Khủng hoảng nợ ở Cộng hòa Síp: Thoát hiểm trong gang tấc

Thứ ba, 26/03/2013 17:51

(ĐCSVN)Câu chuyện khủng hoảng nợ của Cộng hòa Síp (Cyprus) đã làm xôn xao giới truyền thông trong thời gian gần đây. Thiếu chút nữa, quốc gia này đã rơi xuống bờ vực của sự phá sản nếu như thỏa thuận giải cứu sơ bộ với các chủ nợ không thành.

Cyprus – “quân cờ domino” thứ 5 phải xin cứu trợ

Không nằm ngoài dự báo của các chuyên gia phân tích, Cyprus đã phải đối mặt với cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực tài chính ngân hàng bắt đầu từ tháng 6/2012. Ngày 25/6/2012, Cyprus chính thức trở thành nước thứ 5 trong khu vực các nước sử dụng đồng tiền chung euro (eurozone) phải xin cứu trợ từ Quỹ Bình ổn tài chính châu Âu. Người ta ví Cyprus giống như quân cờ domino thứ 5 ở eurozone – nạn nhân thứ 5 (sau Hy Lạp, Ireland, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha) phải xin cứu trợ vì cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu.

 
 Người dân Cyprus đổ xô đi rút tiền trước quyết định đánh thuế tiền gửi của chính phủ.
                                                     (Ảnh: CNBC)

Theo đó, Cyprus cần khoảng 17,5 tỷ euro để giải quyết khó khăn. Vào tháng 8/2011 trước đó, Cyprus đã thông qua kế hoạch thắt lưng buộc bụng nhằm ổn định nền kinh tế, nhưng không đủ sức hạ thâm hụt ngân sách như mục tiêu đề ra. Trong bối cảnh đó, chính quyền của Tổng thống Demetris Christofias lại từ chối thực hiện các biện pháp khắt khe của chủ nợ đặt ra, khiến vòng đàm phán về gói cứu trợ rơi vào bế tắc.

Tuy nhiên, sau cuộc bầu cử Tổng thống mới Nicos Anastasiades vào tháng trước, các cuộc đàm phán đã được khởi động trở lại. Và các vòng đàm phán này đã diễn ra khá suôn sẻ dưới chính quyền mới. Ngày 16/3/2013, các bộ trưởng bộ tài chính khu vực eurozone và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã đồng ý cung cấp cho Cyprus gói cứu trợ trị giá 10 tỷ euro. Mặc dù ít hơn so với mong đợi, nhưng đây là khoản tiền có ý nghĩa lớn đối với đảo quốc này trong bối cảnh khó khăn.

Và, điều kiện để giành được số tiền trên là Chính phủ Cyprus phải tiến hành thu nhỏ các ngân hàng gặp khó khăn, tư hữu hóa một số tài sản thuộc sở hữu Nhà nước, tăng tỷ lệ thuế công ty trên danh nghĩa thêm 2,5% lên 12,5%, áp thuế một lần duy nhất ở mức 9,9% đối với các khoản tiền gửi trên 100.000 euro và 6,75% đối với các khoản tiền gửi có giá trị thấp hơn tại các ngân hàng của nước này.

Bất chấp lập luận của chính phủ cho rằng, đây là cách thức duy nhất để giúp hệ thống tài chính nước này không rơi vào cảnh vỡ nợ và người dân phải đóng thuế tiền gửi sẽ được đền bù bằng cổ phiếu ngân hàng, người dân Cyprus vẫn đổ xô tới các ngân hàng để rút tiền, khiến các máy ATM cạn kiệt. Thị trường chứng khoán, ngân hàng của Cyprus tuyên bố tạm dừng hoạt động. Thêm vào đó, ngày 23/3 vừa qua, hàng nghìn nhân viên ngành ngân hàng đã biểu tình tại thủ đô Nicosia và dọa sẽ tổ chức đình công quy mô lớn nếu chính phủ không đảm bảo tương lai cho họ.

Quyết định đánh thuế tiền gửi ở Cyprus không chỉ tạo nên làn sóng rút tiền khỏi ngân hàng tại quốc gia này, mà nhiều người còn bày tỏ lo ngại khi cho rằng, có thể làm bùng phát làn sóng rút tiền khắp châu Âu và thậm chí làm sụp đổ hàng loạt các ngân hàng.

