(ĐCSVN) - Trong thời gian trở lại đây, xu hướng “đối thoại” đang ngày càng phổ biến trong các mối quan hệ quốc tế. Nếu như trước đây, áp đặt lệnh trừng phạt đối với Iran được xem là một giải pháp tối ưu và toàn diện nhằm ngăn cản chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của nước này thì đến bây giờ, các cường quốc như Nga, Mỹ…đặc biệt là Trung Quốc đã khẳng định tầm quan trọng của các giải pháp ngoại giao trong nỗ lực nhằm tháo nút thắt trong vấn đề hạt nhân của Iran.
|
Chương trình hạt nhân của Iran-mối quan tâm sâu sắc của cả cộng đồng thế giới (Ảnh tư liệu) |
Một mặt, Trung Quốc duy trì các mối quan hệ kinh tế, các mối quan tâm chiến lược với Iran, song mặt khác, với tư cách là một cường quốc, một thành viên thường trực của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, Trung Quốc phải hành động một cách có trách nhiệm nhằm duy trì hoà bình và an ninh trên thế giới.
Kể từ khi Trung Quốc thay thế EU, đóng vai trò là đối tác thương mại hàng đầu của Iran trong năm 2009 thì cũng là lúc phát sinh nhiều đồn đoán về khả năng Iran sẽ trở thành một thị trường đầy tiềm năng của các công ty Trung Quốc. Với tư cách là nước sản xuất dầu mỏ đứng thứ hai trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và nước xuất khẩu dầu mỏ lớn thứ 4 trên thế giới – Iran hiện đang là nguồn cung cấp dầu mỏ lớn thứ 3 cho Trung Quốc, chiếm tới 11% tổng sản lượng dầu mỏ nhập khẩu của cường quốc này.
Cho đến bây giờ, vị trí của Trung Quốc-nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới đã được khẳng định rõ nét và các vấn đề toàn cầu sẽ không thể được giải quyết nếu thiếu vắng sự tham gia của quốc gia này. Song với tư cách là một thành viên thường trực, có quyền phủ quyết trước Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Trung Quốc không chỉ hành động vì lợi ích của chính dân tộc mình mà còn nhằm duy trì một trật tự an ninh ổn định trên thế giới. Chính những yếu tố đó buộc Trung Quốc phải suy nghĩ lại về chính sách đối ngoại của mình và kết quả là một chiến lược “hai chiều” đã được đưa ra. Ngoài việc bảo vệ quan điểm vì một thế giới không hạt nhân, ủng hộ những biện pháp trừng phạt sâu hơn đối với Iran, Trung Quốc còn nhấn mạnh rằng “cánh cửa hoà giải ngoại giao” cho vấn đề Iran vẫn còn đang để ngỏ.
Cũng vì những nỗ lực của Trung Quốc mà cụm từ “không ủng hộ việc sử dụng hay đe doạ bằng vũ lực” chống lại Iran đã được đưa vào bản nghị quyết dự thảo trình lên Hội đồng bảo an Liên hợp quốc. Không chỉ dừng lại ở đó, những cố gắng của Trung Quốc còn giúp nền công nghiệp năng lượng – trụ cột chính của nền kinh tế Iran tránh được nguy cơ phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt.
Chiến lược “hai chiều” mà Trung Quốc áp dụng đối với Iran không chỉ giúp duy trì mối quan hệ Iran-Trung Quốc mà còn đảm bảo được tính hiệu quả của các biện pháp trừng phạt mà Liên hợp quốc áp đặt đối với Iran. Chuyến công du của Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad đến Bắc Kinh hôm 11/6 vừa qua-chỉ hai ngày sau khi Liên hợp quốc thông qua bản nghị quyết mới trừng phạt Iran đã là một bằng chứng cho thấy nhà lãnh đạo này thấu hiểu vị trí của Bắc Kinh trước tình hình an ninh thế giới.
Ngày 26/7, phát biểu trước Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế, Iran đã bày tỏ thiện chí sẵn sàng tái khởi động các vòng đối thoại hạt nhân vô điều kiện. Sau đó, Ngoại trưởng Iran Manouchehr Mottaki cũng khẳng định Iran đã sẵn sàng đối thoại về vấn đề hạt nhân với cộng đồng quốc tế. Những động thái này của Iran cũng phần nào cho thấy chính sách ngoại giao của Trung Quốc đang phát huy hiệu quả. Trung Quốc luôn mạnh mẽ (và sẽ) phản đối các quan điểm nhằm phổ biến hạt nhân, song Trung Quốc cũng sẽ phản đối bất kỳ nỗ lực nào nhằm “lợi dụng những biện pháp trừng phạt” để tấn công hay thậm chí là làm suy yếu Iran./.