Khủng hoảng ngân hàng: Nỗi lo từ châu Âu?

Thứ bảy, 08/10/2016 10:13
(ĐCSVN) - Giới nghiên cứu tài chính quốc tế và dư luận lại đang lo ngại về một cơn bão tài chính toàn cầu mới đang nhen nhóm ở châu Âu. Bằng chứng là một số ngân hàng lớn ở châu Âu như Deutsche Bank (Đức) gặp sự cố. Trước đó là ngân hàng UniCredit (Italia), ngân hàng ING Groep NV (Hà Lan) cũng rơi vào tình trạng nguy kịch.

Không chỉ Deutsche Bank, Commerzbank cũng đang lâm vào tình cảnh khó khăn.

Từ nguy cơ mất thanh khoản…

Deutsche Bank thuộc diện ngân hàng lớn nhất nước Đức đang được cho là tiệm cận tình trạng nguy hiểm, do kết quả kinh doanh sụt giảm mạnh; Giá cổ phiếu đang ở mức thấp nhất trong vòng 20 năm qua. Giá trị vốn hóa bị đánh giá chỉ còn gần 20 tỷ USD và phải đối mặt với khoản tiền phạt lên tới 14 tỷ USD mà Bộ Tư pháp Mỹ sắp công bố chính thức.

Với vị thế là ngân hàng lớn nhất của một quốc gia đầu tàu châu Âu gặp vấn đề, đang khiến cả thế giới phải ngỡ ngàng. Với tổng tài sản trên sổ sách được định giá lên tới 1.800 tỷ euro (2.000 tỷ USD), bằng 50% quy mô của nền kinh tế Đức, và giờ đây, Deutsche Bank lại đang đứng đầu danh sách các ngân hàng ở châu Âu có nguy cơ sụp đổ.

Deutsche Bank đã mất 50% giá trị vốn hóa chỉ trong giai đoạn từ đầu năm đến nay. Cổ phiếu của Deutsche Bank đã giảm tổng cộng 45%, lợi nhuận trong quý II/2016 giảm tới 98%. IMF hồi tháng 6 đã đưa Deutsche Bank vào diện những ngân hàng có nguy cơ lớn nhất trong nền kinh tế thế giới.  Sự kiện mới nhất đang đẩy ngân hàng này xuống cấp độ nguy hiểm.

Trong vòng 7 tháng đầu năm 2016, giá cổ phiếu của các ngân hàng lớn nhất châu Âu đã sụt giảm tới 20%, lợi nhuận sụt giảm, nợ xấu tăng cao chóng mặt. Các ngân hàng Italia đang gánh số nợ xấu lên tới 198 tỷ euro và nếu cộng cả nợ khó đòi thì có thể gần đạt mức 360 tỷ euro (20% GDP của Italia), chiếm 30% tổng nợ xấu của các ngân hàng EU.

UniCredit - ngân hàng lớn nhất Italia, có giá trị vốn hóa hiện chỉ còn khoảng 12 tỷ euro, trong khi nợ xấu lên tới con số 51 tỷ euro. Từ đầu năm đến nay, chỉ số Bloomberg Europe Banks and Financial Services Index, một thước đo giá 38 cổ phiếu ngành tài chính-ngân hàng châu Âu đã giảm 24%. Chỉ số KBW Index về giá cổ phiếu của 24 ngân hàng Mỹ giảm 4,6%. Trong đó, cổ phiếu Wells Fargo giảm 18%.

Đến sa thải nhân viên…

Trước nguy cơ sụp đổ các ngân hàng lớn đã đồng loạt công bố cắt giảm hàng ngàn nhân viên. Commerzbank (CRZBF), ngân hàng lớn thứ 2 ở Đức cho biết họ đã có kế hoạch cắt giảm 7.300 nhân viên, nhằm giảm chi phí hoạt động và thực hành tái cấu trúc với chi phí khoảng 1,1 tỷ euro (1,2 tỷ USD).

Giới chức Commerzbank cho biết, tình hình tài chính của họ chịu ảnh hưởng nặng nề từ các khoản nợ xấu của ngành vận tải biển. Trong những năm gần đây, các ngân hàng Đức rót vốn rất nhiều vào lĩnh vực này nhưng ngành vận tải biển thế giới lại gặp khó khăn do nhu cầu giảm, dư thừa tàu và thương mại toàn cầu giảm sút.

Ngày 3/10, ngân hàng Deutsche Bank cũng công bố kế hoạch cắt giảm nhân sự. Theo đó, ngân hàng này sẽ sa thải khoảng 1.000 nhân viên ở thị trường nội địa. Kế hoạch này chỉ còn đợi chữ ký của Hội đồng lao động là có thể thực hiện. Trước đó, hồi tháng 6, ngân hàng này cũng đã thỏa thuận với Hội đồng lao động về việc sa thải 3.000 nhân viên chính thức.

Ngay sau khi công bố cắt giảm nhân sự (27/9), cổ phiếu Deutsche Bank (DB) xuống thấp nhất trong hơn 20 năm, do thông tin họ có thể cần đến cứu trợ từ Chính phủ hoặc tiền mặt từ nhà đầu tư. Hồi cuối năm 2015, Deutsche Bank cũng khiến thị trường thế giới bị “sốc” khi cắt giảm tới 35.000 nhân sự trên toàn cầu và rút vốn ra khỏi 10 quốc gia.

Theo chuyên gia Daniel Regli, nhà phân tích tại MainFirst cho biết: “Deutsche Bank đang đối mặt với hai thách thức: (1) Ngân hàng phải tăng tỷ lệ vốn, thay đổi mô hình kinh doanh, cải thiện khả năng sinh lời; (2) Và đây là cách cần thiết để cắt giảm chi phí”.

Ngân hàng ING Groep NV (Hà Lan) mới đây cũng tuyên bố sẽ cắt giảm 5.800 người lao động, tương đương 11% tổng số nhân sự trong toàn hệ thống ING Groep NV nhằm tiết kiệm khoảng 900 triệu euro (1 tỷ USD). Theo kế hoạch, trong tổng số 5.800 người mất việc, 2.300 lao động bị sa thải ở Hà Lan, 3.500 người mất việc ở Bỉ. Số tiền tiết kiệm được (800 triệu Euro) sẽ đầu tư vào công nghệ số.

Cryan, một nhà đầu tư nhận định, 2016 sẽ là năm “đạt đỉnh” của hoạt động tái cấu trúc ngân hàng. Kết quả là các nhà băng sẽ thất bại trong cuộc tìm kiếm lợi nhuận. Đây là điều đã xảy ra trong năm 2008. Với nhiều ngân hàng, lợi nhuận thậm chí còn bị “xóa sổ” vì chi phí bị đội lên quá cao.

Và kịch bản không mong muốn có thể xảy ra…

Theo giới phân tích, sự sụp đổ của Deutsche Bank nếu xảy ra có thể được xem như sự sụp đổ của ngân hàng Lehman Brothers ở Mỹ, nơi khơi mào cho cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu năm 2008. Cách đây 8 năm, người Mỹ đã mở màn cho nền kinh tế thế giới lâm vào khủng hoảng, và giờ đây, liệu có phải đã đến lượt người Đức?

Có chuyên gia còn cho rằng, giờ đây sự sụp đổ của Deutsche Bank nếu xảy ra sẽ có tác động còn lớn hơn những gì mà sự sụp đổ của ngân hàng Lehman Brothers gây ra cách đây 8 năm. Vì tầm ảnh hưởng của Deutsche Bank tới kinh tế châu Âu lớn hơn nhiều so với của Lehman Brothers với kinh tế Mỹ vào thời đó.

Deutsche Bank vừa là ngân hàng lớn nhất nước Đức đồng thời cũng là một trong những ngân hàng chủ chốt của EU, Deutsche Bank được đánh giá là có nhiều lợi thế và giải pháp hơn Lehman Brothers để giải nguy, bởi 2 lý do:

Một là, Các bảng cân đối tài chính của Deutsche Bank hiện nay không quá nguy ngập như Lehman Brothers. Các nguồn tài trợ cũng nhiều và đa dạng hơn, đảm bảo khả năng huy động tài chính trong trường hợp khẩn cấp lớn hơn;

Hai là, Deutsche Bank có một lợi thế rất lớn là quyền truy cập vào tài khoản cứu trợ khẩn cấp của ECB trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, và đây là điều mà Lehman Brothers đã không có vào hồi tháng 9/2008.

Ngoài ra, Deutsche Bank còn có lá chắn cuối cùng là sự hỗ trợ và giải nguy của chính phủ Đức. Dù cho Bộ trưởng Tài chính Đức và một số nghị sĩ nước này đã tuyên bố sẽ không xem xét việc chấp nhận một gói cứu trợ cho Deutsche Bank ở thời điểm hiện tại, nhưng tuyên bố đó chỉ như một thông điệp nhằm trấn an dư luận. Nếu để Deutsche Bank sụp đổ cũng đồng nghĩa với một thảm họa cho cả kinh tế Đức và EU nói chung, nên cả Berlin và Brussel đều không thể làm ngơ.

Như vậy, 8 năm sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, ngành ngân hàng thế giới vẫn chưa tìm ra con đường phát triển bền vững. Giải pháp siết chặt hoạt động của các ngân hàng có vẻ không dễ dàng. Để có lợi nhuận cao hơn, các ngân hàng vẫn xoay đủ cách để tìm kiếm trong bối cảnh khối lượng giao dịch suy giảm và các quy định về vốn bị thắt chặt. Vì thế, những nỗi lo của giới nghiên cứu và dư luận là có cơ sở./.

Nguyễn Nhâm
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực