Lần đầu tiên trong lịch sử nước Pháp kể từ khi thành lập nền Cộng hòa thứ năm, cánh hữu đã mất quyền kiểm soát tại Thượng viện. Đây là một thất bại lịch sử đối với chính quyền cánh hữu của Tổng thống N.Xác-cô-di (Nicolas Sarkozy) khi chỉ còn 7 tháng nữa là tới cuộc bầu cử tổng thống Pháp. Cùng với chiến thắng của cánh tả ở Đan Mạch, Na Uy và Lát-vi-a, sự kiện này góp phần đánh dấu sự trở lại của lực lượng cánh tả trên chính trường châu Âu.
|
Lãnh đạo phe cánh tả Pháp vui mừng sau chiến thắng lịch sử trong cuộc bầu cử Thượng viện ngày 25-9. Ảnh: Lepoint.fr |
Thắng lợi lịch sử
Theo Đài Truyền hình France 2, kết quả cuộc bầu cử Thượng viện ngày 25-9, phe cánh tả, gồm đảng Xã hội và các đảng liên minh là Đảng Cộng sản và Đảng Xanh), đã giành thêm 23 ghế từ liên minh cánh hữu của Liên minh vì phong trào nhân dân (UMP) cầm quyền. Với kết quả này, cánh tả chiếm 177 ghế trong tổng số 348 ghế tại Thượng viện, nhiều hơn hai ghế so với con số cần thiết để giành thế đa số. UMP chỉ còn 171 ghế trở thành thiểu số. Thất bại của UMP còn cay đắng hơn khi để mất ghế ở nhiều tỉnh, thành quan trọng như thủ đô Pa-ri, Y-vơ-lin (khu vực của Chủ tịch Thượng viện đương nhiệm Giê-ra Lác-sê của đảng UMP), Ốt Đờ Xen (khu vực truyền thống của cánh hữu)...
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử của nền cộng hòa thứ 5 ở Pháp (từ năm 1958), phe cánh tả giành quyền kiểm soát tại Thượng viện. Thậm chí, dưới thời cầm quyền của Tổng thống Phrăng-xoa Mít-tơ-răng thuộc đảng Xã hội (1981-1995), phe cánh tả cũng chưa bao giờ mơ tới một chiến thắng ngoạn mục như lần này. Tờ Les Echos (Pháp) nhận định, chiến thắng vừa qua của phe cánh tả ở Thượng viện là kết quả lô-gích và hầu như không thể đảo ngược được. Kể từ năm 1995 tại Pháp, cánh tả đã liên tục chiến thắng trong các cuộc bầu cử địa phương.
Nhiều chính sách của chính phủ ban hành gần đây không được lòng cử tri cũng như lãnh đạo các địa phương. Cử tri Pháp tỏ ra thất vọng khi tỷ lệ thất nghiệp cao và khủng hoảng tài chính công ngày một nghiêm trọng. Bên cạnh đó, những người bạn, đồng minh và bản thân Tổng thống Xác-cô-di đang dính vào hàng loạt vụ bê bối. Gần đây nhất, hai trong số những người bạn thân thiết của ông đã bị điều tra trong vụ nhận "lại quả" từ các thương vụ bán vũ khí cho Pa-ki-xtan 17 năm trước. Ông Xác-cô-di cũng dính vào vụ bê bối gây quỹ tranh cử của cựu Thủ tướng Ê-đu-a Ba-la-đuya (Edouard Balladur) năm 1995, trong vai trò là người quản lý chiến dịch vận động.
Mặc dù bầu cử Thượng viện không phải là cơ sở tốt nhất để đánh giá về sự ủng hộ của cử tri và UMP vẫn còn chiếm đa số ở Hạ viện, nơi có tiếng nói quyết định về các dự luật mới, nhưng việc một Thượng viện do cánh tả nắm giữ có thể gây khó khăn cho Tổng thống Xác-cô-di trong việc thông qua các chính sách mới.
Lấy lại niềm tin
Với “sự kiện lịch sử” mà cánh tả Pháp vừa mang lại, giới phân tích cho rằng, châu Âu đang hưởng “làn gió cánh tả” mới khi lực lượng này liên tiếp giành được thắng lợi trong các cuộc bầu cử gần đây.
Cuộc bầu cử quốc hội ở Đan Mạch ngày 15-9 vừa qua đã đặt dấu chấm hết cho chính phủ cánh hữu cầm quyền 10 năm qua tại quốc gia Bắc Âu này. Trong cuộc bầu cử này, lực lượng cánh tả do đảng “Khối Đỏ” lãnh đạo giành được 89/179 ghế trong quốc hội Đan Mạch, trong khi cánh hữu của Thủ tướng sắp mãn nhiệm L. Rát-mu-xen giành được 86 ghế. Chiến thắng của đảng “Khối Đỏ” đưa Chủ tịch đảng này, bà Hê-lê Thoóc-ninh Xsơ-mít, trở thành Thủ tướng của Đan Mạch.
Bên cạnh Đan Mạch, Pháp, cánh tả ở Na Uy, Lát-vi-a cũng giành được thắng lợi quan trọng trong các cuộc bầu cử mới đây. Cánh tả cầm quyền ở Na Uy tiếp tục củng cố vị thế của mình khi giành được thắng lợi trong cuộc bầu cử hội đồng địa phương ngày 12-9. Tại Lát-vi-a, Trung tâm hòa hợp - một đảng cánh tả - đã giành được vị trí đứng đầu với gần 29% số phiếu bầu. Dù đảng này không hội đủ số ghế cần thiết để trở thành đảng lãnh đạo trong chính phủ Lát-vi-a, nhưng đây được xem là một sự thay đổi lớn kể từ khi quốc gia vùng Ban-tích này tuyên bố độc lập vào năm 1991.
Trong khi phe cánh tả tiến lên vùn vụt thì phe cánh hữu lại có dấu hiệu chững lại và đi xuống, mà thể hiện rõ nhất tại các cuộc bầu cử địa phương ở Đức và I-ta-li-a. Kết quả cuộc bầu cử địa phương ở I-ta-li-a hồi tháng 5-2011 cho thấy, Thủ tướng Béc-lu-xcô-ni đã “mất điểm” ngay tại “căn cứ địa” Mi-lan. Thất bại vừa qua của Thủ tướng Đức An-giê-la Méc-ken trong 7 cuộc bầu cử cấp vùng của đảng Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) cũng là một kết quả buồn đối với cánh hữu ở Đức.
Theo tờ Thế giới (Pháp), mô hình xã hội mà cánh hữu ở nhiều nước châu Âu đưa ra đang cho thấy nhiều sự bất cập và khiến cử tri bắt đầu mất kiên nhẫn. Thắng lợi của cánh tả trong cuộc bầu cử ở Đan Mạch vừa qua chính là sự khởi đầu cho một loạt thắng lợi tiếp theo, có thể diễn ra trong hai năm sắp tới. “Đó sẽ là làn gió mới làm chuyển biến châu Âu. Chiến thắng của lực lượng cánh tả tiến bộ có thể giúp châu Âu lấy lại niềm tin đã bị đánh mất từ quá lâu, cho phép châu Âu quay lại với đà tăng trưởng và bước sang một giai đoạn chính trị mới”, tờ báo này nhận định.