(ĐCSVN) - Cuộc khủng hoảng nợ công ở khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đang có nguy cơ lan rộng. Sau Hy Lạp, Ireland, nguy cơ này đang rình rập Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha. Ireland có thể trở thành quân bài domino đầu tiên đổ sụp trong phản ứng dây chuyền có tên gọi Euromino.
Tối 24-11, Thủ tướng Ireland B. Cowen đã chính thức công bố kế hoạch ngân sách khắc khổ nhằm ngăn chặn nguy cơ cuộc khủng hoảng nợ công có thể đẩy nền kinh tế đến bờ vực sụp đổ. "Kế hoạch khôi phục quốc gia" là tên gọi kế hoạch ngân sách khắc khổ này được kỳ vọng sẽ cắt giảm tổng cộng 15 tỷ euro trong bốn năm tới, riêng năm tài chính tới là sáu tỷ euro. Đây là điều kiện cần thiết để Ireland được Liên minh châu Âu (Liên minh châu Âu) và Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) cứu trợ.
Kế hoạch khắc khổ gồm tăng thuế thu nhập và thuế giá trị gia tăng, cắt mạnh chi tiêu phúc lợi xã hội, giảm mức lương tối thiểu ít nhất 10%. Theo kế hoạch, các khoản cắt giảm sẽ tiết kiệm được mười tỷ euro và khoản tăng thuế sẽ thu được năm tỷ euro.
Nhiều người Ireland đã lên tiếng chỉ trích rằng, giới lao động và người nghèo phải gánh chịu những sai lầm và yếu kém của Chính phủ. Một số nhà phân tích cảnh báo, sau khi kế hoạch cắt giảm ngân sách bắt đầu tác động vào nền kinh tế, có thể sẽ diễn ra một làn sóng phá sản ngân hàng và doanh nghiệp thứ hai ở quốc đảo này.
Sau khi có tin Ireland sẽ phải chấp nhận khoản cứu trợ lên tới 85 tỷ euro từ Liên minh châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế để vực dậy các ngân hàng trong nước, một số chuyên gia cho rằng Chính phủ nước này đã che đậy và giảm thiểu hóa quy mô thực sự của "thảm họa tài chính" mà Dublin đang phải gánh chịu.
Theo tính toán của các chuyên gia tài chính, Ireland thực chất phải cần tới gói cứu trợ lên tới 130 tỷ euro mới có thể khắc phục tình hình tài chính công và hệ thống ngân hàng yếu ớt của mình.
Trong khi đó, tình hình tài chính tại Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha cũng đang tiến tới ngưỡng "nguy hiểm” đã làm dấy lên không khí lo âu, phản đối chính sách “thắt lưng buộc bụng” mà chính phủ các nước này dự định sẽ áp dụng. Người lao động đã bắt đầu tiến hành hàng loạt các cuộc tổng đình công.
Nhiều nhà phân tích hoài nghi về triển vọng kinh tế châu Âu, khi họ cho rằng gói cứu trợ của Liên minh châu Âu và Quỹ Tiền tệ quốc tế là chưa đủ lớn để cứu vãn các nền kinh tế yếu ớt trong Eurozone khỏi nguy cơ vỡ nợ.
Tâm lý hoang mang khiến các nhà giao dịch trái phiếu đánh cược rằng, sẽ chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha trở thành các nạn nhân tiếp theo phải nhận cứu trợ tài chính.
Tại Bồ Đào Nha, hàng loạt cuộc bãi công biểu tình đã nổ ra để phản đối cách chính sách cắt giảm lương và lương hưu của chính phủ. Manuel Carvalho da Silva, một nhà lãnh đạo công đoàn, đánh giá: "Các chính sách của chính phủ đã đẩy nhiều người lao động vào tình cảnh khốn cùng."
Còn công chức Luis Moreira thì bi quan cho rằng, tình hình tại châu Âu đang xấu đi từng ngày và không có gì khó hiểu khi người lao động Bồ Đào Nha tiến hành các cuộc bãi công, vì họ phải đấu tranh cho quyền lợi của mình.
Công ty tư vấn và nghiên cứu Eurasia Group (có trụ sở tại New York) cảnh báo rằng, vấn đề của 16 nước Eurozone sẽ không chỉ dừng lại tại Ireland, mà kế hoạch cứu trợ Bồ Đào Nha rất có thể sẽ được công bố chi tiết vào đầu năm tới, thời điểm Bồ Đào Nha cần bán trái phiếu chính phủ để có tiền tài trợ cho các khoản chi tiêu công.
Các nhà phân tích ước tính, Bồ Đào Nha sẽ cần cứu trợ ít nhất 50 tỷ euro, trong khi gói cứu trợ tương ứng cho Tây Ban Nha có thể lớn hơn nữa. Tuy nhiên, cứu trợ Tây Ban Nha (nền kinh tế lớn thứ tư Eurozone) có thể là "hồi chuông báo tử" cho khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu này.
Thủ tướng Tây Ban Nha Elena Salgado ngày 24/11 vẫn khẳng định quốc gia này chưa cần cứu trợ tài chính, đồng thời những quy định nghiêm ngặt và kế hoạch "thắt lưng buộc bụng" khắc khổ sẽ đủ sức bảo vệ hệ thống tài chính Tây Ban Nha.
Trước nguy cơ đe doạ khu vực đồng tiền chung châu Âu, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã lên tiếng trấn an dư luận. Phát biểu tại một cuộc hội thảo về kinh tế do báo Đức "Süddeutsche Zeitung" tổ chức ở Béclin ngày 25/11, bà Angela Merkel đã bày tỏ tin tưởng Khu vực đồng euro sẽ phục hồi mạnh cho dù các thị trường tài chính hiện còn đang bất ổn.
Bà Angela Merkel nói rằng các nhà lãnh đạo Khu vực đồng Euro đã loại trừ mọi nguy cơ sụp đổ của khu vực đồng tiền chung châu Âu này; bày tỏ tin tưởng hơn vào triển vọng Liên minh châu Âu sẽ vượt qua những khó khăn hiện thời cũng như cho rằng không có thành viên nào của Khu vực đồng Euro có nguy cơ phải xin hoãn thanh toán nợ.
Theo giới quan sát, Thủ tướng Đức đưa ra tuyên bố trên nhằm tìm cách trấn an thị trường tài chính giữa lúc đồng Euro giảm giá so với đồng USD trong gần hai tháng qua. Nhận định này của bà Angela Merkel khác với những tuyên bố bà đưa ra trước đây ít ngày khi cho rằng " Khu vực đồng Euro đang trong tình trạng đặc biệt nghiêm trọng" và nhận xét này đã bị một số thành viên Liên minh châu Âu và Ngân hàng châu Âu chỉ trích vì cho rằng điều đó góp phần làm gia tăng hoảng loạn trên các thị trường tài chính thế giới.
Cùng ngày 25/11, bà Angela Merkel và Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy - lãnh đạo của hai nền kinh tế trụ cột trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu - đã thảo luận qua điện thoại một số vấn đề xung quanh cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu, đồng thời hối thúc hành động nhanh chóng về thỏa thuận cứu trợ tài chính cho Ailen từ phía Liên minh châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế.
Nhiều nhà phân tích lên tiếng lo ngại giá trị đồng Euro có thể giảm hơn nữa nếu Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha theo chân Hy Lạp và Ireland yêu cầu quốc tế cứu trợ với số tiền lớn.