Cái chết của nhà lãnh đạo bị lật đổ M.Ca-đa-phi ngày 20-10 có thể xem là dấu chấm hết cho tình trạng “bom rơi đạn nổ” kéo dài nhiều tháng qua ở Li-bi. Tuy nhiên, theo đánh giá của các nhà phân tích, cái chết của ông Ca-đa-phi không phải là dấu chấm hết cho những vấn đề đặt ra lâu nay cho quốc gia Bắc Phi này.
|
Kiểm soát vũ khí không để rơi vào tay những phần tử cực đoan là một trong những nhiệm vụ mà NTC cần làm lúc này. Ảnh: Roi-tơ |
Nhiều chuyên gia nhận định, tình trạng chiến tranh có thể còn kéo dài tại Li-bi và chính phủ tạm quyền của nước này sẽ phải đối mặt với nhiều thử thách trong thời gian tới. Thách thức lớn nhất sẽ là làm sao để tạo được sự đoàn kết và bảo vệ ngành dầu mỏ của nước này. Theo kế hoạch, chính quyền chuyển tiếp dự kiến được thành lập trong vòng 30 ngày sau khi Li-bi chính thức tuyên bố hoàn toàn giải phóng. Một hội đồng dân tộc gồm 200 thành viên sẽ được bầu trong vòng 240 ngày và hội đồng này sẽ chỉ định một thủ tướng một tháng sau đó. Hội đồng này cũng được vạch thời hạn để giám sát việc soạn thảo một Hiến pháp mới và tổ chức các cuộc bầu cử Quốc hội.
Kế hoạch là như thế, nhưng có làm được hay không lại là chuyện khác. Bởi lẽ từ trước tới nay, ở Li-bi, chưa có ai được tự do phát biểu, chưa hề có văn hóa chính trị. Để tham gia tranh cử, các đảng phái sẽ được thành lập, nhưng ngoài NTC, chưa biết là sẽ có những lực lượng chính trị nào khác. Khó khăn lớn nhất là làm sao xây dựng một quốc gia thống nhất, dân chủ và tự do, trên một xứ sở được hình thành từ các bộ tộc. Người ta lo ngại sẽ xảy ra đấu đá tranh giành quyền lực giữa các vùng, các bộ tộc, cũng như giữa phe xu hướng tự do và phe Hồi giáo cực đoan ở Li-bi. Tuy nhiên, theo Giáo sư Mai-cơn Grây, chuyên gia về quản lý xung đột quốc tế của Đại học Bắc Tếch-dát (Mỹ), mặc dù chế độ Ca-đa-phi sụp đổ là nhờ sự can thiệp quân sự của phương Tây nhưng chính phủ Li-bi mới không bị áp đặt từ các thế lực bên ngoài như ở I-rắc hay Áp-ga-ni-xtan. Li-bi cũng khó thống nhất về mặt văn hóa và chủng tộc, nhưng nước này ít có khả năng xảy ra nội chiến tổng lực, điều mà có thể xảy ra ở Y-ê-men hay Xy-ri.
Một thách thức lớn khác mà Chính phủ mới của Li-bi phải đối mặt là bảo đảm an ninh. Dư luận quốc tế đã nhiều lần cảnh báo Li-bi thời hậu Ca-đa-phi có khả năng rơi vào tình trạng hỗn loạn vô chính phủ và bạo lực như tại I-rắc thời hậu Xát-đam Hút-xen. Giới phân tích cho rằng, sai lầm của I-rắc là đã vội vàng giải tán quân đội, cảnh sát và đảng Baath vốn có đầy đủ kinh nghiệm bảo đảm an ninh và duy trì hoạt động của các bộ máy công quyền. Vì vậy, việc giữ lại hay giải tán lực lượng an ninh và các tổ chức thời ông Ca-đa-phi còn cầm quyền là vấn đề không đơn giản.
Bên cạnh đó, chính quyền Li-bi mới phải gấp rút thu hồi và ngăn chặn các loại tên lửa và nhiều loại vũ khí nguy hiểm khác có thể rơi vào tay những phần tử cực đoan. Với sự trợ giúp của Mỹ, NTC đã bắt đầu thu hồi vũ khí của lực lượng thân Ca-đa-phi, nhất là các tên lửa đất đối không. Một số nguồn tin phương Tây cho rằng, lực lượng ủng hộ ông Ca-đa-phi đã tích trữ khoảng 20.000 quả tên lửa hiện đại SA-24 của Nga, loại vũ khí phòng không vác vai giống tên lửa Sting của Mỹ, có khả năng bắn hạ máy bay chiến đấu ở độ cao 3.352 m…
Song song với bảo đảm an ninh, các nhà lãnh đạo mới của Li-bi còn phải khôi phục một nền kinh tế, mà theo dự báo của nhiều định chế tài chính quốc tế, sẽ bị sụt giảm ít nhất 19% trong năm nay. Để tái thiết quốc gia, chính quyền Li-bi có thể dựa vào nguồn tài nguyên dồi dào của mình, đặc biệt là dầu mỏ. Chẳng cần mời gọi, các công ty ngoại quốc sẽ tranh nhau thị trường béo bở này. Hơn nữa, cộng đồng quốc tế chắc chắn là sẽ viện trợ ồ ạt để giúp vực dậy nền kinh tế Li-bi. Theo các nhà phân tích, phương Tây có thể giúp Li-bi giải quyết các vấn đề kỹ thuật trên lĩnh vực kinh tế quan trọng nhất này. Nhưng làm sao để nguồn “vàng đen” không bị vơ vét và thất thoát là một trách nhiệm lớn mà các nhà lãnh đạo Li-bi phải đặc biệt lưu tâm…
Li-bi đã hoàn toàn giải phóng nhưng đây mới là điểm bắt đầu. Con đường phía trước của Li-bi sẽ là khó khăn và những thách thức.