Thoát hiểm trong gang tấc

Trong một nỗ lực nhằm đối phó với tình thế nguy nan của nền kinh tế, ngày 22/3, Quốc hội Cyprus thông qua 3/8 dự luật do chính phủ nước này soạn thảo với hy vọng nhận được gói cứu trợ. Đó là các dự luật: Thành lập "quỹ đầu tư đoàn kết" nhằm huy động 5,8 tỷ euro; kiểm soát vốn nhằm ngăn chặn nguy cơ rút tiền ồ ạt tại các ngân hàng gặp khó khăn; cơ cấu lại khu vực ngân hàng nhằm buộc các ngân hàng gặp khó khăn phải phân loại nợ có khả năng hoàn trả và nợ khó đòi.

 

 Việc đạt được thỏa thuận với bộ 3 chủ nợ đã khiến Cyprus thoát khỏi bờ vực
của sự vỡ nợ (Ảnh: CNBC)

Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã quyết định duy trì khoản hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp (ELA) cho Cyprus ở các mức như hiện tại cho đến ngày 25/3. Sau ngày này, nếu Cyprus không nhận được khoản giải cứu từ các chủ nợ, ECB sẽ dừng việc áp dụng ELA.

Thêm vào đó, ngày 24/3, Bộ trưởng bộ tài chính 17 nước khu vực đồng euro đã họp khẩn cấp, bàn về việc nên cứu vãn Cyprus hay để nước này phá sản. Bên cạnh đó, Tổng thống Cyprus Nicos Anastasiades và bộ 3 chủ nợ quốc tế ( Liên minh châu Âu, Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Trung ương châu Âu) đã tiến hành đối thoại căng thẳng về điều khoản của gói cứu trợ.

Sau gần một ngày đàm phán căng thẳng, vào những phút chót, Cyprus cuối cùng cũng đạt được một thỏa thuận giải cứu sơ bộ với các chủ nợ, giúp đảo quốc này thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ và bị Ngân hàng Trung ương châu Âu cắt đứt thanh khoản khẩn cấp. Có ý kiến bình luận rằng, Cyprus đã được cứu vào "phút thứ 89" – thời điểm mong manh trước khi bị rơi xuống bờ vực của sự phá sản.

Hãng Bloomberg cho rằng, thỏa thuận này mở đường cho gói vốn vay khẩn cấp 10 tỷ euro, tương đương 13 tỷ USD, dành cho Cyprus, giúp đảo quốc này tránh được sự sụp đổ tài chính, đồng thời giúp thị trường tài chính toàn cầu tránh được những sóng gió mới.

Theo nội dung của thỏa thuận, ngân hàng lớn thứ nhì của Cyprus là Laiki Bank, sẽ bị đóng cửa vĩnh viễn. Ngân hàng lớn nhất nước này là Bank of Cyprus sẽ tiếp quản các tài sản hữu hình của Laiki Bank cùng với 9 tỷ euro thanh khoản khẩn cấp do ECB cung cấp.

“Thỏa thuận này phục vụ cho lợi ích cao nhất của nhân dân Cyprus và Liên minh châu Âu”, Tổng thống Cyprus, ông Nicos Anastasiades, phát biểu trước báo giới.

Như vậy, Cyprus đã trở thành quốc gia thứ 5 tại châu Âu được giải cứu kể từ khi cuộc khủng hoảng nợ châu Âu bùng nổ ở Hy Lạp vào năm 2009, sau Hy Lạp là Ireland, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha.

Bà Christine Lagarde - Tổng Giám đốc IMF nhận định rằng, thoả thuận giữa Cyprus và nhóm chủ nợ là kế hoạch "toàn diện và đáng tin cậy", giải quyết được vấn đề cơ bản trong hệ thống ngân hàng. Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết, bà rất hài lòng với thỏa thuận cứu trợ đã làm đảo ngược tình hình trong bối cảnh hệ thống ngân hàng Cyprus đứng trước nguy cơ tan vỡ./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực