Lập trường của một số nước đối với Mianma sau bầu cử

Chủ nhật, 14/08/2011 16:23

(ĐCSVN) - Đến nay, Mianma đã hoàn thành “Lộ trình bảy bước dân chủ”, đất nước đã có chính quyền dân sự với đầy đủ các thiết chế cần thiết. Đối với Mianma, lập trường của các nước cũng có khác nhau, nhưng đều thừa nhận sự đổi thay lịch sử.

Ngày 7/1/2010, Mianma đã tổ chức cuộc bầu cử đầu tiên sau 20 năm. Đảng Đoàn kết Thống nhất và Phát triển (USDP) do chính quyền quân sự ủng hộ giành thắng lợi. Cuộc bầu cử không những là một sự kiện lớn mang ý nghĩa đặc biệt đối với đất nước và người dân Mianma, mà còn là sự kiện lớn được các nước láng giềng xung quanh như: Trung Quốc, Ấn Độ và cả cộng đồng quốc tế quan tâm.

Trong cuộc bầu cử này, hơn 2000 ứng cử viên của 37 đảng như: Đảng Đoàn kết Thống nhất và Phát triển (USDP), Đảng Thống nhất Quốc gia (NUP), Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD)...và 82 ứng cử viên độc lập khác đã cạnh tranh quyết liệt 1154 ghế đại biểu ở quốc hội và cấp bang, vùng hành chính. Theo điều khoản hiến pháp mới do phe quân đội chủ trì xây dựng, 25% ghế trong quốc hội là các quân nhân do ba tổng tư lệnh quân đội đề xuất, không qua bầu cử. Theo kết quả cuối cùng của cuộc bầu cử do Ủy ban Bầu cử Liên bang Mianma công bố vào ngày 11/11/2010, Đảng USDP giành được 77% số ghế ở quốc hội liên bang, cấp bang, vùng hành chính, bao gồm 883 ghế, chiếm đa số ở các cấp: Số đại biểu của Đảng USDP và các đại biểu quân đội không qua bầu cử chiếm gần 83% số đại biểu ở các cấp. Ông Than Shwe, Tổng Tham mưu trưởng quân đội, thành viên trong “Hội đồng Hòa bình và Phát triển nhà nước” (SPDC) thuộc cơ quan lãnh đạo tối cao của Mianma trước đây (nhân vật thứ ba trong chính quyền quân sự), ông Thein Sein, Thủ tướng Chính phủ (nhân vật thứ tư, chủ tịch Đảng USDP), ông Tin Aomin, Tổng thư ký SPDC (nhân vật thứ năm) đã chính thức được bầu làm nghị sĩ quốc hội.

Trong cuộc bầu cử đó, 17,4 triệu cử tri, tức hơn 60% trong tổng số 29 triệu cử tri đã tham gia bỏ phiếu. Đảng USDP giành được thắng lợi như dự kiến ban đầu. Nguyên nhân là sức mạnh của Đảng này không có đảng nào sánh bằng. Đảng này được tổ chức dân sự lớn nhất - Hội đồng Hòa bình và Phát triển nhà nước (SPDC) của chính quyền quân đội đứng ra thành lập. Thành viên của SPDC lúc đông nhất lên tới hơn 24 triệu người, chiếm gần 40% dân số Mianma. Đảng USDP có vị thế chính trị lớn và lực lượng hùng hậu nắm chính quyền. Chủ tịch Thống tướng Than Shwe của SPDC cũng là chủ tịch danh dự USDP. Thủ tướng Thein Sein là Chủ tịch đảng, nhiều bộ trưởng hiện nay cũng đảm nhiệm chức Bí thư và Ủy viên Trung ương của Đảng USDP. Ngoài ra, trong một thời gian dài, SPDC đã thực hiện nhiều công việc hợp lòng dân, như cung cấp tín dụng và phục vụ y tế cho đông đảo nhân dân, được nhân dân ủng hộ. Vào tháng 6/2010, SPDC được phép của các chính đảng, đổi tên thành Đảng Đoàn kết Thống nhất và Phát triển (USDP). Hiện nay, đảng này có 16 triệu đảng viên, chiếm hơn một nửa cử tri Mianma. Thứ hai, sai lầm chiến lược của Đảng đối lập Thống nhất Quốc gia (NUP) giúp Đảng USDP không còn đối thủ cạnh tranh lớn nhất. Lâu nay, dưới sức ép lớn của chính quyền quân sự, 93 chính đảng hoạt động mạnh trong giới chính trị Mianma chỉ còn lại 10 đảng. Số đảng viên của Đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD) do bà Aung San Suu Kyi đứng đầu giảm từ 2,5 triệu người vào năm 1990 xuống còn 250 nghìn người. Ngoài Rănggun, hoạt động của đảng này ở cơ sở gần như bị tê liệt. Bà San Suu Kyi đã liên tục bị quản thúc trong 15 năm, đồng thời hoàn toàn không được tranh cử và đảm nhiệm vị trí lãnh đạo nhà nước vì các lý do như: “đang trong thời gian thi hành án”, “có chồng là người nước ngoài”, không phù hợp với quy định của Hiến pháp mới. Để chống lại cuộc bầu cử “không công bằng”, NLD đã quyết định không tham gia bầu cử. Điều này cũng khiến Đảng USDP không còn đối thủ cạnh tranh lớn. Mặc dù Mianma bị phương Tây cấm vận trong thời gian dài, nhưng do kinh tế đối ngoại không phát triển, quy mô nhỏ, nên sự phụ thuộc của nước này vào phương Tây không lớn. Hơn nữa, các nguồn tài nguyên như dầu mỏ, quặng sắt dồi dào, có thể đem bán để đổi lấy ngoại tệ. Không những thế, khí hậu ở Mianma rất phù hợp để sản xuất nông nghiệp, nhân dân cơ bản không bị đói ăn. Theo số liệu được Chính quyền Mianma công bố, từ năm 2001-2008, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế ở trong khoảng từ 10- 14%. Tỷ lệ tăng trưởng kinh tế trong năm 2010 lên tới hơn 10%. Một số quốc gia châu Á và châu Âu tiếp tục đầu tư và thúc đẩy hợp tác thương mại với Mianma; tính đến tháng 5/2009, có 31 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Mianma, tổng kim ngạch đầu tư lên tới 15,7 tỷ USD. Sau khi xảy ra khủng hoảng kinh tế tài chính thế giới năm 2008, tống kim ngạch thương mại Mianma vẫn liên tục tăng. Theo thống kê chính thức, tổng kim ngạch ngoại thương của nước này trong giai đoạn 2008-2009 lên tới 11,5 tỷ USD, xuất siêu 2,6 tỷ USD. Kết quả này còn bị hạn chế do ảnh hưởng cấm vận của các nước phương Tây.

Không ít người dân và giới tinh hoa chính trị cho rằng, nếu Mianma - đất nước diện tích rộng lớn, kinh tế lạc hậu, mâu thuẫn chính trị sâu sắc, xung đột chính trị gay gắt, buôn bán ma tuý hoành hành - hoàn toàn đi theo mô hình dân chủ phương Tây thì đất nước sẽ rối ren lớn hơn.

Từ ngày 3/11 đến 2/4/2011, Quốc hội Mianma đã lần đầu tiên được tổ chức, đề cử cựu Thủ tướng Thein Sein làm Tổng thống, Bí thư thứ nhất của SPDC, U Tin Aung Myint Oo và Nghị sĩ bang Shan Sai Mauk Kham làm Phó Tổng thống, Thura Shwe Mann làm Chủ tịch Hạ viện, Nguyên Bộ trưởng Bộ Vặn hóa Khin Aung Myint làm Chủ tịch Thượng viện. Tổng thống được lệnh xây dựng chính phủ, 11 nhân vật chủ chốt như Phó tổng thống, 3 Tư lệnh trong quân đội... đã thành lập “Ủy ban quốc phòng và an ninh quốc gia” để thay thế SPDC. Lãnh đạo cao nhất của quân đội Thống tướng Than Shwe vẫn đảm nhận chức Tổng tư lệnh quân đội, Tổng thống Thein Sein kiêm nhiệm chức Chủ tịch Đảng USDP. Do đó, Mianma đã hoàn thành bước đi cuối cùng trong “Lộ trình bảy bước dân chủ” do chính quyền quân sự công bố năm 2003. Quốc gia này đã có bước đi đầu tiên chuyển từ mô hình thống trị của phe quân đội sang chính quyền dân sự.

Do lợi ích quốc gia và lợi ích chiến lược của các bên khác nhau, các nước láng giềng ASEAN, các nước lớn xung quanh và các quốc gia phương Tây cũng có những phản ứng khác nhau đối với việc Mianma tiến hành tổng tuyển cử và chính phủ mới của nước này ra đời.

Sau khi cuộc bầu cử kết thúc, Thái Lan đã ra tuyên bố riêng, coi sự kiện này của Mianma là bước đi quan trọng để đi đến hòa giải quốc gia và là bước tiến dân chủ thực tế.

Việt Nam là nước chủ tịch luân phiên ASEAN tuyên bố ASEAN hoan nghênh cuộc bầu cử của Mianma, coi đây là bước đi quan trọng trong tiến trình phát triển lịch sử đất nước này.

ASEAN luôn giữ vững nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ đối với Mianma, cho rằng nếu thực hiện dân chủ thuần túy như phương Tây theo yêu cầu của phương Tây, hoặc ASEAN cùng phương Tây nhất trí cùng hành động buộc Chính phủ quân sự Mianma phải từ bỏ quyền lực, sẽ có thể khiến đất nướcMianma rơi vào tình trạng chia năm sẻ bảy; điều đó sẽ không phù hợp với lợi ích của ASEAN. Khi nói về vấn đề Mianma, Cố vấn nội các Xinhgapo Lý Quang Diệu cho rằng: “Ngoài lực lượng quân đội ra, ở Mianma không còn lực lượng thống trị nào khác, lãnh tụ phong trào dân chủ Aung San Suu Kyi không có đủ tài lãnh đạo hơn cánh quân đội”.

Trong một thời gian dài, Thái Lan là nước cung cấp vốn đầu tư bên ngoài lớn nhất và cũng là tại trường xuất khẩu lớn nhất của Mianma. theo số liệu thống kê chính thức của Mianma, kim ngạch thương mại song phương Thái Lan - Mianma năm 2006 - 2007 đạt 2,659 tỷ USD. Đặc biệt, lượng khí đốt từ Mianma xuất khẩu sang Thái lan chiếm 25% nhu cầu tiêu thụ hàng năm của nước Thái. Năm 2007, Mianma xuất khẩu lượng khí đốt sang thái Lan trị giá 2,703 tỷ USD, chiếm 45% tổng kim ngạch xuất khẩu của Mianma năm đó. Hiện nay, đầu tư của Thái Lan vào Mianma theo Hiệp định lên tới 7,3 tỷ USD, chiếm hơn 50% vốn đầu tư bên ngoài vào nước này. Xinhgapo luôn giữ im lặng vì họ có lợi ích kinh tế rất quan trọng tại Mianma, quan hệ hai nước hết sức gắn bó. Những nhà lãnh đạo của Mianma hàng năm đều đến Xinhgapo kiểm tra sức khỏe và chữa bệnh. Các công ty lớn của Mianma cũng đều chọn Xinhgapo làm nơi giao dịch tài chính.

Trung Quốc luôn khuyến khích Mianma thúc đẩy cải cách dân chủ theo phương thức dần từng bước, đảm bảo cho cục diện trong nước ổn định, đồng thời giữ quan hệ tốt đẹp với chính phủ quân sự của Mianma. Trung Quốc có hơn 1 triệu người Hoa sinh sống và làm ăn tại Mianma. Hai nước có chung đường biên giới rất dài. Đối với Trung Quốc, việc duy trì vùng biên giới yên ổn và bảo đảm sự ổn định của chính quyền Mianma là vô cùng quan trọng. Hơn nữa, Trung Quốc đã đầu tư quy mô lớn vào Mianma, tham gia nhiều dự án công trình như làm đường, đắp đê, đặt đường ống dẫn dầu và xây dựng cảng biển. Trung Quốc còn giành được tuyến đường tiến vào Ấn Độ Dương qua Mianma.

Ngoài ra, chính sách Mianma của các nước liên minh của Mỹ như: Nhật Bản, Hàn Quốc, EU có khoảng cách nhất định với Mỹ. Chẳng hạn như ngay từ tháng 2/1989, Nhật Bản đã thừa nhận chính quyền quân sự Mianma, và đi đầu trong việc khôi phục lại sự viện trợ đối với nước này. Đến nay, Nhật Bản vẫn là nước viện trợ lớn nhất của Mianma. Nhật Bản còn phản đối việc Mỹ đưa vấn đề Mianma lên Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc thảo luận. Nhật Bản tích cực tham gia khai thác, phát triển hợp tác lưu vực sông Mê công, gần đây tỏ ra mong muốn tham gia các dự án xây dựng cảng nước sâu Dawei ở miền Nam Mianma. Khi Mỹ tiến hành trừng phạt kinh tế đối với Mianma, các công ty của EU cũng vẫn lặng lẽ đầu tư vào Mianma. Nước Anh từng viện trợ số lượng lớn cho Mianma.

Ngày 1/3/2011, Chính phủ Anh công bố trong thời gian 4 năm tới, số tiền Anh viện trợ cho Mianma sẽ có thể tăng gấp ba. Gần đây, Anh vừa viện trợ 32 triệu bảng Anh cho Mianma, đến năm 2015, tổng mức viện trợ sẽ tăng lên 224 triệu bảng Anh. Hiện nay, Anh là nước viện trợ lớn nhất của Mianma. Thủ tướng Đức Merkel cũng kêu gọi thả các tù nhân chính trị khác. Các nước phương Tây đã có sự thừa nhận ở mức độ nhất định đối với cuộc bầu cử của Mianma. Điều này sẽ có lợi cho Mianma trong việc điều hành chính quyền dân sự lấy quân đội làm chủ đạo trong một môi trường tương đối thoải mái.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực