết định tạm phong tỏa đường tiếp tế, cung cấp nhu yếu phẩm cho 130.000 quân Mỹ và đồng minh ở Afghanistan, đồng thời tuyên bố xem xét lại tất cả các thỏa thuận hợp tác với Mỹ và NATO tại Afghanistan trên các lĩnh vực ngoại giao, chính trị, quân sự.
Đặc biệt, Pakistan đã ra thời hạn 15 ngày để các lực lượng Mỹ phải rút khỏi căn cứ không quân Shamsi - vốn được sử dụng để triển khai cuộc chiến tại Afghanistan sau sự kiện 11/9. Căn cứ này được Mỹ dùng cho các loại máy bay không người lái - phương tiện quan trọng nhất giúp quân đội Mỹ truy tìm và tiêu diệt các phần tử thuộc mạng lưới khủng bố thân al-Qaeda và Taliban tại các vùng biên giới giữa Pakistan - Afghanistan.
Việc Pakistan không đồng ý cho Mỹ sử dụng căn cứ này và từ chối hợp tác với Mỹ đồng nghĩa với việc cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ tại Afghanistan khó mà thành công, nếu không muốn nói là sẽ thất bại.
Ngày 29/11, trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình CNN của Mỹ, Thủ tướng Parkistan Raza Gilani nói rằng, quan hệ giữa Mỹ và Pakistan không còn bình thường như trước nữa. Phản ứng về tuyên bố này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Tonner khẳng định, Mỹ không dễ gì chấm dứt mối quan hệ đồng minh đó. “Tôi cho rằng, quan hệ giữa hai nước là đặc biệt quan trọng và Mỹ cũng như Pakistan cần phải làm nhiều hơn nữa để cho mối quan hệ đó tốt đẹp hơn”, ông Mark Tonner nói.
Cho đến nay, Mỹ đã đổ nhiều công sức để tổ chức Hội nghị Quốc tế về tương lai của Afghanistan ở Đức vào đầu tháng 12 tới, với hy vọng sự tham gia của Pakistan sẽ đóng vai trò giúp thúc đẩy đàm phán hòa bình giữa chính phủ Afghanistan với phiến quân Taliban để sớm kết thúc cuộc chiến ở đất nước Nam Á này. Chính vì vậy, quyết định không tham gia Hội nghị của Pakistan như là một đòn giáng mạnh đối với Hội nghị và đẩy quan hệ hai nước đi xa nhau hơn.
Tuy vậy, các chuyên gia nghiên cứu chính trị cũng nhận định rằng, Mỹ không dễ dàng từ bỏ mối quan hệ với Pakistan và ngược lại, đặc biệt khi mà chính quyền Washington rót hàng tỷ USD vào lĩnh vực quốc phòng và kinh tế của Pakistan. Có chăng, vụ không kích vừa rồi và những phản ứng sau đó của Pakistan một lần nữa chứng tỏ sự mất niềm tin giữa Islamabas và Washington. Trên thực tế, mối quan hệ giữa Mỹ và Pakistan không đơn thuần là mối quan hệ thông thường và hữu nghị, mà nó được xây dựng dựa trên lợi ích quốc gia của mỗi nước./.