Kinh tế thế giới có dấu hiệu lạc quan

Thứ sáu, 06/04/2012 23:56

(ĐCSVN) - Theo nhận định mới đây của Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) La-gác-đơ, nền kinh tế thế giới đang có dấu hiệu ổn định, không còn ở bên bờ vực thẳm nhưng vẫn đối mặt với nhiều rủi ro.

Trước hết, bà La-gác-đơ tỏ ra lạc quan về tình hình kinh tế thế giới khi có nhiều dấu hiệu cho thấy kinh tế Mỹ đang trên đà phục hồi. Theo các số liệu thống kê, từ tháng 12.2011-02.2012, mỗi tháng kinh tế Mỹ có thêm 245.000 việc làm, con số cao nhất trong 2 năm qua. Nhiều nhà đầu tư Mỹ bắt đầu đổ tiền vào đầu tư hơn là giữ vàng khiến cho giá vàng tiếp tục hạ. Tình hình của Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) cũng đã bớt căng thẳng sau khi Hy Lạp nhận được gói cứu trợ tài chính thứ 2 để tránh bị phá sản. Cùng với tín hiệu tích cực này, một số dữ liệu kinh tế khác như: lạm phát, thâm hụt ngân sách và tài khoản vãng lai của châu Âu cũng khả quan hơn.

IMF dự báo tăng trưởng kinh tế Hy Lạp sẽ là - 4,8% trong năm 2012, 0% năm 2013 và 2,4% vào năm 2014. Mức nợ của Hy Lạp sẽ tăng từ 163% GDP năm 2012 lên 167% GDP vào năm 2013, song sau đó sẽ từng bước giảm xuống 116,5% GDP vào năm 2020. Theo tính toán của IMF, nhu cầu tài chính của Hy Lạp cho tới cuối năm 2014 sẽ vào khoảng 165 tỷ Ơ-rô, số tiền có thể được cung cấp đầy đủ từ các nước đối tác ở châu Âu và IMF. Nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Gôn-da-lét Pa-ra-mô cũng có chung nhận định về triển vọng lạc quan của Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu, tạo hy vọng mới về khả năng vượt khủng hoảng của khối này mặc dù vẫn còn nhiều rủi ro.

Bên cạnh những dấu hiệu lạc quan, bà La-gác-đơ cũng đề cập đến nhiều mối đe dọa tiềm tàng, cho rằng đà phục hồi của kinh tế thế giới còn rất mong manh. Trong số những rủi ro tiềm tàng nói trên phải kể đến sự yếu kém của các hệ thống tài chính trên thế giới vì nợ công và nợ của tư nhân chồng chất. Tiếp đến là giá dầu đang tăng cao có nguy cơ làm tiêu tan hy vọng phục hồi của kinh tế thế giới. Mối lo ngại thứ ba là đà tăng trưởng ngoạn mục của các nước đang trỗi dậy bị chững lại. Chỉ số của hoạt động công nghiệp tại Trung Quốc trong tháng 3 tiếp tục giảm và là tháng thứ năm liên tiếp giảm. Sản lượng công nghiệp tại Pháp và Đức, hai nền kinh tế đầu tàu của Liên minh châu Âu (EU) cũng giảm. Theo Văn phòng thống kê EU Eurosat, đơn đặt hàng công nghiệp của Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu trong tháng 1.2012 giảm 2,3%. Ngoài ra, việc Ai-len rơi vào suy thoái kỹ thuật (GDP giảm trong 2 quý liên tiếp, giảm 1,1% trong quý 3/2011 và tiếp tục giảm 0,2% trong quý cuối năm 2011) đã gây không ít lo ngại cho các nhà hoạch định chính sách châu Âu.

Trước tình hình này, IMF đã kêu gọi các nước phát triển chú trọng vào việc giải quyết nợ công, hỗ trợ tăng trưởng nhưng đồng thời cố gắng duy trì cân bằng ngân sách nhà nước. Đồng thời, cộng đồng quốc tế cần cải tổ các hệ thống tài chính và cả về mặt pháp lý để nâng cao khả năng cạnh tranh. Các nước đang phát triển cần chuẩn bị tốt hơn để đối phó với những cú sốc tài chính đến từ bên ngoài. Châu Âu nên quan tâm tư vấn đề nợ công hiện nay, tập trung vào thực hiện nhất quán và nghiêm ngặt các biện pháp tài chính và giám sát tình hình kinh tế ở Hy Lạp. Bà La-gác-đơ ghi nhận những nỗ lực to lớn mà Hy Lạp đã thể hiện trong 2 năm qua bằng thực thi một loạt biện pháp khắc khổ giữa lúc kinh tế suy thoái sâu và các cuộc biểu tình phản đối không ngừng diễn ra. Tuy nhiên, Hy Lạp sẽ không được phép có sơ suất trong thực thi những gì đã cam kết về các biện pháp khắc khổ và những cải cách kinh tế./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực