Kỳ vọng lớn hướng tới những nền kinh tế lớn

Thứ năm, 11/11/2010 22:32

 

Hội nghị thượng đỉnh G20 thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế (Ảnh: Internet)

(ĐCSVN) – Giữ vững cam kết đối với các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs), tăng cường các khoản đầu tư chiến lược và nỗ lực hơn nữa trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu là ba thông điệp chính được Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đưa ra với mong muốn chuyển tải tới các nhà lãnh đạo của 20 nền kinh tế lớn mạnh tại Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra tại Seoul (Hàn Quốc) lần này.

Trong bài phát biểu tại Seoul vừa qua, người đứng đầu Liên hợp quốc tuyên bố nêu rõ: "Tôi sẽ làm hết sức mình để đảm bảo rằng các nhà lãnh đạo các nền kinh tế lớn mạnh nhất có thể tìm ra được những giải pháp cho phần dân số nghèo và dễ bị tác động nhất thế giới". "Đầu tiên, chúng ta cùng phải giữ cam kết đối với các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ", ông Ban nói thêm, đồng thời lưu ý rằng: "Hiện nay, tôi kêu gọi các MDGs cần được xem là những vũ khí xây dựng hàng loạt".

"Cuộc khủng hoảng kinh tế không thể trở thành lý do đáng tiếc để biện minh cho việc làm ít đi. Đó phải được xem là lý do để cố gắng hơn nữa. Chúng ta phải có trách nhiệm hỗ trợ những người dễ bị tác động. Những lời hứa được đưa ra phải được xem là những lời hứa cần giữ vững", Tổng Thư ký Ban Ki-moon giải thích.

Theo quan chức đứng đầu Liên hợp quốc, thông điệp mang tính xây dựng thứ hai của Hội nghị thượng đỉnh lần này là đầu tư chiến lược. "Vấn đề mấu chốt là đầu tư cho các nguồn lực đang bị hạn chế trong những lĩnh vực có liên quan. Đó là lý do tại sao tôi cho rằng cần phải xem vấn đề sức khỏe bà mẹ và trẻ em cũng như an ninh lương thực là những mối ưu tiên hàng đầu", ông nêu rõ.

G20 là nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới thành lập hồi năm 1999, gồm các nước phát triển trong nhóm G7, Liên minh châu Âu (EU) và 12 nền kinh tế mới nổi, trong đó nhóm G7 bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Anh, Pháp, Đức, Italia, Canada; các nước mới nổi gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Indonesia, Brazil, Mexico, Argentina, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Australia, Nam Phi và Arập Saudi.

Chủ đề quan trọng thứ ba là cuộc đấu tranh chống biến đổi khí hậu. "Chúng ta phải nỗ lực hơn nữa trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Chúng ta càng kéo dài các bước đi thì chúng ta càng phải trả giá đắt hơn nữa. Vì vậy, chúng ta hãy cùng nhau mở cánh cửa của sự thịnh vượng, tạo ra nhiều việc làm, đảm bảo tăng trưởng kinh tế. Để chuẩn bị cho dài hạn, chúng ta có thể phát triển tốt trong ngắn hạn", Tổng Thư ký nhấn mạnh.

"Chia sẻ tăng trưởng và các lợi ích bình đẳng hơn cũng chính là đem lại lợi ích cho mỗi đơn vị trong số chúng ta", ông kết luận.

Trong khi đó, hôm nay (11/11), Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) đã chính thức khai mạc Seoul. Đây là hội nghị thứ 5 sau 4 hội nghị được tổ chức lần lượt ở Washington (Mỹ, năm 2008), London (Anh, tháng 4/2009), Pittsburgh (Mỹ, tháng 9/2009) và Toronto (Canada, tháng 6/2010). Hàn Quốc đã trở thành quốc gia đầu tiên không thuộc nhóm G7 được quyền đăng cai tổ chức Hội nghị G20. Đây không chỉ được xem là thành công về mặt ngoại giao của quốc gia này mà còn ghi nhận cách nhìn nhận tích cực của cộng đồng quốc tế đối với các quốc gia mới nổi.

 

 

Tổng thống nước chủ nhà Lee Myung-bak (Ảnh: Xinhua) 

Hội nghị thượng đỉnh G20 là Hội nghị tối cao để lập nên những quy tắc, quy chế quản lý trật tự kinh tế thế giới. Đây không chỉ là một hội nghị thảo luận thông thường mà còn là nơi quyết định đối sách cho những vấn đề quan trọng như hợp tác tài chính, quy chế tài chính trên toàn cầu. Nếu như những Hội nghị thượng đỉnh trước đây chủ yếu tập trung vào vấn đề “Thoát khỏi khủng hoảng kinh tế” thì Hội nghị tại Seoul lần này sẽ đề ra phương hướng cho tương lai. Sở dĩ Hội nghị G20 tại Seoul thu hút sự quan tâm chú ý của thế giới là do nó sẽ đề cập đến những vấn đề cơ bản của thế giới hiện nay như mô hình nào sẽ giúp kinh tế thế giới tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững và cân bằng. Hội nghị thượng đỉnh G20 Seoul cũng hướng tới xây dựng một khuôn khổ cho hợp tác quốc tế, cải cách các cơ quan tài chính thế giới và các quy chế tài chính quốc tế. So với những Hội nghị trước chỉ đánh giá lại những điều mục được các nước thỏa thuận thống nhất trước đó thì Hội nghị này sẽ là nơi đề ra các biện pháp cụ thể để thực thi điều đó.

Chương trình nghị sự của Hội nghị G20 Seoul được chia thành 2 hai nội dung chính. Thứ nhất là chương trình nghị sự nối tiếp những hội nghị trước đó như Hội nghị Washington, London, Pittsburg về vấn đề hợp tác kinh tế vĩ mô, cải cách quy chế tài chính, cải tổ các tổ chức quốc tế có nhiệm vụ quản lý nền kinh tế thế giới như Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF). Thứ hai là chương trình nghị sự mới do Hàn Quốc đề xuất như vấn đề phát triển kinh tế, mạng lưới an toàn tài chính toàn cầu sẽ bàn thảo nhằm đưa Hội nghị trở thành một diễn đàn kinh tế lớn nhất thế giới cả về danh nghĩa lẫn thực chất chứ không chỉ dừng ở vấn đề đối phó với khủng hoảng kinh tế hiện nay.

Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G20, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak đã tuyên bố khẳng định Hội nghị đã trở thành một diễn đàn quan trọng, trong đó mọi vấn đề lớn đều có thể được đưa ra thảo luận. Tuy nhiên, hội nghị năm nay diễn ra trong một bối cảnh khó khăn, vì vậy tiến trình đạt đồng thuận sẽ không hề dễ dàng. Theo ông, điều thực sự quan trọng là phải chứng tỏ một tinh thần nhân nhượng và thỏa hiệp thông qua các nỗ lực chung./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực