Khủng hoảng tài chính đưa kinh tế thế giới vào tương lai mới và tạo ra những bất ổn to lớn

Thứ bảy, 12/02/2011 17:45

LTS: Chúng tôi tóm lược bài viết của Martin Wolf, Trưởng ban Kinh tế của Tạp chí Financial Times ngày 3/2, để bạn đọc tham khảo.

Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới vừa diễn ra ở Davos, mọi người sững sờ trước một nhận định là cuộc khủng hoảng tài chính thế giới lần này đã làm thay đổi rất nhiều, điểm bao trùm trên cả là nó đưa chúng ta tiến rất nhanh đến một tương lai mới.

Cuộc khủng hoảng tài chính mới bắt đầu được 3 năm rưỡi nhưng chỉ sau hơn 2 năm nó đã đạt tới đỉnh điểm và nay đang bắt đầu những dấu hiệu lạc quan. Theo IMF, sức mua toàn cầu (PPP) năm 2010 tăng 5% và tỷ số trao đổi trên thị trường tăng 3,9%, tương ứng với năm 2009 tăng 0,6% và 2,1%. IMF dự báo tỷ số tương ứng năm 2011 là 4,4% và 3,5%. Cuộc khủng hoảng tài chính lần này cũng đã góp phần làm thắt chặt hơn các luật lệ tài chính, nhất là đối với ngành ngân hàng sau 3 thập kỷ bị buông lỏng, đi chệch hướng. Cuộc khủng hoảng cũng đánh dấu bước ngoặt tạo nên tác dụng đòn bẩy đối với tư nhân tại các nước có thu nhập cao. Tỷ số bình quân nợ tư tại Mỹ trong ngành sản xuất nội địa tăng từ 123% năm 1981 lên 293% năm 2009, nhưng trong Quí 3/2010, tỷ số này đã hạ xuống còn 263%. Nợ tín dụng cũng đi theo hai hướng này, bình quân nợ tín dụng năm 1981 là 22% của GDP đã tăng lên đến 119% năm 2008, nhưng đã hạ xuống còn 98% vào Qúy 3/2010.

Trong một thời gian ngắn, cuộc khủng hoảng cũng đã gây ra nhiều sự mất cân đối toàn cầu. Chẳng hạn như trong lĩnh vực tích trữ ngoại tệ, Trung Quốc đã không bị đảo lộn mà còn tăng nhanh chóng nguồn dự trữ ngoại tệ của mình: Tính từ tháng 2/2009 đến tháng 10/2010, nguồn dự trữ ngoại tệ thế giới tăng 2.004 tỷ $, thì chỉ riêng TQ đã chiếm 849 tỷ $. Điều này hiếm khi thấy. Cuộc khủng hoảng cũng đã lộ ra sự yếu kém của khu vực đồng Euro trong cả lĩnh vực tư và công, do việc đầu tư bừa bãi không qua các tổ chức tài chính, không có chính sách tỷ giá nội địa linh hoạt.

Khủng hoảng gây nên thay đổi rõ nhất là về lĩnh vực tài chính tại các nước phát triển. Các nền kinh tế già nua nay rất dễ bị tổn thương tài chính một khi nhịp độ phát triển bị chậm lại. Cuộc khủng hoảng đã đẩy nhanh dấu hiệu này lên một thập kỷ.

Theo IMF, tổng nợ công của nhóm nước G7 sẽ tăng từ 52% GDP năm 2007 lên 90% vào năm 2015. Điều này không có nghĩa là một sự lạm phát phi mã hay vỡ nợ. Nhưng việc quản lý vấn đề tài chính công này sẽ lấn át lĩnh vực chính trị trong một tương lai có thể dự đoán được. Đó là một kinh nghiệm tồi tệ, góp phần quan trọng làm tăng tốc cho sự chuyển đổi các cường quốc kinh tế trong cán cân toàn cầu. Nếu đặt GDP chung cho toàn cầu là 100 trong năm 2005, thì đến năm 2010, tăng trưởng ở Mỹ là 105, khu vực đồng Euro là 104 và ở Nhật, Anh là 102. Trong khi đó tại Brasil là 125, Ấn Độ là 147 và ở Trung Quốc là 169. Như vậy đây có phải là một cuộc khủng hoảng ? Và khủng hoảng kiểu gì ? Hãy để Ấn Độ và Trung Quốc trả lời những câu hỏi này.

Cũng theo IMF, năm 2000 các nước phát triển chiếm 63% GDP toàn cầu nhưng đến năm 2007 (thời điểm bắt đầu cuộc khủng hoảng) chỉ còn 56%, năm 2010 là 53% và sẽ tiếp tục tụt xuống dưới 50% vào năm 2013. Trung Quốc và Ấn Độ sẽ đạt tăng trưởng sản xuất hàng hóa ở mức 80% giữa các năm 2000 và 2013, trong đó chỉ riêng Trung Quốc chiếm 63%. Sự lớn mạnh của hai nước lớn này đang gây ra sức ép về nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Cuộc khủng hoảng cũng đã đẩy nhanh sự thay đổi về thái độ đối với Mỹ và phương Tây nói riêng. Theo nhận xét của ông Kishore Mahbubani, Trưởng Khoa Chính sách công, trường Đại học Quốc gia Singapore, người châu Á không còn coi trọng khả năng sức mạnh của phương Tây bởi điều này đã bị làm tổn hại do thất bại của các cuộc phiêu lưu quân sự cho đến sự rủi ro về tài chính hiện nay. Sự chuyển đổi từ G7 và G8 đến G20, thời điếm đỉnh cao của khủng hoảng, tượng trưng cho sự chuyển hóa này. Điều này trước sau rồi cũng xẩy ra, nhưng nó đã diễn ra nhanh hơn do tác động trực tiếp của khủng hoảng.

Tại Davos, người ta đã không chắc chắn lắm về những gì mà cuộc khủng hoảng đã làm hé lộ ra cũng như nó gây ra. Do vậy dù không khí chung là lạc quan nhưng cũng đầy nghi ngờ. Chẳng hạn trong các cuộc gặp riêng rẽ Mỹ - Nhật, làm thế nào để Mỹ tránh được số phận như Nhật hay giới tư nhân có thể làm gì để tránh rủi ro, tất cả đều còn chưa rõ. Mặt khác, những cơ hội để cải cách sự yếu kém về kinh tế là rất rộng lớn, nhất là về những quan tâm trong lĩnh vực tài chính. Khí thế trong khu vực đồng Euro cũng tỏ ra lạc quan hơn. Nhưng làm thế nào để khu vực này tồn tại giữa hàng loạt những khó khăn hiện nay thì lại không rõ ràng. Cuối cùng thì các nhà lãnh đạo EU cũng phải đi đến thống nhất là cần cứu vãn khu vực euro nhưng cần thực hiện những biện pháp gì thì lại không biết.

Thực tế là cuộc khủng hoảng đang đưa thế giới vào một tương lai mới nhưng lại tạo ra những bất ổn to lớn. Đến nay, cuộc khủng hoảng chưa thể hiện là đã tạo ra được bước ngoặt. Nhưng chúng ta cũng không thể kết luận rằng nó không có tầm quan trọng lớn. Nó đã đưa lại chuyển hóa, thúc đẩy các xu hướng trước đây tiến nhanh hơn nhiều, nhưng lại không chắc chắn, đang diễn ra hiện nay./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực