Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ khẳng định: “Mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng, quyền được sống, được tự do và được sở hữu”. Với ý nghĩa này, các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam phải được hưởng đầy đủ các quyền chân chính và cao cả đó.
Phiên điều trần lần thứ 3 về chất độc da cam/dioxin mà quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam được tổ chức tại Hạ viện Mỹ vào ngày hôm nay (15/7). Lẽ công bằng được đặt ra như một mục tiêu hàng đầu phải được thực thi trong phiên điều trần này.
|
Nhiều nạn nhân chất độc da cam/dioxin đã không đủ sức chờ đến ngày công lý được thực thi. Ảnh: Minh Hòa |
Đây là phiên điều trần thứ ba do Hạ nghị sĩ Eni Faleomaveaga, Chủ tịch Tiểu ban châu Á - Thái Bình Dương và các vấn đề môi trường toàn cầu thuộc Uỷ ban Đối ngoại của Hạ viện Mỹ triệu tập. Khác với hai phiên điều trần trước diễn ra vào tháng 5/2008 và tháng 6/2009, đây là lần đầu tiên tại phiên điều trần có đại diện của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA). Đó là bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Phó Chủ tịch VAVA và chị Trần Thị Hoan (23 tuổi), nạn nhân thế hệ thứ 2, bị cụt 2 chân và 1 tay, đang là sinh viên trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM. Sự tham dự của họ chính là cơ sở để phía Mỹ xem xét cách thức đáp ứng yêu cầu của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam và những người bị phơi nhiễm chất độc này.
Đây là những chuyển biến mới của Mỹ trong hợp tác giải quyết hậu quả chất độc da cam, thể hiện ở cả nhận thức và hành động. Phía Mỹ đã không còn né tránh khi đề cập các nạn nhân chất độc da cam và không coi họ chỉ là những người khuyết tật như trước.
Ngay trước khi diễn ra phiên điều trần thứ 3 này, vào tháng 6/2010, Mỹ đã đồng ý với kế hoạch hành động do Nhóm Đối thoại Việt Nam - Mỹ về chất độc da cam/dioxin đề ra. Trong đó, dự kiến khoản kinh phí 300 triệu USD cho chăm sóc sức khoẻ các nạn nhân và cải thiện môi trường. Trước đó, phía Mỹ cũng đã cố gắng đưa ra các phương pháp khoa học, công nghệ cũng như đầu tư kinh phí tẩy độc một số điểm bị nhiễm dioxin. Khi Việt Nam còn nhiều khó khăn, những sự hỗ trợ đó của phía Mỹ là đáng trân trọng. Nhưng đó mới chỉ là những chuyển biến bước đầu và còn rất hạn chế.
Hiện nay, tại Việt Nam có khoảng 3 triệu trẻ em và người lớn là nạn nhân của chất độc da cam. Nhiều người trong số đó đang ngày đêm chống chọi với căn bệnh ung thư hiểm nghèo. Họ cần được điều trị và hỗ trợ kịp thời. Số tiền 300 triệu USD không được thực hiện ngay, mà kéo dài trong 10 năm, bắt đầu từ năm 2010, mỗi năm 30 triệu USD. Câu hỏi được đặt ra là, liệu kế hoạch hành động đó có khả thi? Trong khi đó, từ 5 năm nay, Quốc hội Mỹ đã thông qua khoản kinh phí trị giá 17 tỷ USD bồi thường cho các cựu chiến binh Mỹ bị phơi nhiễm chất độc da cam trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.
Tất cả đều là con người - như Bản Tuyên ngôn Độc lập bất hủ của Mỹ đã nêu rõ: Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng, quyền được sống, được tự do và được sở hữu. Với ý nghĩa này, các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam phải được hưởng đầy đủ các quyền chân chính và cao cả đó. Thế nhưng, cho đến nay, trong khi các cựu chiến binh Mỹ đã được bồi thường những khoản tiền không phải là ít, thì các nạn nhân Việt Nam, thậm chí còn là những đối tượng bị phơi nhiễm nặng nề và nguy hiểm hơn nhiều, vẫn chưa được bù đắp từ phía chính quyền Mỹ.
Nước Mỹ đang tiếp cận khá tích cực trong việc giải quyết hậu quả chất độc da cam ở Việt Nam. Nhưng từng đó là chưa đủ. Nếu lẽ công bằng chưa được tính đến. Thượng nghị sĩ Tom Harkin, Chủ tịch Uỷ ban Y tế - Giáo dục - Lao động và Lương hưu của Thượng viện Mỹ vừa sang thăm Việt Nam đầu tháng 7/2010 đã phát biểu: “Mỹ phải công bằng trong việc giải quyết vấn đề chất độc da cam ở Việt Nam. Đó là đạo đức, là trách nhiệm”. Điều đó cũng có nghĩa, chính quyền Mỹ cần có trách nhiệm và nên đóng vai trò chính đáp ứng kinh phí trong nỗ lực giải quyết hậu quả chất độc da cam, đặc biệt cần nhanh chóng triển khai các chương trình bồi thường về vật chất cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam.
Phiên điều trần thứ ba của Hạ viện Mỹ về chất độc da cam/dioxin Việt Nam sẽ chỉ có kết quả tích cực khi lẽ công bằng được thực hiện./.