Kinh tế thế giới vẫn tiềm ẩn những nguy cơ mất ổn định

Thứ ba, 20/03/2012 12:05

(ĐCSVN) - Ngày 18/3, Giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết, nền kinh tế thế giới đã thoát khỏi vòng nguy hiểm và kinh tế tại khu vực châu Âu, châu Mỹ đã có những dấu hiệu ổn định. Tuy nhiên, vẫn tồn tại một số nguy cơ gây ảnh hưởng đến sự ổn định này.

 

 Giá dầu đã lên tới 126 USD/thùng  (Ảnh: Reuters)


Bà Christine Lagarde, Giám đốc IMF phát biểu trong một cuộc họp tại Bắc Kinh: Kinh tế thế giới đang trên đà phục hồi, nhưng vẫn còn rất nhiều việc phải làm và không được phép có những sai sót trong quản lý.

Những quyết định được đưa ra trong giai đoạn khủng hoảng giờ đã có kết quả, các dấu hiệu phục hồi và ổn định kinh tế xuất hiện: Các chỉ số kinh tế lạc quan của Mỹ cùng châu Âu đã có những bước tiến quan trọng trong việc giải quyết khủng hoảng nợ công với những tiến triển mới tại Hy Lạp.

“Với những nỗ lực tập thể, kinh tế thế giới đã thoát khỏi bờ vực khủng hoảng và chúng ta được phép lạc quan về điều này. Tuy nhiên, không được để sự lạc quan đó tạo cho chúng ta một cảm giác an toàn giả tạo. Vẫn còn những vấn đề kinh tế và tài chính lớn mà chúng ta cần phải đối mặt,” bà Lagarde nói.

Lời cảnh báo được đưa ra sau khi giá dầu thô Brent Biển Bắc lên 126 USD một thùng trong tuần trước, đạt mức cao nhất từ trước đến nay.

Các ngân hàng Mỹ cho hay giá dầu tăng lần này đã gần đến mức nguy hiểm. Nó đã đẩy chi phí năng lượng lên gần 9% GDP toàn cầu, là một trong những nguyên nhân khiến kinh tế thế giới rơi vào suy thoái. “Trong năm 2012, chúng tôi nghĩ rằng kinh tế thế giới sẽ không chịu nổi giá dầu trên 130 USD”. Nhiều chuyên gia phân tích đều thống nhất với nhận định trên.

Lượng dầu trong kho dự trữ của các nước trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã giảm đi đáng kể so với năm ngoái trong thời gian xảy ra Mùa xuân Ả rập. Thêm vào đó, công suất dầu dự phòng của Saudi đã giảm xuống dưới mức 2 triệu thùng một ngày. ”Mặc dù sản xuất dầu ở Libya đã có những phục hồi đáng kể, thị trường dầu mỏ vẫn phải đối mặt với vô số gián đoạn tại nguồn cung,” Đại diện ngân hàng Đức - Deutsche Bank nói.

Các vấn đề tại Sudan, Yemen, Syria, Iraq và Biển Bắc, cộng thêm với việc Liên minh châu Âu trừng phạt Iran, đã làm sản lượng dầu được cung ứng toàn cầu chỉ còn có 2 triệu thùng một ngày.

Bà Lagarde cho rằng, hệ thống ngân hàng còn mong manh cùng mức độ nợ cao tại các nước phương Tây vẫn đe dọa khả năng phục hồi của nền kinh tế, và sự tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc và các quốc gia mới nổi khác cũng rất đáng lo ngại. “Có một nguy cơ tiềm tàng là hoạt động kinh tế tại các quốc gia đang phát triển sẽ chậm lại trong trung hạn. Họ vẫn chưa thoát khỏi tầm ảnh hưởng của khủng hoảng lần này,” bà Lagarde nói.

Nói về các giải pháp giúp nền kinh tế thế giới ổn định tốc độ phục hồi, bà Christine Lagarde kêu gọi các nền kinh tế đã phát triển tận dụng giai đoạn tình hình đang tạm lắng này và thúc đẩy các chính sách để cải thiện kinh tế, thoát khỏi những cuộc khủng hoảng tại Hoa Kỳ và châu Âu.

“Điều này có nghĩa là tiếp tục hỗ trợ kinh tế vĩ mô và cân bằng lại hệ thống thuế, kèm với cải cách lĩnh vực tài chính, cải cách cơ cấu thể chế để sửa chữa những thiệt hại do khủng hoảng để lại và nâng cao năng lực cạnh tranh,” bà Lagarde cho biết.

Bà cũng kêu gọi các nước đang phát triển hiệu chỉnh lại chính sách kinh tế vĩ mô – vừa để bảo vệ mình chống lại khủng hoảng của các nước phát triển vừa để giữ các áp lực bên ngoài trong tầm kiểm soát, và tiếp tục đầu tư vào các cải cách khác như tăng cường chuyển đổi xã hội hoặc cắt giảm thuế tiêu dùng./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực