Bước tiến của đồng tiền chung, tăng trưởng của kinh tế quốc gia phải phục vụ cho lợi ích của người dân và phát triển bền vững.
Nhìn lại năm 2011, có lẽ khu vực chứng kiến nhiều biến động, có nhiều đổi thay mang tính cơ bản và thu hút nhiều sự chú ý nhất trên thế giới là Châu Âu.
Câu chuyện nợ công ngự trị trong suốt năm qua đã đưa Châu Âu tìm về lại với những giá trị đích thực hơn là những mục tiêu hình thức và hào nhoáng mà lâu nay họ theo đuổi. Nghi ngờ về lợi ích của đồng tiền chung, giằng xé về cái giá của nhất thể hóa, chính trường « đổi màu » tại nhiều quốc gia …, Châu Âu trong năm qua chứng kiến nhiều chia rẽ nhưng cuối cùng vẫn cố gắng tìm bằng được sự đồng thuận.
|
Đồng euro quay cuồng trong cơn bão nợ công |
«Nợ công»- Câu chuyện ngự trị suốt năm 2011:
Nếu như trong năm 2010, nói về nợ công, người ta chủ yếu chỉ chú ý đến Ireland và Hy Lạp, thì đến năm 2011, đây đã trở thành vấn đề chung của hầu hết các nền kinh tế Châu Âu. Câu chuyện thực sự căng thẳng khi các nền kinh tế lớn của khu vực như Tây Ban Nha, Italy (nền kinh tế lớn thứ 3 trong khu vực đồng tiền chung Châu Âu) rồi Pháp (lớn thứ 2)… rơi vào tầm ngắm của khủng hoảng nợ công.
Châu Âu phải lao vào cuộc chạy đua tìm giải pháp cho vấn đề trước khi tất cả bùng nổ. Quỹ Bình ổn Tài chính Châu Âu với giá trị 450 tỷ euro có thể bất lực nếu nguy cơ vỡ nợ trở thành hiện thực với nền kinh tế lớn thứ 3 khu vực là Italy (quốc gia có tổng nợ công lên tới 1900 tỷ euro).
Về lý thuyết, cuộc khủng hoảng nợ công và hiệu ứng lan truyền của nó trong khu vực đồng euro không gây ngạc nhiên và các chuyên gia đã dự đoán được từ trước. Bởi bản chất xuất phát từ khủng hoảng tài chính trong khu vực tư nhân từ năm 2008, các chính phủ dang tay cứu các ngân hàng, mua lại «nợ xấu» cho các ngân hàng, từ đó khiến nợ công tăng mạnh. Cộng thêm những chi tiêu công bất hợp lý kéo dài nhiều năm khiến các nền kinh tế lớn nhất nhì khu vực cũng bị chao đảo và mấp mé bờ vực phá sản.
Rồi số phận các ngân hàng Châu Âu cũng bị đe dọa, với nạn nhân chính thức đầu tiên là ngân hàng Dexia. Trường hợp Dexia vẫn gây sửng sốt và bất ngờ dù rằng trước đó đã có nhiều cảnh báo về việc ngân hàng này ôm nhiều nợ xấu từ bong bóng bất động sản ở Mỹ nhiều năm trước. Lần lượt nhiều nền kinh tế lớn trong khu vực bị các công ty đánh giá mức tín nhiệm «nhòm ngó» và đe dọa, càng khiến bầu không khí trở nên «nghẹt thở».
Vấn đề lớn nhất của Châu Âu là bản thân họ không lường trước được rằng thử thách lần này quá lớn, làm đảo lộn niềm tin, hay nói đúng hơn là đánh thức sự ảo tưởng của người dân khu vực về sức mạnh của đồng tiền chung, về giá trị của nhất thể hóa. Người dân trách cứ các chính trị gia và các nhà kinh tế học tại sao lại phản ứng quá chậm khi đã dự đoán trước được kịch bản tồi tệ hiện nay. Và cuối cùng, không ít người đổ lỗi cho nhất thể hóa.
Nhất thể hóa – Được hay mất?
Câu hỏi muôn thuở này chưa khi nào lại gây nhức nhối Châu Âu như trong năm 2011 và cũng lần đầu tiên kể từ khi ra đời vào năm 1999, sự tồn tại của đồng euro bị lung lay đến thế. Bởi đã đến thời điểm họ phải quyết định có hay không tiếp tục bảo vệ và củng cố việc nhất thể hóa cùng đồng tiền chung.
Cái khó lớn nhất đối với Châu Âu trong việc đối phó với khủng hoảng nợ công chính là ở chỗ đồng tiền chung cần một cơ chế điều phối bài bản và thống nhất. Trong khi đó, Ngân hàng trung ương Châu Âu không được cung cấp đủ quyền lực và công cụ tài chính để giải quyết tình hình, khác với Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có vũ khí hữu hiệu là điều chỉnh lãi suất hay Ngân hàng Trung ương Anh, Nhật Bản nhanh chóng in tiền bơm vào thị trường tài chính.
Thêm vào đó, cơ chế đồng thuận trong khu vực đồng euro – tức là phải có sự chấp thuận của tất cả các nền kinh tế thành viên- cũng bộc lộ những mặt trái nguy hiểm. Điển hình là trong năm 2011, Châu Âu đã phải «nín thở» chờ đợi cái gật đầu khó khăn của các thành viên nhỏ trong khu vực như Slovakia hay Ba Lan về việc cải tổ Hiệp ước Lisbon, mở rộng Quỹ Bình ổn tài chính… Hay việc Hy Lạp ban đầu tuyên bố sẽ tiến hành trưng cầu ý dân về quyết định tại Hội nghị Thượng đỉnh EU đã gây sốc cho toàn khu vực về sức mạnh và hiệu lực của liên minh nhất thể hóa đối với từng quốc gia thành viên.
Châu Âu đã thực sự chia rẽ, tư tưởng chán nản và ích kỷ đã ngự trị trong tâm lý không ít người dân khu vực. Có ý kiến cho rằng cần đưa các nền kinh tế yếu kém như Hy Lạp ra khỏi khu vực sử dụng đồng euro để tránh các nước khác bị vạ lây. Thậm chí có người đề xuất trở lại các nền kinh tế riêng rẽ, các đồng tiền quốc gia trước kia để tránh những phiền phức và bất cập của nhất thể hóa. Tuy nhiên, cuối cùng, người dân Châu Âu vẫn cố gắng tìm cho được sự đồng thuận trong bảo vệ đồng tiền chung và sự thống nhất nội khối.
Trong cơn bão khủng hoảng, trục Pháp- Đức đã chứng tỏ vai trò trụ cột trong củng cố sức mạnh và kết nối khu vực. Sau một loạt các cuộc họp thượng đỉnh, cả chính thức của toàn khu vực lẫn riêng rẽ giữa hai nước, Pháp và Đức đã vượt qua những chia rẽ không hề nhỏ giữa chính họ để tiến tới đề xuất chung một hiệp ước Châu Âu mới. Theo đó, yêu cầu áp dụng «nguyên tắc vàng» về ngân sách (tức là các nước phải tuân thủ quy định nghiêm ngặt về thâm hụt ngân sách và sẽ bị trừng phạt tự động nếu vi phạm). Thành công lớn nhất là đề xuất đã nhận được sự ủng hộ (dù cấp độ nhiệt tình khác nhau) của 23 quốc gia thành viên, nhiều hơn so với mức dự tính ban đầu có thể chỉ là 17 nền kinh tế thuộc khu vực đồng tiền chung.
Trên thực tế, khủng hoảng lòng tin đang hoành hành tại Châu Âu còn nặng nề hơn so với bản thân khủng hoảng về kinh tế- tài chính. Do đó, riêng việc đạt được thỏa thuận đã có thể coi là một «giải pháp» tinh thần cho các thị trường Châu Âu.
Nhưng cái mất lớn nhất là sự vắng mặt của Anh trong tương lai sắp tới của Châu Âu và gần như chắc chắn rằng một EU với 27 thành viên sẽ không còn tồn tại sau thỏa thuận tại Hội nghị Thượng đỉnh ngày 9/12! Song có lẽ người dân Châu Âu sẽ không quá muộn phiền về điều này, bởi đã một thời gian quá dài, nước Anh lạnh nhạt với với những diễn biến của đồng euro.
Thủ tướng Anh giải thích rất rõ ràng rằng nước Anh thấy không còn có lợi ích nào trong khu vực và do đó, phải quyết định đứng ngoài, dù rất khó khăn. Giới chính trị gia thì nhẹ nhàng gọi đó là «tự tự loại thải» của nước Anh và bày tỏ đáng tiếc. Rõ ràng cả nước Anh và Châu Âu đang phải tìm lại những giá trị thiết thực đối với lợi ích của họ, thay vì giữ vẻ ngoài của một liên minh hào nhoáng. Ai cũng hiểu rằng sẽ không thể có một giải pháp toàn vẹn muôn đường, nhất là trong bối cảnh «nước sôi lửa bỏng» hiện nay.
Quyết định xây dựng một hiệp ước mới có thể nhìn nhận là một bước lùi về nhất thể hóa Châu Âu nếu xét đến sự «tự loại thải» của nước Anh nhưng lại có thể được coi là một bước tiến về thống nhất tiền tệ trong khu vực. Bởi ít nhất Châu Âu sẽ không còn «chạy với 2 vận tốc nữa», lúc là Liên minh Châu Âu với 27 thành viên và khi thì lại là khu vực đồng tiền chung với 17 nền kinh tế.
Tổng kết lại bức tranh kinh tế Châu Âu năm 2011, thấy rõ một màu u ám do nợ công phủ kín. Song dẫu sao «trong cái rủi cũng có cái may» đã tới lúc Châu Âu cần tìm lại những giá trị đích thực – đó là bước tiến của đồng tiền chung, tăng trưởng của kinh tế quốc gia phải phục vụ cho lợi ích của người dân và phát triển bền vững thay vì chi tiêu vô tội vạ và tự ru ngủ với những giấc mơ ảo tưởng.
Tuy nhiên, yếu tố quyết định thành công của châu Âu còn là việc xây dựng và triển khai hiệp ước mới như thế nào trong năm 2012. Ngay trong ngày đầu tiên của năm mới, lãnh đạo nhiều nước Châu Âu như Pháp, Đức, Italy, Hy Lạp đã gửi thông điệp không mấy lạc quan đến người dân, nếu không nói là bi quan về một năm mới sẽ còn chông gai hơn năm cũ. Thêm một cái khó nữa khi 6 tháng đầu năm 2012, Đan Mạch – một nước thành viên không sử dụng đồng euro- tiếp quản vai trò chủ tịch luân phiên EU, khả năng tạo đột phá trong việc cứu đồng tiền chung sẽ càng trở nên khó khăn hơn.
Hoàn toàn là không quá lời nếu nói rằng tiếp sau một năm 2011 «đen đủi» thì năm 2012 sẽ là năm «định mệnh» của Châu Âu, thời điểm mà khu vực phải đưa ra những quyết định khó khăn. Thậm chí có thể là phải đau đớn loại trừ thêm một vài thành viên ra khỏi cuộc chơi để xóa đi tình trạng «đồng sàng dị mộng» tồn tại đã lâu trong nội bộ EU giữa những thành viên có và không sử dụng đồng euro./.