Lạm dụng “Trách nhiệm bảo vệ” - Lợi bất cập hại

Thứ tư, 22/06/2011 20:59

(ĐCSVN) - “Trách nhiệm bảo vệ” là luận điểm được các nước thành viên Liên hợp quốc (LHQ) thừa nhận và thông qua. Tuy nhiên, cuộc chiến tranh Libya, dưới con mắt của giới quan sát lại là sự lạm dụng quá mức luận điểm này bởi nó tạo ra tiền lệ và công cụ pháp lý quốc tế cho các hoạt động can thiệp vào công việc nội bộ của một quốc gia có chủ quyền. Vì thế, diễn biến và kết cục của cuộc chiến Libya được dư luận quốc tế đặc biệt quan tâm.

Lạm dụng "Trách nhiệm bảo vệ" không đem lại hoà bình và ổn định (Ảnh IT)

Nội dung cơ bản của luận điểm “trách nhiệm bảo vệ” là cộng đồng quốc tế có trách nhiệm phải bảo vệ dân thường trong các cuộc khủng hoảng nhân đạo, nội chiến… nếu chính quyền sở tại không đáp ứng được. Nghĩa là, nếu chính quyền một nước thành viên LHQ không đảm bảo được những quyền cơ bản của người dân hoặc tiến hành các hành động vũ lực chống lại người dân nước mình thì cộng đồng quốc tế có trách nhiệm lên tiếng yêu cầu chính quyền sở tại đáp ứng những đòi hỏi chính đáng của nhân dân hoặc thực thi những hành động hỗ trợ cụ thể giúp người dân nước đó thực hiện những quyền lợi của mình.

Tại LHQ, một số nước phản đối và cho rằng, “trách nhiệm bảo vệ” chỉ được thực thi khi một chính phủ hợp hiến đề nghị, nếu không sẽ đi ngược Hiến chương LHQ, vi phạm Luật pháp quốc tế và thực chất là hành động can thiệp vũ lực vào công việc nội bộ của nước khác.

Một số nước lớn, tuy phản đối mạnh, nhưng lại chủ trương thực dụng, nên khi hành động lại theo những toan tính lợi ích quốc gia làm cho tiếng nói phản đối đã không đủ mạnh. Do đó, “trách nhiệm bảo vệ” đã dần dần đi vào thực tiễn trong các hoạt động của LHQ, đặc biệt trong HĐBA nơi đưa ra các quyết định cuối cùng về thực hiện “trách nhiệm bảo vệ” trong những trường hợp cụ thể.

Dư luận quốc tế cho rằng, khi vấn đề Libya được giải quyết trên cơ sở luận điểm “trách nhiệm bảo vệ”, rất có thể “trách nhiệm bảo vệ” sẽ trở thành xu thế chính cho các hoạt động hỗ trợ dưới danh nghĩa LHQ trong thời gian tới và đã tạo ra một khung pháp lý có thể bị một số nước lợi dụng để can thiệp vào công việc nội bộ của một quốc gia có chủ quyền.

Điều đáng lo ngại là khi vận dụng luận điểm trên cùng với công cụ “can thiệp nóng” được sử dụng tuỳ tiện sẽ kích hoạt nhu cầu đầu tư vào nguồn lực quốc phòng của các nước, trong bối cảnh cạnh tranh lợi ích quốc tế và khu vực ngày càng gia tăng.

Sự can thiệp của LHQ vào Libya, Bờ Biển Ngà có thể đã khuyến khích các hoạt động chống đối của lực lượng đối lập, li khai dưới danh nghĩa sắc tộc, tôn giáo, hoặc lợi ích chính trị, kinh tế… tại nhiều nước và khu vực, đặc biệt tại những khu vực cạnh tranh ảnh hưởng quyết liệt bởi các cường quốc bên ngoài như Bắc Phi và Trung Đông…

Xu thế nói trên, một mặt buộc các chính phủ sở tại phải điều chỉnh cách thức cai trị theo hướng đảm bảo phân chia cân bằng của cải xã hội và đáp ứng các nguyện vọng chính đáng của người dân. Tuy nhiên, nó cũng tạo ra tâm lý bất an cho các chính quyền sở tại, nhất là các nước tiềm ẩn nguy cơ bùng nổ do mâu thuẫn nội bộ. Mặt khác, cũng tạo ra một làn sóng mới trong việc nâng cấp, hiện đại hóa quốc phòng, chạy đua vũ trang tại các nước đang và chậm phát triển nhằm đối phó với sự can thiệp từ bên ngoài.

Từ diễn biến tình hình tại Trung Đông, Bắc Phi các nhà bình luận quốc tế cho rằng sẽ có hai mô hình can thiệp vào nội bộ nước khác dưới danh nghĩa cộng đồng quốc tế:

Một là, “can thiệp mềm” đó là việc LHQ lên tiếng, gây sức ép với chính phủ sở tại cải tổ chính trị hoặc từ chức nhằm đáp ứng đòi hỏi của người dân trong các cuộc biểu tình.

Hai là, “can thiệp nóng” đó là việc LHQ can thiệp bằng quân sự buộc chính phủ sở tại từ chức theo yêu cầu của người dân. Loại hình can thiệp thứ hai, hiện đã được phát triển với biên độ pháp lý rộng hơn và được thực hiện dưới hai góc độ: (1) Trên cơ sở đề nghị của người dân (hoặc phái đối lập); (2) Theo đề nghị của các tổ chức khu vực, hoặc quốc tế.

Tác động của mô hình can thiệp này rất lớn khi nó được trao cho một số nước dưới danh nghĩa LHQ quyền được phán xét về tính hợp hiến hay không một chính phủ sở tại và quyền được can thiệp để lật đổ chính phủ đó với lý do nhân đạo, bảo vệ dân thường, hoặc dân chủ, nhân quyền…

Như vậy, từ tình hình Trung Đông-Bắc Phi, nhất là cuộc chiến ở Libya đã tác động mạnh mẽ đến hệ thống quan hệ quốc tế trong tương lai gần. Điều đó, làm nảy sinh nhu cầu tăng cường nguồn lực quốc phòng của các nước nhằm loại trừ tác động của luận điểm “trách nhiệm bảo vệ” với mô hình “can thiệp nóng”. Đồng thời, các lực lượng đối lập tại một số nước cũng tận dụng thời cơ để gia tăng các hành động chống đối, gây bất ổn chính trị, tác động xấu đến xu thế phát triển của nhiều nước, nhất là những nước đang tiềm ẩn nguy cơ xung đột nội bộ.

Vì thế, việc lạm dụng thái quá luận điểm “trách nhiệm bảo vệ” đang gây lo ngại trong cộng đồng quốc tế về sự biến thể “lợi bất cập hại” của nó trong hệ thống quan hệ quốc tế./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực