Những kế hoạch thúc đẩy tăng trưởng và việc làm tại châu Âu mới được đưa ra không có gì mới mẻ, và khó thành giải pháp đề giải cứu khu vực EU vào lúc này.
Sau hơn 7 giờ đồng hồ, cuộc họp đầu tiên trong năm mới của những người đứng đầu Chính phủ các nước EU ngày 30/1 đã đạt được khá nhiều kết quả. Có thể nói, hội nghị lần này đã mang lại một liều thuốc nhưng chỉ có tác dụng an thần hơn là trị bệnh cho khủng hoảng của EU.
Về tổng thể, hội nghị này đã thành công phần nào về mặt chính trị nhưng lại không có gì mới mẻ về giải pháp kinh tế - tài chính.
Các nhà lãnh đạo châu Âu hiểu rằng người dân đã quá chán chường với những cuộc thảo luận hao tiền tốn của về những vấn đề như sửa đổi Hiệp ước châu Âu, cải cách hệ thống kinh tế, tài chính… quá nặng về lý thuyết và kỹ thuật mà không trực tiếp gắn với cuộc sống cơm áo gạo tiền của họ.
Hay chuyện cứu trợ cho Hy Lạp, ngày càng có nhiều người châu Âu cho rằng, sẽ là quá bất công khi phải giang tay cứu trợ một quốc gia lâm vào khủng hoảng nợ nần do chính chính sách quản lý yếu kém và các số liệu kinh tế gian dối như Hy Lạp.
|
Vai trò đầu tàu của Pháp - Đức vẫn chưa thể đoàn kết toàn châu Âu vào thời điểm khó khăn hiện nay (Ảnh: Reuters) |
Như vậy, hội nghị đã thành công khi đánh trúng vấn đề mà người dân châu Âu đang quan tâm nhất và có thể giúp ghi điểm cho các Chính phủ đương nhiệm tại một số nước chuẩn bị tổ chức bầu cử trong năm nay và năm tới như Pháp, Đức…
Về vấn đề việc làm và tăng trưởng, kết quả nổi bật nhất các nhà lãnh đạo châu Âu đã đưa ra một tuyên bố chung hướng tới “tăng trưởng vững chắc và thân thiện cả về kinh tế lẫn việc làm” và tập trung vào 3 ưu tiên lớn.
Trước hết là thúc đẩy việc làm, đặc biệt cho giới trẻ. Đây là vấn đề cấp bách khi châu Âu có tới 21 triệu người thất nghiệp, phần lớn các nước thành viên có tỷ lệ thất nghiệp lên tới 20-30% số người lao động trẻ.
Thứ hai là hoàn thiện hơn thị trường thống nhất châu Âu, ưu tiên cho sự nhất thể hóa “số” như: Triển khai thương mại điện tử, chữ ký điện tử, giải quyết trên mạng các tranh chấp thương mại.
Thứ ba là thúc đẩy hoạt động tài chính, đặc biệt hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ vay vốn.
Nhìn bề ngoài, có vẻ như hội nghị đã làm tròn mục tiêu đề ra ban đầu. Tuy nhiên, thực tế những gì nêu ra trong kế hoạch thúc đẩy tăng trưởng và việc làm lại không có gì mới mẻ, đều đã được nêu trong chiến lược dài hạn đến năm 2020 của EU.
Và làm thế nào cân bằng giữa tăng trưởng với nợ công mới là điều đáng nói. Cái vòng tròn luẩn quẩn khó tránh là có tăng trưởng thì mới có thặng dư để bù đắp cho thâm hụt ngân sách, nhưng muốn có tăng trưởng và giảm tỷ lệ thất nghiệp thì lại cần vốn đầu tư và vô hình chung, lại làm tăng thâm hụt ngân sách, tăng nợ công. Và các nước châu Âu rõ ràng đang chật vật để đạt tới sự cân bằng này.
Xét về kinh tế- tài chính, mặc dù Chủ tịch Ủy ban châu Âu đã khẳng định một số thành công như: Thảo luận cụ thể về việc làm thế nào thúc đẩy tăng trưởng; hiệp ước về cơ chế ổn định giờ đã sẵn sàng để ký kết; hiệp ước tổng thể về tài khóa đã được cụ thể hóa cuối cùng… Tuy nhiên, các kết quả này vẫn chưa thực sự có gì mới mẻ và đột phá hơn so với những lần họp trước.
Một vấn đề thêm nữa là châu Âu đã không thể hàn gắn được những chia rẽ nội bộ khi Anh và Czech lần này vẫn tuyên bố đứng ngoài hiệp ước mới. Thụy Điển từ chối ký vào tuyên bố chung về tăng trưởng và việc làm.
Trong cuộc họp báo riêng, Tổng thống Pháp Sarkozy đã phải chua chát thừa nhận quyết định đứng ngoài cuộc của các quốc gia này trong tiến trình chung nhưng cũng tuyên bố tôn trọng họ như những người bạn.
Tuy nhiên, ai cũng hiểu rằng phía sau đó là thất bại của các quốc gia đầu tàu như Pháp và Đức trong việc thuyết phục và dẫn dắt châu Âu thoát khỏi khủng hoảng.
Một sự trùng hợp đặc biệt nhưng không mấy thú vị là hội nghị diễn ra đúng ngày tổng đình công trên toàn Vương quốc Bỉ khiến lần đầu tiên trong lịch sử, chuyên cơ của các nhà lãnh đạo EU không thể hạ cánh ở sân bay quốc tế tại thủ đô Brussels, thay vào đó là một sân bay quân sự cách Brussels vài chục cây số.
Dù đình công không ảnh hưởng quá lớn đến diễn biến hội nghị, song sự trùng hợp này một lần nữa cảnh báo các nhà lãnh đạo Bỉ nói riêng, châu Âu nói chung rằng các chính sách hiện thời không có được sự ủng hộ của đông đảo người dân lao động tại khu vực.
Kết thúc hội nghị, các nhà lãnh đạo châu Âu cũng cho biết sẽ sớm họp thượng đỉnh chính thức vào tháng 3 tới. Đến lúc đó, những “cơn đau” thực sự sẽ trở lại và EU không có cách nào là phải tiếp tục “mổ xẻ”./.