(ĐCSVN) – Hơn một năm thực hiện thắt chặt chi tiêu cùng liên tiếp các nhóm giải pháp được đưa ra sau hàng loạt các hội nghị thượng đỉnh, các cuộc họp khẩn cấp giữa các nhà lãnh đạo và các chuyên gia kinh tế, khu vực đồng tiền chung châu Âu vẫn chưa thoát khỏi cuộc khủng hoảng nợ công và tiếp tục kéo theo mối lo ngại lớn trên toàn thế giới.
|
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet) |
Trong báo cáo mới đây về triển vọng kinh tế toàn cầu, cơ quan dự báo phân tích và đánh giá rủi ro (EIU) thuộc Tập đoàn Nhà kinh tế (Anh) nhận định, dù các nước thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) nói riêng và toàn Liên minh châu Âu (EU) nói chung đã nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp nhằm giải quyết dứt điểm cuộc khủng hoảng nợ song những nguy cơ và mối đe dọa đối với đồng euro vẫn còn hiện hữu. EIU cũng cảnh báo, nếu có một cú sốc xảy ra, ví dụ như khả năng Hy Lạp bị vỡ nợ, thì cả khu vực này có thể sẽ rơi vào một cuộc khủng hoảng toàn diện.
Luẩn quẩn đi tìm lối thoát cho khủng hoảng
Một thực tế rất khó khăn đặt ra cho tất cả các quốc gia thuộc Eurozone đó là muốn thoát khỏi trì trệ thì một mặt phải cắt giảm bớt chi tiêu công để tiết kiệm tài chính, song mặt khác lại cần giúp đỡ khu vực tư nhân tăng cường sản xuất bằng cách bổ sung thêm nguồn tín dụng để củng cố và thúc đẩy tăng trưởng thì mới thoát khỏi cảnh nợ nần. Song việc làm này sẽ khiến đồng nội tệ bị mất giá và dẫn tới tỷ lệ lạm phát tăng cao. Chính vì vậy, cái khó đặt ra cho các chính phủ là lựa chọn chữa trị “căn bệnh” nào trước: thúc đẩy tăng trưởng hay ngăn chặn lạm phát?
Một giải pháp thông dụng được tiến hành là phá giá đồng nội tệ. Khi thực hiện cách thức này, tỷ lệ lạm phát sẽ tăng, sức mua và lượng hàng hóa tiêu thụ trong nước sẽ giảm. Nhờ đó, thu nhập của người lao động và hàng hóa sản xuất trong nước sẽ thấp hơn so với nước ngoài, xuất khẩu và đầu tư nước ngoài tăng và nền kinh tế có khả năng phục hồi tăng trưởng. Tuy nhiên, giải pháp này cũng khá khó khăn vì sinh hoạt của những người lao động và giới trung lưu, vì thế, sẽ bị ảnh hưởng nặng nề do bão giá. Các doanh nghiệp gặp khó khăn do lãi suất tăng cao trong khi giới thượng lưu, vốn giữ nhiều ngoại tệ, vàng và bất động sản, lại ít chịu ảnh hưởng.
Mặt khác, trong khuôn khổ của Liên minh châu Âu, các quốc gia không thể tùy tiện phá giá đồng euro. Theo chủ trương của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Đức và các nước Bắc Âu, vốn có nền kinh tế hùng mạnh, lại muốn kiềm chế tỷ lệ lạm phát trong khu vực. Vì thế, các nước như Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Italia, Pháp chỉ còn cách giảm chi tiêu để trả nợ. Tuy nhiên, giải pháp này cũng vấp phải nhiều khó khăn khi buộc phải lựa chọn - giảm chi tiêu cho lĩnh vực nào trước. Thực tế đã cho thấy, hầu hết các quốc gia thực hiện cắt giảm chi tiêu đều vấp phải làn sóng phản đối rầm rộ của người dân trong nước. Thêm vào đó, các doanh nghiệp gặp khốn đốn khiến tỷ lệ thất nghiệp tại các nước này vẫn tiếp tục tăng cao, nguồn thu thuế giảm đáng kể. Rủi ro cao khiến các nhà đầu tư càng e ngại khi tiến hành cho vay hay phải tăng lãi suất để đề phòng thua lỗ. Các quốc gia gặp khó khăn, vì thế, lại càng không có khả năng và điều kiện để có thể vay tiền phục vụ cho mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của mình.
Gần đây nhất, sau hai ngày làm việc đầy căng thẳng (28 và 29/6), các nhà lãnh đạo Eurozone tham dự Hội nghị thượng đỉnh châu Âu đã có được sự đồng thuận trong việc thực hiện các bước tiến lớn để ngăn chặn khủng hoảng. Trong đó, đáng chú ý là việc thông qua kế hoạch thúc đẩy tăng trưởng trị giá 120 tỷ euro, trong đó, 60 tỷ euro sẽ được bơm thêm vào nguồn vốn của Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) để tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng, mua trái phiếu và hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy nhiên, sau hai tháng được đưa ra, những quyết định quan trọng này vẫn chưa thu được nhiều kết quả khả quan như mong đợi.
Eurozone đứng trước nguy cơ suy thoái mới
Kết quả của một cuộc khảo sát được thực hiện gần đây cho thấy, nền kinh tế của Eurozone đã sụt giảm 0,5 - 0,6% trong quý III năm nay, có nguy cơ đẩy khu vực này rơi vào cuộc suy thoái lần thứ hai trong vòng ba năm qua.
Chỉ số Markit Flash Eurozone PMI Composite Output, đo lường lượng đơn đặt hàng mới trong hoạt động sản xuất và dịch vụ, của Eurozone chỉ dừng lại ở mức 46,6 vào tháng 8, tăng không đáng kể so với mức 46,5 vào tháng 7; trong khi điểm số dưới 50 phản ánh quy mô thu hẹp. Đây cũng là tháng thứ 7 liên tiếp, các hoạt động của khu vực tư nhân thuộc Eurozone bị giảm sút.
Theo nhận định của các nhà kinh tế, tình hình hoạt động sản xuất và dịch vụ của Eurozone tiếp tục bị thu hẹp trong tháng này một lần nữa củng cố dự đoán về nguy cơ suy thoái trở lại trong khu vực đồng tiền chung châu Âu.
Trước đó, theo số liệu công bố ngày 14/8, Cơ quan thống kê của Liên minh châu Âu (Eurostat) cũng cho biết kinh tế Eurozone đã giảm 0,2% trong quý II vừa qua sau khi đạt mức tăng trưởng 0% trong quý trước đó. Điều này vẫn chưa cho thấy triển vọng tăng trưởng sáng sủa hơn, nhất là khi chỉ số lòng tin kinh tế hàng tháng tại Đức - nền kinh tế lớn nhất Eurozone - giảm xuống âm 25,5 điểm, thấp hơn nhiều so với dự báo âm 19,6 của thị trường. Trong số quốc gia thành viên khối Eurozone, nhiều nước vẫn đang chìm trong suy thoái kinh tế, bao gồm Hy Lạp, Tây Ban Nha, Italia, CH Síp, Malta, Bồ Đào Nha.
Thêm vào đó, số liệu thống kê được Eurostat công bố hồi cuối tháng 7 cũng cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp tại các nước thuộc Eurozone trong tháng 6 là 11,2% - mức thất nghiệp cao kỷ lục ở Eurozone kể từ khi đồng euro được đưa vào lưu hành năm 1999.
Nghiên cứu mới đây do Eurofound, Tổ chức châu Âu về cải thiện cuộc sống và điều kiện làm việc phối hợp thực hiện cho thấy, kể từ khi bão khủng hoảng nổi lên, tổng thời gian lao động của các công nhân toàn thời gian đã tăng trên toàn EU. Người châu Âu giờ đây phải làm việc trung bình 39,7 giờ mỗi tuần, tăng từ mức 39,5 giờ trong năm 2009. Mặc dù số giờ tăng không lớn, song có thế thấy văn hóa làm việc nhiều giờ đang bắt đầu xuất hiện ở nhiều nước châu Âu. Tại Anh, người lao động giờ đây phải làm việc tới 40,5 tiếng/tuần, trong khi ở Luxembourg, thời gian làm việc trung bình một tuần là 40,7 giờ. Dư luận đang đặt nghi vấn, liệu có phải thời đại làm việc 35 tiếng một tuần đã chấm dứt ở châu Âu?
Còn đó những chia rẽ nội bộ Eurozone
Trước bối cảnh thực tế đang ngày càng khó khăn, các nhà chính trị hàng đầu của châu Âu đã công khai nói về nguy cơ tan vỡ của Eurozone. Lâu nay, dư luận quốc tế mới chỉ đề cập khả năng Hy Lạp rời khỏi Eurozone, nhưng nay, những lời cảnh báo khắc nghiệt về nguy cơ tan võ của liên minh tiền tệ này liên tiếp được đưa ra và Eurozone bắt buộc phải đối mặt với nó.
Trong phát biểu gần đây, Ngoại trưởng Phần Lan Erkki Tuomioja lên tiếng cảnh báo rằng các nhà lãnh đạo châu Âu phải chuẩn bị cho khả năng tan vỡ đang dần xuất hiện của khu vực đồng euro. Ông Tuomioja cho biết các quan chức Phần Lan đã chuẩn bị sẵn sàng cho sự sụp đổ của đồng tiền chung châu Âu với một “kế hoạch sẵn sàng hành động cho bất cứ tình huống nào có thể xảy ra”. Ông Tuomioja lập luận rằng “không có quy luật nào cho biết rời khỏi khu vực đồng euro như thế nào, mà nó chỉ là vấn đề thời gian. Hoặc phía Nam hoặc phía Bắc sẽ bị chia tách, bởi sự ràng buộc của đồng tiền này đang gây nên sự khốn đốn cho hàng triệu người và phá hủy tương lai của châu Âu”.
Trong khi đó, danh sách các bất đồng giữa hai trụ cột kinh tế đứng đầu châu Âu là Pháp - Đức về phương thức xử lý khủng hoảng nợ không những chưa giảm bớt mà lại vừa được bổ sung thêm một vấn đề mới liên quan tới việc Hy Lạp vận động hành lang các nhà lãnh đạo trong Eurozone đồng ý kéo dài thời hạn thực hiện "thắt lưng buộc bụng" cho nước này. Nguyên nhân được Hy Lạp lý giải là do mục tiêu cắt giảm 11,5 tỷ euro trong năm nay của nước này vẫn còn thiếu khoảng 700 triệu euro. Trong khi đó, Athens cũng muốn nâng thời hạn chương trình khắc khổ lên 4 năm, tính từ năm 2013, thay vì 2 năm như hiện tại để có thêm ngân quỹ.
Nước Đức cho rằng, Hy Lạp phải tuân thủ thời hạn đã đặt ra nếu muốn nhận được gói giải cứu thứ hai. Bộ trưởng Tài chính Đức Wolgang Schube cho biết: "Thêm thời gian nữa có nghĩa là mất thêm tiền". Trong khi đó, Tổng thống Pháp F. Hollande vẫn đưa ra tín hiệu sẵn sàng kéo dài thời hạn "thắt lưng buộc bụng" của Hy Lạp.
Tuy nhiên, dù còn tồn tại không ít những bất đồng song để ngăn chặn nguy cơ sụp đổ của Eurozone, các nhà hoạch định chính sách của khu vực này và đặc biệt là Pháp – Đức vẫn đang đẩy mạnh những nỗ lực để kìm giữ thị trường tài chính tránh khỏi nguy cơ rơi vào khủng hoảng.
Gần đây nhất, ngày 23/8 vừa qua, nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande lại có cuộc gặp tại Berlin để bàn thảo về vấn đề kéo dài thời hạn thực hiện “thắt lưng buộc bụng” của Hy Lạp và bước đầu đạt được đồng thuận với mong muốn Hy Lạp sẽ ở lại Eurozone; đồng thời kêu gọi các nước thành viên hướng tới trách nhiệm chung. Ngay sau đó, Thủ tướng A.Merkel còn khởi động chiến dịch mang tên "Tôi muốn châu Âu" nhằm thuyết phục người dân Đức về những lợi ích của sự thống nhất châu Âu và khẳng định điều này sẽ mang lại "hòa bình, thịnh vượng và sự cảm thông với các nước láng giềng".
Dù vẫn có lác đác một vài dấu hiệu tích cực trong diễn biến kinh tế của các nước thuộc Eurozone cũng như những nỗ lực, cố gắng của các quốc gia thuộc Eurozone, đặc biệt là các nền kinh tế hùng mạnh vẫn chưa bị mai một song không thể phủ nhận rằng, Eurozone nói riêng và toàn EU nói chung vẫn đang gặp phải muôn vàn khó khăn trên con đường phục hồi kinh tế. Nhiều quốc gia thuộc Eurozone vẫn đang phải đắm chìm trong bóng đen của khủng hoảng, lạc vào vòng luẩn quẩn mà chưa tìm được lối thoát hữu ích cho tình cảnh khó khăn này. Tình trạng kinh tế sa sút cùng những nguy cơ có thể xảy đến với Eurozone đã, đang và sẽ kéo theo những lo ngại trên thị trường quốc tế, ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế của các nước thuộc khu vực châu Á, châu Phi…. Hy vọng, Eurozone sẽ cùng đoàn kết, nỗ lực để tìm ra được hướng đi hiệu quả nhất cho khu vực này./.