Libya - Câu trả lời hiển hiện sau cuộc chiến

Thứ năm, 08/09/2011 12:03

Mục tiêu chính của các bên tham chiến là
"chiếc bánh dầu mỏ Libya" (Ảnh minh họa: IT)

(ĐCSVN) - Mục đích chính của cuộc chiến tranh Libya là gì? Là thực hiện "trách nhiệm bảo vệ"? Là thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 1973 về vùng cấm bay ở Libya? Sau sáu tháng diễn ra cuộc chiến, câu trả lời đã hiển hiện rõ ràng. Đó là “chiếc bánh dầu mỏ của Libya”.

Trước và trong quá trình diễn ra cuộc chiến giữa Mỹ, Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) với Libya, không ít các tổ chức quốc tế, một số phương tiện thông tin ở phương Tây đã về hùa với Mỹ và NATO khi công kích chính thể của ông Cadafi. Họ thường chỉ quá nhấn mạnh đến quan điểm chính trị mà ít nhắc tới các quan hệ lợi ích sau cuộc chiến.

Do được Mỹ - NATO và một số nước “đỡ đầu” về nhiều mặt, lực lượng chống đối và Hội đồng Dân tộc Chuyển tiếp (NTC) tại Libya chiếm được ưu thế trong cuộc chiến ở Libya. Cho dù vậy, tiếng súng, tiếng bom chưa ngừng hẳn. Giao tranh ác liệt vẫn diễn ra ở một số nơi. Trên những con phố ở Tripoli, sự thanh bình vẫn chưa trở lại (và không biết bao giờ trở lại). Hàng trăm xác chết đang bị phân huỷ vẫn chưa được chôn cất. Cảnh đổ nát, hoang tàn vẫn chưa được dọn dẹp. Nguy cơ thảm họa nhân đạo đang rình rập và đe dọa lan rộng khắp đất nước Libya.

Thế nhưng, dường như những hình ảnh đau thương, tang tóc trên chẳng dáng được quan tâm bằng việc "phân chia" chiến lợi phẩm. Ngay cả lực lượng đối lập, NTC cũng chưa có những giải pháp hữu hiệu nhằm ổn định cuộc sống bình thường của người dân. Giữa bối cảnh trên thì nhóm liên lạc quốc tế về Libya (ICCL) gồm: Anh, Mỹ, Pháp và hầu hết các nước tham chiến đã nhóm họp nhằm thảo luận việc “chia chác” Libya thời hậu chiến và tăng cường ảnh hưởng tại quốc gia Bắc Phi này. Đây thực chất là mục tiêu chính và chủ yếu của cuộc chiến tranh dưới tấm bình phong “lập vùng cấm bay”, “bảo vệ dân thường” do Mỹ và NATO khởi chiến đối với Libya.

Lúc thì công khai, khi thì ngấm ngầm, các thành viên NATO đang tìm mọi cách để đạt được tham vọng của mình. Đức mong muốn sẵn sàng đóng vai trò quan trọng trong việc tái thiết sau khi lực lượng nổi dậy Libya giành chiến thắng hoàn toàn. Trong khi Anh, Pháp, Mỹ muốn Liên hợp quốc ra nghị quyết dỡ bỏ phong tỏa các tài sản (1,5 tỉ USD) nhằm phân phát nguồn tài sản chính khẩn cấp cho lực lượng đối lập. Ngày 24/8, Tổng thống Pháp N. Sarkozy - người sốt sắng nhất từ những ngày đầu trong cuộc chiến đối với Libya đã mời các quốc gia mà ông coi là “bằng hữu” của Libya tới Pa-ri để bàn về tương lai của Libya thời hậu chiến. Trước đó mấy ngày, khi phe đối lập ở Libya tiến vào Thủ đô Tripoli, Bộ quốc phòng Mỹ chìa ngay tờ“hóa đơn” mà nước này đã chi cho cuộc chiến, tính đến ngày 19/8 với số tiền 1 tỷ USD và cho biết, Washington mới chỉ thu lại được 221 triệu USD thông qua việc bán vũ khí, nhiên liệu, kỹ thuật quân sự... cho NATO những tháng qua.

Cũng như một số thành viên khác trong khối NATO, Italia cũng không muốn mình mất phần trong “cái bánh dầu mỏ của Libya”. Bộ trưởng Ngoại giao Italia F.Trattini tuyên bố: Công ty dầu khí Italia “sẽ đóng vai trò số 1” tại Libya trong tương lai. Thậm chí ông còn khẳng định các kỹ thuật viên của Eni đã lên đường đến miền đông Libya để nối lại hoạt động sản xuất dầu thô. Cũng không chịu “chậm chân”, tập đoàn dầu khí của Anh BP tuyên bố sẽ sớm trở lại để tiếp tục hoạt động thăm dò khai thác dầu khí. Các công ty dầu mỏ: Hess, Conoco Phillipin và Marathon của Mỹ, Total của Pháp, OMV của Áo, BP của Anh, Repol YPF của Tây Ban Nha, Reyal Dutch Shell của Hà Lan, Gazprom Neft và Tanelft của Nga, Petrobras và Oderbrecht của Brazil đều là những nhà sản xuất dầu mỏ lớn ở Libya trước khi xảy ra cuộc chiến, cũng đang tìm cơ hội trở lại Libya. BP đang thực thi chương trình trị giá 900 triệu USD trước khi mọi hoạt động bị ngưng trệ.

Trong những năm gần đây, dầu thô từ Libya đáp ứng 20% nhu cầu của Ý, hơn 15% nhu cầu của Pháp, Thụy Sĩ, Ireland và Áo. Các tập đoàn dầu khí lớn trên thế giới hy vọng chính quyền mới có quan hệ gần gũi NATO sẽ giúp quan hệ giữa Libya và phương Tây trở nên suôn sẻ hơn trong việc tìm kiếm nguồn “vàng đen” ở Libya. Trong những năm 60 của thế kỷ trước, Mỹ và Anh chiếm phần lớn thị phần dầu mỏ của Libya, nhưng những năm gần đây, Mỹ chỉ dành được một tỷ lệ rất nhỏ (khoảng 6%) lượng dầu mỏ từ quốc gia Bắc Phi này. Do đó, theo các nhà phân tích, Mỹ và Anh nhanh chóng chọn giải pháp quân sự tại Libya là vì họ muốn lấy lại vị thế chính trị hoàng kim đã mất.

Từ những thực tế trên cho thấy bản chất của cuộc chiến tranh Libya, diễn ra trong suốt 6 tháng qua là gì? Đó chính là cuộc chiến tranh chiếm đoạt tài nguyên, mựợn danh "Trách nhiệm bảo vệ", lợi dụng Nghị quyết 1973 của Liên hợp quốc, mượn cớ "bảo vệ nhân quyền" để can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của một quốc gia có chủ quyền
./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực